Larry Page đã thay đổi thế giới từ một khoảnh khắc trong mơ

20/05/2016 20:04 PM | Sống

Vào những năm 90, khi Larry Page còn là một sinh viên 22 tuổi ở đại học Stanford, ông chợt tỉnh giấc giữa đêm với một viễn cảnh lóe lên trong đầu: Tải xuống toàn bộ thế giới mạng và chỉ giữ lại các đường link.

Ngay khi tỉnh giấc, ông vớ ngay lấy giấy bút và ghi lại những gì sau này trở thành nền tảng cho một thuật toán. Page sử dụng thuật toán này để tạo ra một bộ máy tìm kiếm mà ngày nay được biết đến với cái tên Google.

“Khi một giấc mơ tuyệt vời xuất hiện, đừng để nó tuột mất!” Đó là lời khuyên của đồng sáng lập viên Google và giờ đây đang là CEO của Alphabet – công ty mẹ của Google.

Arianna Huffington, trong cuốn sách “The Sleep Revolution” của mình, đã chỉ ra rằng ý tưởng nắm bắt và vận dụng những gì diễn ra giấc mơ không phải là một điều gì mới mẻ. Và rất nhiều những ý tưởng đột phá, như tìm ra cấu trúc phân tử và bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học, đều là kết quả của những giấc mơ.

Theo các nhà tâm lý học từ Đại học San Diego, giấc ngủ giúp tăng khả năng tìm ra những giải pháp sáng tạo để giải quyết nhờ hỗ trợ não trong việc làm nổi bật những ý tưởng và ký ức rời rạc, rồi ghép nối chúng với nhau. Họ kết luận rằng giai đoạn giấc ngủ REM (mắt chuyển động nhanh) là giai đoạn tốt nhất để nuôi dưỡng tư duy sáng tạo.

Tiến sĩ Jeffrey Ellenbogen, một chuyên gia về thần kinh học tại trường Y Harvard, cũng nhận thấy nếu giai đoạn “ấp ủ” – khoảng thời gian một người không nghĩ về một ý tưởng nào đó nữa – gồm cả giấc ngủ, thì sẽ có nhiều hơn 33% khả năng họ tìm ra được sự kết nối giữa các ý tưởng rời rạc.

“Đã bao nhiêu lần chúng ta tỉnh giấc và bỗng thấy rõ mọi sự về một vấn đề hoặc giải quyết được một khúc mắc về cảm xúc? Đó là lý do tại sao các giấc mơ rất quan trọng”, Ariana Huffington cho biết.


Vậy chúng ta có thể sử dụng giấc ngủ một cách có chủ đích để giải quyết những vấn đề mà ta đang gặp phải không? Câu trả lời là “Có”.

Vậy chúng ta có thể sử dụng giấc ngủ một cách có chủ đích để giải quyết những vấn đề mà ta đang gặp phải không? Câu trả lời là “Có”.

“Nếu có một vấn đề nào đó đang làm ta đau đầu, ta có thể ‘cấy’ nó vào tiềm thức trước khi ngủ và chờ cho mọi sự được làm rõ trước khi giải pháp xuất hiện”, Huffington giải thích.

Huffington cũng gợi ý nên có một quyển nhật ký giấc mơ và một cái bút ngay cạnh giường, ngoài ra còn đèn pin nữa (nếu đèn ngủ không đủ sáng). Trước khi bạn đi ngủ, hãy hỏi: “Tôi muốn tìm giải pháp cho lĩnh vực gì trong cuộc sống của mình? Câu hỏi nào tôi cần được trả lời?”, sau đó ghi ra và tập trung vào vấn đề này khi bạn trôi dần vào giấc ngủ.

“Như thể bạn gửi một thông điệp cho tiềm thức của mình là bạn rất trân trọng những giấc mơ và bạn muốn nhớ được những giấc mơ đó”.

Khi bạn tỉnh dậy vào sáng hôm sau, hãy nằm yên một lúc để “hồi tưởng giấc mơ”, và một khi đã nhớ lại đôi chút, hãy viết lại bất kỳ điều gì bạn nhớ được về giấc mơ đêm qua, thậm chí chỉ là một từ, một hình ảnh hoặc một ấn tượng nào đó.

Huffington viết trong cuốn sách của mình: “Trước khi để thế giới bên ngoài xâm nhập, dừng lại một chút và hít thở thật sâu sẽ giúp bạn nhớ lại nhiều hơn về giấc mơ của mình, tái hiện được những con đường mà bạn đã đi qua trong thế giới chiêm bao”.

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM