Liên minh UPU: Vũ khí đáng sợ giúp hàng Trung Quốc được bán đi khắp thế giới với mức giá siêu rẻ, thậm chí là 'bao free ship'

24/10/2018 08:38 AM | Kinh doanh

Khi lướt danh sách trên các website như Amazon và eBay, là một khách hàng bạn gần như không thể tưởng tượng được những nhà buôn có trụ sở ở Trung Quốc lại bán các sản phẩm với mức giá rẻ đến vậy.

Ở Mỹ, mức phí dịch vụ vận chuyển của UPS (Công ty dịch vụ bưu chính Mỹ) tiếp tục cao vậy làm thế nào những nhà buôn Trung Quốc có thể vận chuyển hàng của họ cách cả nghìn dặm đến Mỹ với mức giá bèo và trở thành biểu tượng mất cân bằng thương mại giữa 2 nước cũng như điểm bất lợi cho các công ty Mỹ so với những đối thủ nước ngoài?

Khi lướt danh sách trên các website như Amazon và eBay, là một khách hàng bạn gần như không thể tưởng tượng được những nhà buôn có trụ sở ở Trung Quốc lại bán các sản phẩm với mức giá rẻ đến vậy: Dây cáp với giá 99 USD, vòng cổ 0,78 USD, 10 chiếc pin đồng hồ với giá 0,78 USD – tất cả đã bao gồm phí vận chuyển. 

Nhiều người Mỹ sẽ cảm thấy một chút nghi ngờ hay thậm chí phẫn nộ với mức giá rẻ như vậy nhất là khi họ biết rằng mình không thể gửi những gói hàng đi bất cứ đâu ở quốc tế hay thậm chí là chỉ chuyển trong nội tại nước Mỹ ở mức giá đó.

Vậy làm thế nào Trung Quốc có thể vận chuyển sản phẩm với mức giá rẻ bèo như thế tới Mỹ?

"Tôi từng mua nhiều sản phẩm trên eBay từ Trung Quốc hoặc Hồng Kông. Có lần tôi đã mua 4 gói sạc với giá 99 cent và được miễn phí ship. Một gói 3 tai nghe có nút điều khiển âm lượng với giá 89 cent và cũng được free ship. Các gói hàng đến trong vòng 2 tuần với tem bưu điện Trung Quốc. Làm sao trên Trái Đất này họ có thể bán được những thứ quá rẻ đến vậy và sau đó vận chuyển chúng từ châu Á đến đây với mức giá siêu rẻ mạt?"

Hóa ra, chẳng có bí mật nào trong việc sản phẩm Trung Quốc được vận chuyển với giá quá rẻ như vậy cả. Lý do đơn giản hơn nhiều: Hàng hóa từ Trung Quốc nhận được trợ giá vận chuyển từ chính UPS! Bạn không nghe lầm đâu, từ chính Dịch vụ vận chuyển bưu chính Mỹ! Và nếu nghĩ xa xôi hơn một chút, theo quy luật vòng tròn thì thực tế là chính những người dân Mỹ phải trả thuế để trợ cấp cho những hóa đơn vận chuyển hàng từ Trung Quốc đến cho họ. 

"Chỉ mất ít hơn 4 USD để chuyển gói hàng nặng 2,5g từ Trung Quốc tới Toronto hay London. Nếu tôi muốn chuyển gói tương tự tới Toronto sẽ mất 14,73 USD. Còn London là 21,38 USD".

Cụ thể, năm 2011, Trung Quốc và Mỹ đã ký Hiệp thương song phương ePacket, quy định rằng bưu phẩm dưới 1 kg vận chuyển từ Trung Quốc sang Mỹ chỉ chịu phí vận chuyển 1 USD. Trong khi bưu phẩm có cùng trọng lượng được gửi từ Mỹ sang Trung Quốc phải trả phí 7 USD. Khoản phí 1 USD bao gồm tất cả các chi phí từ cảng Trung Quốc đến cảng Mỹ và sau đó đến cửa nhà người nhận, toàn bộ chênh lệnh do bưu chính Mỹ bù đắp vào. 

Như Phó chủ tịch Amazon toàn cầu chỉ ra: "Chi phí để vận chuyển gói hàng 1 kg từ South Carolina đến New York mất gần 6 USD nhưng từ Bắc Kinh tới Trung Quốc chỉ mất 3,66 USD".

Trong khi việc chuyển cùng gói hàng đó từ New York về Bắc Kinh với dịch vụ của UPS mất khoảng 50 USD.

Chính sách này tình cờ giúp các nhà buôn Trung Quốc còn tránh được rủi ro bị trả lại hàng từ Mỹ dù chất lượng có ra sao, biến thương mại điện tử toàn cầu thành con đường một chiều. 

Ví dụ đơn giản như thế này. Khi những khách hàng kém may mắn trên eBay nhận thấy những bất lợi: "Tôi mua một món hàng từ Hong Kong với giá 6 USD và 1,5 USD tiền ship. Khi nhận được hàng tôi thấy món đó bị hỏng vì vậy người bán nói với tôi rằng hãy gửi trả lại và sẽ được hoàn tiền. Nhưng, món hàng khoảng 150g để chuyển từ Mỹ tới Hong Kong với dịch vụ có thể theo dõi tình trạng hàng rẻ nhất của USPS sẽ mất 34,87 USD. Lựa chọn rẻ hơn không cần biết tình trạng hàng thì mất 11,48 USD".

Làm thế nào mà những nhà buôn trung Quốc lại vừa trả tiền cho sản phẩm, trả phí cho eBay và Paypal, rồi còn đóng gói hàng, chuyển tới cho tôi với trạng thái có thể theo dõi bằng mức giá 1/4 giá ship theo chiều ngược lại?

Vấn đề bất cân bằng thương mại này làm tăng tính khốc liệt trong thương mại điện tử toàn cầu. Những đơn vị tới từ Trung Quốc sẽ có lợi thế to lớn so với những đối thủ trong nước của Mỹ.

Hàng giả

Mathew Snow – người điều hành một công ty thiết kế áo phông Boredwalk ở California đã than vãn rằng ông bị đánh cắp thiết kế và bán công khai trên Amazon. 

"Phải trả ít tiền vận chuyển làm giảm chi phí tổng thể rất nhiều khi chuyển tới khách hàng. Thật khó để cung cấp mức giá thấp trong một lĩnh vực mà họ đã có sẵn lợi thế bởi vì nhân công rẻ và lại còn được miễn theo luật Mỹ".

Becca Peter đến từ Washington cũng gặp trường hợp tương tự. Cô bán hàng thông qua website PretyPackagesTape.com "ở mức giả rẻ nhất mà bất kỳ doanh nghiệp Mỹ nào có thể làm được". Nhưng mức giá đó chẳng là gì so với các đối thủ cạnh tranh tới từ Trung Quốc. Trong khi Peter bị thu 3,5 USD phí vận chuyển thì hàng hóa Trung Quốc bán sản phẩm na ná với mức giá bao luôn free ship chỉ là 2 USD.

Trường hợp này khiến các nhà buôn ở Mỹ trở nên thảm khốc hơn khi họ cố gắng đuổi kịp thương mại điện tử toàn cầu.

"Chỉ mất ít hơn 4 USD để chuyển gói hàng nặng 2,5g từ Trung Quốc tới Toronto hay London. Nếu tôi muốn chuyển gói tương tự tới Toronto sẽ mất 14,73 USD. Còn London là 21,38 USD".

Thương mại điện tử xuyên biên giới hiện là một trong những lĩnh vực kinh tế phát triển nhanh nhất trên hành tinh nhưng đó cũng là thứ mà các doanh nhân ở Mỹ không thể cạnh tranh được bởi sự chênh lệch quá lớn giá tiền chuyển hàng.

Khi Jack Ma nói đến cuộc chơi lớn hơn khi cố gắng giúp nhiều nhà buôn Mỹ bán hàng trên nền tảng ở Trung Quốc thì thực tế là mức phí vận chuyển quốc tế bây giờ khiến các nhà buôn Mỹ đã không thể cạnh tranh ngay từ đầu.

Ảnh hưởng của bất cân bằng phí vận chuyển toàn cầu với USPS càng thêm thảm khốc. USPS đã mất khoảng 1 USD cho mỗi ePacket tới từ Trung Quốc. Phía USPS cũng thừa nhận rằng cơ quan này đã mất 75 triệu USD xử lý hàng hóa từ những nhà buôn nước ngoài riêng trong năm 2014.

"Free ship"

Tổng thể, chính UPS bị hủy hoại về mặt tài chính đầu tiên, ghi nhận mức thua lỗ kỷ lục 60 tỷ USD kể từ năm 2007 với 5,6 tỷ USD riêng trong năm tài chính 2016. Như một phương án thay thế tạm thời, UPS buộc phải tiếp tục tăng mức giá trên trời cho những đơn vị chuyển hàng ở Mỹ. Tháng 1/2017, chi phí cho dịch vụ chuyển hàng cao cấp đã tăng đáng kể. Tháng 9, một bảng giá mới được áp dụng, đẩy chi phí vận chuyển hàng từ Mỹ lên khoảng 12%. Tháng 1 năm nay, tiếp tục một lần nữa giá ship lại tăng.

Nhìn chung, các nhà vận chuyển Mỹ phải trả mức phí cao hơn để bù đắp cho chi phí đó. "Thật đau đớn khi chứng kiến mức phí vận chuyển tiếp tục leo thang trong khi Trung Quốc thì vẫn thoải mái cung cấp những gói hàng miễn phí ship để hút hết nguồn tiền trong nền kinh tế của chúng ta", Snow nói.

Cũng có những hậu quả kinh tế cho sự bùng nổ thương mại điện tử Trung Quốc vào thị trường Mỹ. Nói đơn giản, một khách hàng mua sản phẩm trực tiếp từ Trung Quốc chẳng làm được gì cho nền kinh tế Mỹ cả và cứ thế hàng triệu và triệu USD đang chảy ra khỏi quốc gia này mỗi năm.

Trong khi đó, Trung Quốc lợi nhuận 40 – 60 tỷ USD mỗi tháng nhờ bất cân bằng xuất, nhập khẩu, con số có thể còn lớn hơn nữa nếu Trung Quốc tiếp tục phát triển trên tiêu chí "khu vực thương mại điện tử xuyên biên giới".

Nhưng lý do vì sao một Hiệp định nghe có vẻ vô lý như vậy lại tồn tại? Hóa ra, không phải UPS muốn giúp các nhà buôn Trung Quốc mà bởi theo tờ Washington Post nhận định là "sự đối đãi quốc tế đầy châm biếm".

Năm 1874, Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU), cơ quan trực thuộc Liên Hợp Quốc được thành lập bởi một hiệp ước mang tên UPU, giúp cộng đồng quốc tế chuẩn hóa các quy định bưu chính nhằm giúp thư tín, bưu kiện, hàng hóa được lưu chuyển trên toàn cầu dễ dàng hơn. 192 nước đã tham gia vào UPU trong đó có cả Mỹ và Trung Quốc. 

Để công bằng, UPU đã quyết định chia các nước trên thế giới thành nhiều cấp độ, nguyên tắc chung là các nước giàu có thì thu các khoản phí đầu cuối thấp, còn các nước nghèo thì thu phí đầu cuối cao. Điều này có thể giúp các nước nghèo phát triển dịch vụ bưu chính. Ban đầu cách làm này là một ý định tốt, phù hợp với nguyên tắc công ích.

Vấn đề là cấu trúc phân cấp của UPU gần như bất biến, hoàn toàn không phản ánh những thay đổi trong phát triển kinh tế. Ví dụ, khi mới phân chia cấp độ thì Trung Quốc thực sự là nước rất nghèo, vì vậy khi đó Trung Quốc áp dụng được theo tiêu chuẩn của các nước đang phát triển. Bưu phẩm từ Trung Quốc gửi sang Mỹ (hoặc các nước phát triển khác) chỉ tính phí đầu cuối rất thấp (trong khi từ Mỹ gửi đến Trung Quốc thì bị thu phí đầu cuối cao), hầu như không đủ chi phí cho quá trình bưu phẩm qua đường bưu điện đến Mỹ và tiếp tục gửi đến nơi nhận.

Và thế là trong nhiều năm qua, nước Mỹ vẫn bị mắc kẹt trong một hiệp định do chính mình khởi xướng. 

Vấn đề này giờ đây còn trở nên phức tạp hơn khi các nhà buôn Trung Quốc đồ dồn lên các trang như Amazon và eBay, thay thế nhà buôn Mỹ. Riêng trên trang Amazon Mỹ, nhà buôn Trung Quốc hiện chiếm 25% thị phần.

"Điều đó khiến tôi bực mình. Tại sao người Mỹ lại trợ cấp giá cho các doanh nghiệp Trung Quốc? Nếu bất kỳ ai có thể nhận mức hỗ trợ giá vận chuyển từ Dịch vụ bưu chính quốc gia thì họ nên là doanh nghiệp Mỹ, người Mỹ, không phải là từ quốc gia bên ngoài".

Có lẽ chính vì vậy mà ngày 13/10 vừa qua, Tổng thống Trump đã công bố tiến trình rút khỏi Liên minh Bưu chính Toàn cầu (UPU). Bản thân ông Trump khẳng định việc tham gia vào liên minh này chẳng có lợi gì cho phía Mỹ và các doanh nghiệp Mỹ cả. 

Động thái kể trên khiến nhiều người nhận định chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ càng trở nên trầm trọng hơn. Tuy nhiên những câu chuyện kể trên cho thấy các doanh nghiệp Mỹ đang chịu tổn hại thực sự với hiệp ước UPU. 

Vân Đàm

Cùng chuyên mục
XEM