Lấy ý tưởng từ mắt loài Bướm đêm, một sản phẩm mới ra đời giúp ta có thể dễ dàng xem màn hình điện thoại dưới ánh nắng chói chang của mùa hè

01/07/2017 20:36 PM | Công nghệ

Lấy ý tưởng từ mắt loài Bướm đêm, một sản phẩm mới ra đời giúp ta có thể dễ dàng xem màn hình điện thoại dưới ánh nắng chói chang của mùa hè

Về cơ bản, sản phẩm này là một tấm màng trong suốt được lấy ý tưởng từ mắt loài Bướm đêm. Nó có tác dụng chống lóa trên màn hình điện thoại khi dùng trực tiếp dưới ánh sáng mặt trời.

Không chỉ giúp ta nhìn màn hình rõ hơn gấp 4 lần dưới ánh nắng, sản phẩm này còn giữ cho màn hình luôn sạch sẽ, tránh xa bụi bẩn và các dấu vân tay. Bên cạnh đó, nó còn có đặc tính dẻo, dễ uốn cong và nhờ đó có thể được sử dụng cho điện thoại màn hình cong.

Đội ngũ kỹ sư đến từ Mỹ và Đài Loan đã lấy ý tưởng từ cấu trúc nano trong mắt loài Bướm đêm. Đây cũng chính là một đặc tính sinh tồn của loài này bởi nếu không nhờ có cấu trúc đặc biệt, mắt của chúng sẽ phản xạ lại ánh sáng mặt trời, và qua đó các loài săn mồi sẽ dễ dàng phát hiện ra vị trí của chúng.

Khi ánh sáng chiếu tới mắt loài Bướm đêm và gặp phải bề mặt cong của nó, các lớp sóng sẽ bị bẻ cong, hay theo ngôn ngữ vật lý là bị khúc xạ. Các lớp sóng ánh sáng này khi phản xạ lại sẽ bị phân tán đi theo các hướng khác nhau. Nhờ đó, loài Bướm đêm vẫn an toàn và không bị phát hiện.

Còn đối với loài người, ánh sáng phản chiếu lại từ màn hình điện thoại tuy không ảnh hướng tới tính mạng nhưng sẽ tạo ra một sự khó chịu vô cùng.

Các lớp dán màn hình chống lóa hay chống phản chiếu giờ đây cũng không còn mới lạ gì nữa. Tuy nhiên, đa phần trong số chúng đều gặp phải những vấn đề như: giảm lượng ánh sáng xuyên qua (tức là giảm luôn cả độ sáng màn hình), chỉ phản chiếu lại một số tia nhất định, dễ hỏng hay quá đắt đỏ.

Hầu như các Smartphone hiện nay đều xử lý vấn đề này theo cách tự động đo độ sáng của môi trường sử dụng, sau đó tăng độ sáng màn hình lên để ta nhìn rõ hơn. Cách làm này có vẻ hiệu quả nhưng thực ra nó ngốn rất nhiều pin.

Nếu có thể tạo ra một chất liệu trong suốt với khả năng phân tán sóng ánh sáng chiếu tới, đồng thời không hạn chế ánh sáng lọt qua (tức không ảnh hưởng tới độ sáng màn hình) thì sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề. Đặc biệt là nếu phương pháp này lại không tốn quá nhiều chi phí.

“Mặc dù vẫn biết là cấu trúc của mắt loài Bướm đêm có thể giảm độ phản chiếu ánh sáng của một bề mặt, việc tạo ra một lớp màng với cấu trúc nano như vậy mà đủ to để dùng trên một chiếc điện thoại hay tablet là khá khó khăn.” Shin-Tson Wu tại Đại học Central Florida cho biết.

Các vấn đề mà nhóm nghiên cứu cần phải đối mặt là: chống lóa, không bám bụi và vân tay, chi phí sản xuất vừa phải và đặc biệt là không được gây ảnh hưởng tới độ phân giải của màn hình.

Nhóm nghiên cứu đã tạo ra một chất liệu với các chấm siêu nhỏ có đường kính chỉ 100 nanomet trên đó, mỗi chấm cách nhau 10 nanomet. Về mặt tỷ lệ mà nói, 1000 chấm như vậy gộp lại mới bằng độ rộng của một sợi lông trên cơ thể người.

“Bởi các cấu trúc này quá nhỏ, những kỹ thuật chế tạo mang độ chính xác cao là vô cùng cần thiết.” Wu nói.

Chất liệu được sản xuất sử dụng một dung dịch tạo bởi các khối cầu silicon dioxide. Dung dịch này được dàn đều ra thành một lớp duy nhất với sự hỗ trợ của máy ly tâm, khiến cho quá trình chế tạo trở nên dễ dàng hơn.

Một màn hình iPhone có thể phản chiếu lại tới 4.4% lượng ánh sáng xung quanh bạn. Trong khi cùng với kích thước đó, một lớp màng với các chấm siêu nhỏ chỉ phản chiếu lại 0.23% lượng ánh sáng.

Trong ứng dụng thực tế, chất liệu này còn cải thiện tỷ lệ tương phản lên tới 4 lần khi sử dụng dưới ánh sáng mặt trời. Trong bóng râm, tỷ lệ này được cải thiện lên tới gấp 10 lần.

“Lớp màng của chúng tôi đem đến cho người dùng một phương pháp hiệu quả với giá cả vừa phải nhằm giảm thiểu độ lóa màn hình, qua đó cải thiện trải nghiệm dùng của họ.” Wu nói thêm.

Các nhà nghiên cứu vẫn đang tìm cách cải thiện thêm sản phẩm của mình, giúp nó bền và dẻo hơn.

Tham khảo Sciencealert

Theo HTPL

Cùng chuyên mục
XEM