Tôi hồi 15 tuổi lo học còn chưa xong, cậu bé này đã làm được trình duyệt ngàn người dùng nhờ nuôi đam mê trước đó cả chục năm

30/11/2016 14:07 PM | Công nghệ

Tự làm trình duyệt năm 15 tuổi, nghiên cứu về lập trình từ lớp 5, tiếp xúc với máy tính từ khi còn rất nhỏ, Nguyễn Anh Khoa chính là minh chứng sống cho khẩu hiệu: "Theo đuổi đam mê không bao giờ là quá sớm".

Hãy cùng chúng tôi trò chuyện với Nguyễn Anh Khoa (15 tuổi, Kon Tum), để phần nào hiểu rõ hơn về con người lập trình viên nhí này, cũng như cách em nuôi dưỡng niềm đam mê với lập trình từ khi còn nhỏ.

Nguyễn Anh Khoa

Ngày sinh: 12/01/2001

Lớp 10, trường chuyên Nguyễn Tất thành, Kon Tum

Sở thích:

- Lập trình

- Anime

- Chơi game

PV: Bản thân Khoa học và bắt đầu lập trình từ rất sớm, vậy em đến với lập trình như thế nào?

- Mọi thứ đến với em rất tình cờ. Bố là người đầu tiên đưa em đến với máy tính, em cũng không nhớ là năm bao nhiêu tuổi, nhưng theo bố em nhớ là hồi đó em còn rất nhỏ.

- Còn lập trình thì em bắt đầu làm quen từ lớp 5. Mọi thứ với em khi đó đơn giản lắm, vớ được quyển sách dạy lập trình, ban đầu chỉ là đọc, sau dần là em thích và sẵn có máy tính thì em xin bố học và làm thôi.

PV: Vậy đâu là nguồn cảm hứng để Khoa đến với lập trình? Có phải là bố của Khoa không?

- Dạ, bố là người cho em công cụ đến với lập trình, còn yếu tố tạo cho em nguồn cảm hứng lại là... game.

- Em chơi game, và lấy mấy thứ hay ho trong game ra để lập trình, đặc biệt là những game phải suy nghĩ, tính toàn nhiều. Như em chơi game Đế chế ngày xưa vậy, em sẽ tính lượng tiền mua được bao nhiêu cái nhà dân chẳng hạn, rồi một giây đãi được bao nhiêu vàng với tương ứng số nông dân. Cứ thế, em mê game, mê luôn cả lập trình.

PV: Cảm hứng có lúc đến, thì cũng có lúc đi, vậy làm sao Khoa có thể duy trì được nguồn cảm hứng với lập trình?

- Lúc nào hết cảm hứng sáng tạo, cảm hứng với lập trình, em lại đi tìm sách, báo, truyện để đọc, và đặc biệt là phim viễn tưởng.

- Em thích đọc nhất là những cái gì đời thực chưa có. Khi ấy, em sẽ nghĩ là làm sao để lập trình và đưa công nghệ đó, thiết bị đó vào đời thực. Nhờ vậy, lúc nào em cũng có cảm hứng với lập trình. Nhưng của em chỉ là nghĩ thôi, còn làm thế nào thì em chưa nghĩ ra.

PV: Ngoài việc tự tạo cảm hứng cho mình, Khoa có bao giờ học theo, hay thần tượng một nhân vật công nghệ nào đó không?

- Có ạ, em thích ông Bill Gates.

- Học hỏi được từ Bill Gates chắc là khó. Nhưng qua sách báo, em thích ông ấy ở một điểm đó là "lười biếng". Nhờ cái lười biếng ấy mà em có thêm ý tưởng để giải quyết vấn đề nhanh hơn.

- Lười biếng ở đây không phải là lười làm, mà là lười trong suy nghĩ. Ví dụ, em biết là project này mất tới 1 tháng lập trình cơ, nhưng mà em lười phải làm tới 1 tháng, nên em nghĩ cách làm nó trong 2-3 tuần thôi. Như kiểu thay vì lúc nào em cũng phải lập trình bằng tay từ đầu tới cuối, thì em biến nó thành một hàm, lúc nào cần thì gọi ra thôi, đỡ phải gõ lại nữa.

- Sự lười là nguồn cảm hứng vô tận của em. Vì em lười nên em luôn phải nghĩ cách đi ngắn nhất, đỡ tốn thời gian nhất.

PV: Khoa nói là nếu nghĩ ra cách thì công việc được rút ngắn. Vậy không nghĩ ra cách thì em sẽ làm thế nào?

- Em sẽ lên mạng hỏi. Nhưng không phải lúc nào em cũng đi hỏi như vậy. Chủ yếu vẫn là em sẽ tự làm, bí quá thì sẽ cầu cứu các lập trình viên nhiều kinh nghiệm hơn.

- Em thấy cộng đồng lập trình viên trên mạng rất lớn, mọi người giúp đỡ rất nhiệt tình, chỉ cần có nhu cầu hỏi là sẽ được chỉ dạy hết. Ngày xưa em tiếp xúc máy tính chỉ có bố để hỏi, bố không biết thì em cũng chịu. Giờ ngoài thầy cô, em còn có rất nhiều "sư phụ" trên mạng nữa.

PV: Vậy có bao giờ Khoa gặp khó khăn trong việc lập trình không? Giải pháp của Khoa là gì?

- Khó khăn lớn nhất của em là cân bằng giữa đam mê và việc học tập ở lớp. Điểm số, bài tập tất nhiên là em luôn phải hoàn thành. Nhưng hoàn thành rồi thì em không còn nhiều thời gian để lập trình nữa. Nhiều nhất, mỗi ngày em chỉ có 1-2 tiếng để lập trình thôi.

- Vì thế, em phải học cách sắp xếp. Giờ này phải làm cái này, làm xong, làm đúng giờ thì em mới có thêm thời gian để lập trình. Ngược lại mà chậm trễ thì em coi như bị treo máy.

- Còn với việc học lập trình, khó khăn lớn nhất của em là không tìm ra tài liệu, hoặc không hỏi được vấn đề mà mình mong muốn. Những lúc ý em chỉ muốn phát điên lên, phải cố cho bằng được, ra vấn đề thì thôi.

PV: Như với KT Browser, khó khăn lớn nhất của Khoa là gì?

- KT Browser tốn tiền quá ạ. Em thiếu tiền duy trì và tiền mua các chứng chỉ.

- Vấn đề này em vẫn chưa có cách giải quyết, giờ em chỉ biết chờ nhà đầu tư thôi. Giỏi lắm là em duy trì được KT Browser thêm khoảng 3 tháng nữa. Hết thời hạn này, coi như trình duyệt của em hết đát.

- Em cũng tìm cách xoay sở. Nhưng bố mẹ chỉ hỗ trợ cho em laptop thôi. Còn lại, nếu muốn nuôi dưỡng đam mê, bố nói em phải tự xoay sở.

PV: Vậy còn thất bại thì sao? Cách Khoa đối mặt với thất bại như thế nào?

- Em từng thất bại rất nhiều lần, với rất nhiều lý do. Xây lên một chương trình, nhưng không sửa được lỗi, hoặc lỗi quá nghiêm trọng là thất bại.

- Cách em đối mặt với thất bại đó là: chấp nhận làm lại từ đầu, đập đi xây mới hoàn thiện hơn, dù công sức trước đó bỏ ra rất nhiều.

- Em từng phá bỏ nhiều project do tự tay em làm ra rồi. Sai thì phải sửa. Why so serious?

PV: Mục tiêu sắp tới của Khoa sẽ là gì?

- Mục tiêu sắp tới của em vẫn là cân bằng được việc học ở trường, với đam mê lập trình. KT Browser sai còn sửa được, chứ không có thời gian lập trình, em còn chẳng biết sửa sai vào lúc nào nữa.

PV: Cảm ơn Khoa. Chúc em thành công nhé!

Huyền My

Cùng chuyên mục
XEM