Lấy hết tiền hồi môn góp vốn vào công ty từ 7 năm trước, một nhân viên lễ tân của Xiaomi sắp thành triệu phú

22/05/2018 10:40 AM | Kinh doanh

Cổ phần của những nhân viên đời đầu tại Xiaomi có thể sớm đạt giá trị 1-3 tỷ USD, phụ thuộc vào việc bán cổ phiếu sắp tới. Tính sơ sơ, như vậy tính ra mỗi người sẽ có có trong tay 36 triệu USD.

8 năm trước, khi mà Xiaomi còn chưa bán được bất kỳ chiếc điện thoại thông minh nào thì 56 nhân viên đầu tiên của họ đã cùng góp lại được 11 triệu USD đề đầu tư vào startup này. Số tiền đó là từ tài khoản tiết kiệm hoặc vay mượn của bố mẹ họ. Thậm chí, 1 nhân viên lễ tân khi ấy còn sử dụng số tiền mà cô được hồi môn để đầu tư. 

Hiện Xiaomi là một trong những nhà sản xuất điện thoại thông minh thành công nhất trên thế giới và họ đang chuẩn bị cho thương vụ IPO lịch sử. Cổ phần của những nhân viên đời đầu tại công ty có thể sớm đạt giá trị 1-3 tỷ USD, phụ thuộc vào việc bán cổ phiếu sắp tới. Tính sơ sơ, như vậy mỗi người sẽ có có trong tay 36 triệu USD.

Quyết định đầu tư có phần mạo hiểm này bắt đầu từ Li Weixing – một cựu kỹ sư Microsoft – người nhân viên thứ 12 của Xiaomi. Trở lại vào năm 2010, các nhân viên làm việc cật lực 7 ngày mỗi tuần ở một văn phòng nhỏ tại Bắc Kinh để phát triển một hãng sản xuất điện thoại chẳng mấy tên tuổi. Khi thông tin lan ra rằng Lei Jun và các đồng sáng lập của ông sử dụng tiền túi của chính họ cho các vòng huy động vốn, Li và những người khác ngỏ ý muốn tham gia.

Li - người giúp tạo ra hệ điều hành của Xiaomi khi ấy tiết kiệm được 500.000 NDT (tương đương 79.000 USD). "Số tiền đó không đủ mua một căn nhà vì vậy anh ấy đã nói rằng muốn đầu tư vào Xiaomi. Chúng tôi nói, chúng tôi không thể để mình Weixing đầu tư vì vậy tôi thông báo với tất cả mọi người lời đề nghị này".

Một vài nhân sự chủ chốt đầu tiên của Xiaomi khi ấy đã giàu có gồm cả Lei Jun. Tuy nhiên với một vài người khác để đi đến quyết định đầu tư, họ đã phải vét sạch số tiền mình có. Li và những người khác thích đầu tư vào một thứ họ biết chắc chắn hơn là thị trường cổ phiếu. Hiện Li có thể kiếm được 10 – 20 triệu USD phụ thuộc vào giá trị IPO của Xiaomi.

Nhân viên thứ 14 của Xiaomi là một lễ tân – hiện làm ở phòng nhân sự của công ty. Cô này đã đóng góp toàn bộ khoản tiền hồi môn trị giá 100.000 – 200.000 NDT (tương đương 16 – 31.000 USD). Số cổ phần đó có khả năng trị giá từ 1 – 8 triệu USD.

Sau khi có quá nhiều lời đề nghị đầu tư, Lei đã quyết định đặt ra giới hạn đầu tư là 300.000 NDT và yêu cầu các nhân viên ngừng vay vốn để đầu tư. "Mối quan tâm dâng cao nhưng việc đó khiến chúng tôi lo ngại. Nếu mọi người ai cũng đặt quá nhiều tiền vào công ty, sẽ rất tồi tệ nếu Xiaomi thất bại".

Nhóm người này sẽ có thể kiếm được 3 tỷ USD nếu Xiaomi bán ra 15% cổ phần công ty ở mức giá 100 tỷ USD khi IPO. Một khoản trị giá 1,4 tỷ USD được trả cho 56 nhân viên nếu Xiaomi bán ra 25% cổ phần ở mức định giá 50 tỷ USD. Dù sao, các nhân viên này đã kiếm được gấp 200 lần so với khoản đầu tư ban đầu.

Lei và các nhà đồng sáng lập cũng kiếm được không ít. 5 người được tính toán sẽ trở thành tỷ phú theo Bloomberg và cổ phần của CEO Lei có thể trị giá 27 tỷ USD. Những đơn vị đầu tư từ quỹ Qiming Venture Partners đến Morningside Group cũng kì vọng kiếm được kha khá khi Xiaomi IPO.

Trước đó 8 năm có lẽ không thể có những chuyện như thế này xảy ra. Khi ấy, Xiaomi chỉ là một ý tưởng hình thành trong đầu Lei Jun. Lei là một ngôi sao công nghệ nổi tiếng ở quê nhà có tới hơn 1 triệu người theo dõi trên trang Weibo cá nhân nhưng rõ ràng không ai có thể tưởng tượng rằng một ngày ông có thể xây dựng được một công ty đủ sức cạnh tranh với Apple, Samsung.

Lei đã thuyết phục được một vài đồng sáng lập bỏ công việc trong mơ tại Microsoft và Alphabet để khởi nghiệp cùng anh. Họ đã cùng đầu tư vốn vào năm 2010 và đầu năm 2011 giá trị công ty đã đạt mức 250 triệu USD. Đó là khi các nhân viên đặt số tiền 11 triệu USD vào đây. Hiện tại Xiaomi là nhà sản xuất smartphone lớn thứ 4 thế giới và có giá trị gấp 200 lần thời điểm khởi nghiệp.

"Lei Jun là nhà sáng lập. Đáng ra anh ấy đủ sức gây toàn bộ số vốn ban đầu. Nhưng tại sao anh ấy lại chia sẻ nó cho mọi người. Anh ấy có tầm nhìn và anh ấy có thể xây dựng niềm tin mạnh mẽ vì vậy mọi người sẵn sàng chấp nhận rủi ro cùng anh".

Thung lũng Silicon được biết đến với những triệu phú bí mật – những người đầu tiên gia nhập vào những công ty như Facebook. Ví dụ nổi tiếng nhất là Bonnie Brown – chuyên gia trị liệu đã thỏa thuận nhận quyền chọn mua cổ phiếu với số tiền 450 USD mỗi tuần cô kiếm được khi làm bán thời gian tại Google. Cuối cùng, Brown nghỉ hưu trở thành triệu phú sau 5 năm ở công ty.

Ở Trung Quốc, những kiểu giàu có như vậy khá kín tiếng. "Những nhân viên này chịu rủi ro khi làm việc cho một startup nhỏ, chưa được kiểm nghiệm và nó cho thấy một tinh thân tuyệt vời. Hóa ra họ đã đúng".

Vân Đàm

Cùng chuyên mục
XEM