Liên kết tiêu thụ thực phẩm sạch: Vẫn mạnh ai nấy làm

07/06/2016 19:12 PM | Kinh doanh

Thực tế cho thấy, việc sản xuất và tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn ở Hà Nội còn hạn chế, chủ yếu hoạt động theo hình thức mạnh ai nấy làm,

Hà Nội tạo mọi điều kiện thuận lợi, hỗ trợ chính sách để các cơ sở sản xuất và doanh nghiệp kinh doanh liên kết, nhằm phát triển nông sản sạch đưa sản phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng.

Đây là khẳng định của ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tại Hội nghị “Tăng cường liên kết giữa cơ sở sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh nông sản thực phẩm rõ nguồn gốc và an toàn trên địa bàn thành phố Hà Nội" do cơ quan này tổ chức ngày 7/6.

Phát biểu tại hội nghị, đại diện siêu thị Fivimart cho biết, cần phải quy định rõ ràng tiêu chuẩn, điều kiện về giấy phép, giấy chứng nhận, đặc biệt đối với sản phẩm động vật phải đã qua sơ chế.

Bên cạnh đó, các siêu thị cần tháo gỡ khó khăn cho người sản xuất, tạo điều kiện giúp nông dân đưa được nhiều hàng vào siêu thị, tăng thu nhập cho lực lượng lao động trực tiếp này.

Hiện nhiều doanh nghiệp xây dựng nguồn cung ổn định và đảm bảo an toàn thực phẩm, phục vụ không chỉ nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn xuất khẩu sang các nước như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ...

Bà Trương Kim Hoa, Giám đốc Trung tâm Giống và chuyển giao quy trình kỹ thuật chăn nuôi lợn rừng, trùn quế cho biết, Trung tâm có tiềm năng, thế mạnh về sản xuất các sản phẩm nông nghiệp an toàn và cam kết cùng người nông dân sản xuất sản phẩm nông sản sạch, hữu cơ, đạt tiêu chuẩn về VIETGAP... trước khi cung cấp ra thị trường.

Ngoài ra, đại diện một số hợp tác xã, chủ trang trại nuôi gia súc gia cầm cam kết chỉ sản xuất nông sản an toàn, không sử dụng thuốc trừ sâu, phân hóa học hay các chất cấm trong chăn nuôi.

Để tăng liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn trên địa bàn thành phố, Trung tâm Xúc tiến thương mại Hà Nội đề nghị các cơ quan có thẩm quyền quan tâm tới công tác đào tạo tập huấn quy trình kỹ thuật sản xuất an toàn đối với cơ sở sản xuất nông sản thực phẩm, kết hợp với giám sát.

Bên cạnh đó có cơ chế chính sách đủ mạnh hỗ trợ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh nông sản an toàn nhằm thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Hiện Hà Nội đã hình thành 157 cánh đồng mẫu lớn, vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao; 157 ha cây ăn quả và trên 80 ha chè VietGap.

Diện tích rau an toàn được quản lý, chỉ đạo và cấp giấy chứng nhận đạt 5.000 ha. Diện tích giám sát sản xuất theo VietGap đạt 352,7 ha và trên 40 ha rau hữu cơ. Hà Nội hình thành 76 xã chăn nuôi trọng điểm và 3.232 trại quy mô lớn ngoài khu dân cư.

Bên cạnh đó, Thành phố đã xây dựng được 11 chuỗi liên kết sản phẩm rau an toàn, 21 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi. Tổng sản lượng sản phẩm các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ đạt hàng nghìn tấn rau; 4,5 nghìn tấn thịt lợn; 3,1 nghìn tấn thịt gia cầm, 140 triệu quả trứng gia cầm, 29 nghìn tấn sữa tươi.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc sản xuất và tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn trên địa bàn thành phố Hà Nội còn hạn chế. Các cơ sở sản xuất chủ yếu hoạt động theo hình thức mạnh ai nấy làm, dẫn đến khó khăn trong quá trình kết nối với doanh nghiệp phân phối, sản phẩm tạo ra có tính cạnh tranh thấp.

Một số cơ sở sản xuất và doanh nghiệp phân phối vì chạy theo lợi nhuận trước mắt mà bỏ quên vấn đề an toàn cho người sử dụng, không tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất an toàn và trà trộn sản phẩm kém chất lượng vào tiêu thụ.

Trong dịp này, nhiều doanh nghiệp tiêu thụ và sản xuất nông sản thực phẩm sạch đã có ký kết biên bản ghi nhớ, hợp đồng liên kết; trong đó, cam kết cùng sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm sạch, đưa sản phẩm an toàn đến người tiêu dùng./.

Theo P.A- Mai Linh

Cùng chuyên mục
XEM