Lãnh đạo Vietnam Airlines lần đầu lên tiếng về 4.000 tỷ đồng lỗ của Jetstar

10/05/2019 19:02 PM | Kinh doanh

Sáng nay (10/5), tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2019 của Vietnam Airlines (VNA), lãnh đạo VNA đã lần đầu lý giải về khoản lỗ luỹ kế 4.000 tỷ đồng tại Hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific – do VNA nắm cổ phần chi phối.

Chủ tịch HĐQT VNA Phạm Ngọc Minh kể lại bối cảnh hãng này tiếp nhận Jetstar, khi thời điểm đó VNA nhận thấy xu hướng thị trường hàng không giá rẻ nên đã có các bước đi thành lập hãng hàng không giá rẻ VietAir. Do đó, khi SCIC bàn giao lại cổ phần ở Jetstar, VNA đã tiếp nhận.

Theo ông Minh, khi tiếp nhận (năm 2012), tình hình tài chính Jetstar khó khăn, nên phải tái cơ cấu. Với doanh nghiệp tư nhân, việc tái cơ cấu Jetstar sẽ chỉ mất 2-3 năm. Tuy nhiên, do VNA là doanh nghiệp nhà nước nên quá trình tài cơ cấu kéo dài.

“Lợi nhuận hợp nhất của VNA thời điểm đó chỉ 300-400 tỷ đồng. Để Jetstar hoạt động hiệu quả phải thay toàn bộ máy bay để giảm chi phí, nhưng nếu thế Jetstar sẽ lỗ ngay 700-1.000 tỷ đồng, trong đó VNA phải gánh gần 70% số lỗ đó. Tuy nhiên doanh nghiệp nhà nước không ai cho phép lỗ. Nên chỉ còn cách tái cơ cấu Jetstar dần, để số lỗ phân bổ hàng năm sang VNA và giảm dần”, ông Minh nói.

Theo Chủ tịch VNA, để hoạt động hiệu quả cao hơn đáng ra Jetstar phải có khoảng 24 tàu bay, nhưng hiện chỉ duy trì mức 18 chiếc do khó khăn về vốn. Muốn tăng đội tàu bay, Jetstar phải tăng vốn, dù VNA đã xin tăng vốn điều lệ của Jetstar từ năm 2016, nhưng các cơ quan quản lý nhà nước không đồng ý, nên không thể tăng. Nên hiện vẫn quản lý theo kiểu nhà nước là giảm lỗ dần.

Về số lỗ luỹ kế 4.000 tỷ đồng của Jetstar, theo ông Minh, trong số lỗ luỹ kế này có khoản 2.400 tỷ đồng từ trước thời điểm VNA tiếp nhận lại Jetstar chuyển sang.

“Số lỗ này (khoản 2.400 tỷ đồng – PV) đã được xử lý xong và được quyết toán, Kiểm toán Nhà nước kiểm toán. Từ năm 2012 tới nay, số lỗ hàng năm đều được trích lập, ghi nhận trên sổ sách kế toán của VNA, và trích lập xử lý trên khoản lãi hàng năm của VNA. Nên khoản lỗ trước năm 2012 đó thuộc trách nhiệm của công ty con (tức Jetstar). Tuy nhiên, hiện khung pháp lý vẫn chưa đầy đủ, nên khoản lỗ đó vẫn treo. Còn phần vốn công ty mẹ (VNA) rón vào Jetstar đều đã xử dứt điểm, minh bạch”, ông Minh nói, và khẳng định lợi ích của cổ đông nắm cổ phần VNA không bị ảnh hưởng bởi khoản lỗ luỹ kế tại Jetstar.

Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành cho biết, từ khi tiếp nhận Jetstar Pacific, quá trình tái cơ cấu hãng này là một chặng đường gian nan. Dù việc tiếp nhận hãng hàng không giá rẻ này cũng phù hợp với chiến lược của Vietnam Airlines. Dù khó khăn, nhưng tới nay quá trình tái cơ cấu Jetstar đã cơ bản hoàn thành.

Thời điểm Vietnam Airlines tiếp nhận Jetstar Pacific (năm 2012), hãng hàng không giá rẻ này có 7 tàu bay, với độ tuổi tàu bay từ 14-17 năm. Từ đó tới nay, Jetstar đã loại dần máy bay cũ, hiện đã thay thế bằng tàu bay mới, tuổi từ 7-10 năm.

Theo ông Thành, Jetstar thành lập năm 1991, tới năm 2012 hãng này năm nào cũng lỗ. Khi về VNA, lỗ giảm dần, tới năm 2014 có lãi 8 tỷ đồng, năm 2015 lãi 112 tỷ đồng. Tuy nhiên, năm 2016 lại lâm vào khó khăn do tình hình khu vực, nên lỗ; tới hết năm 2018 đã lãi 34 tỷ đồng.

“Tình hình tài chính của Jetstar đang được cải thiện và có tương lai”, ông Thành nói.

Hiện Jetstar Pacific có 2 cổ đông lớn, là Vietnam Airlines nắm giữ 68, 85% cổ phần, Tập đoàn Qantas - Úc nắm 27% cổ phần. Năm 2018, hãng này đạt doanh thu hơn 9.310 tỷ đồng và có lãi.

Theo LÊ HỮU VIỆT

Cùng chuyên mục
XEM