Lãnh đạo thích ứng: Chỉ cách nhau một nhịp nhưng người tạo bứt phá, người phải đuổi theo

13/05/2023 16:37 PM | Kinh doanh

“Biến động” có lẽ là từ khóa được dùng nhiều nhất để mô tả về tình hình kinh tế - chính trị toàn cầu hiện nay. Điều này đặt ra bài toán cho các nhà lãnh đạo, chủ doanh nghiệp phải làm sao để thích ứng và tạo ra đột phá trong bối cảnh biến động, thay đổi liên tục.

Lãnh đạo thích ứng: Chỉ cách nhau một nhịp nhưng người tạo bứt phá, người phải đuổi theo - Ảnh 1.

“Lãnh đạo thích ứng” cũng là chủ đề chính được đem ra bàn luận tại HAWEE Leader’s Forum 2023. HAWEE mong muốn cùng các nhà lãnh đạo thiết lập tầm nhìn và sứ mệnh của tổ chức mình trong bối cảnh dự đoán kinh tế khó khăn toàn cầu, từ đó quyết định chiến lược thích ứng nào cho mô hình và thế mạnh của tổ chức mình, để sẵn sàng đón đầu những thách thức và cơ hội lớn của thời đại.

Với dàn diễn giả là các lãnh đạo đến từ Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), Talentnet Corporation, Công ty Cổ phần Sữa quốc tế IDP, Chợ Tốt, Faslink,… hội nghị đã thu hút hơn 400 người tham gia.

Nói về “lãnh đạo thích ứng”, các diễn giả phân chia thành hai nhóm: Lãnh đạo tự thích ứng và lãnh đạo phải thích ứng. Trong đó, lãnh đạo tự thích ứng thường chủ động thay đổi, thích ứng để tạo ra đột phá cho doanh nghiệp, trong khi đó nhóm còn lại phải thích ứng một cách bị động để tồn tại.

Lãnh đạo thích ứng: Chỉ cách nhau một nhịp nhưng người tạo bứt phá, người phải đuổi theo - Ảnh 2.

Ông Lê Trí Thông – CEO PNJ và bà Tiêu Yến Trinh - CEO Talennet chia sẻ tại HAWEE Leader's Forum 2023

Ông Lê Trí Thông – CEO PNJ lấy ví dụ, so sánh như một trận bóng tennis. Trong đó, “lãnh đạo tự thích ứng” là người chơi giữ sự chủ động, trả bóng khiến cho đối phương – “lãnh đạo phải thích ứng”, phải đỡ bóng và đuổi theo.

“Nếu tưởng tượng hai người lãnh đạo trong cùng ngành, hoặc những người cạnh tranh với nhau, thì cũng giống như chúng ta chơi một ván tennis. Người đi trước một nhịp tự thích ứng và người đi sau một nhịp phải thích ứng, kết quả đem lại thường sẽ không giống nhau. Hai người chỉ cách nhau một nhịp mà thôi.

Theo góc nhìn của tôi, doanh nghiệp mà “phải thích ứng” thường phải thích ứng để tồn tại, còn người “tự thích ứng”, dĩ nhiên họ cũng cần thích ứng để tồn tại nhưng họ sẽ bước một nhịp để tác động vào sự thay đổi của môi trường, từ đó sẽ có được lợi thế hoặc bứt phá. Một bên là thích ứng để tồn tại, một bên là thích ứng để bứt phá, vươn lên.

Nếu nói về trình tự thời gian, có người xuất phát trước, có người xuất phát sau. Đó là câu chuyện của tầm nhìn. Tuy nhiên, cũng có trường hợp hai người cùng tầm nhìn nhưng sự do dự hay quyết đoán cũng tạo ra một người tự thích ứng và một người phải thích ứng”, ông Lê Trí Thông bày tỏ quan điểm.

Thảo luận cùng ông Lê Trí Thông, bà Tiêu Yến Trinh – CEO Talentnet cho rằng người lãnh đạo chủ động thích ứng luôn luôn có tầm nhìn tạo ra giá trị. Bên cạnh đó trong thế giới VUCA như hiện nay, khi mọi thứ có thể đến một cách bất ngờ, không thể lường trước được nên đòi hỏi người lãnh đạo cần có năng lực giải quyết, nhanh nhạy ứng biến, sáng tạo và đột phá.

Thực hành tư duy lãnh đạo thích ứng

Chia sẻ câu chuyện thực tế của doanh nghiệp, bà Nguyễn Hữu Phượng Vân – CEO Fujikura Fiber Optics Vietnam nhớ lại thử thách mà bà từng đối mặt: “Công ty có định hướng tốt, đơn hàng tốt, lợi nhuận tốt, tất cả mọi thứ đều tốt nhưng có nhiều bạn kỹ sư lại rời bỏ công ty. Tôi rất trăn trở vì điều này. Tôi nhận ra, một khu vực sản xuất truyền thống thì hằng ngày các bạn nhân viên rất bận rộn nhưng những công việc đó cứ lặp đi lặp lại. Các bạn cảm thấy công việc không thử thách, họ quá bận rộn nhưng lại không phát triển được bản thân. Tôi nghĩ cách để làm sao nhân viên bớt nghỉ việc, để các bạn không cần làm công việc bàn giấy nhiều như vậy”.

Lãnh đạo thích ứng: Chỉ cách nhau một nhịp nhưng người tạo bứt phá, người phải đuổi theo - Ảnh 3.

Nguyễn Hữu Phượng Vân – CEO Fujikura Fiber Optics Vietnam

Tuy nhiên, với mô hình doanh nghiệp sản xuất theo đơn đặt hàng như Fujikura Fiber Optics Vietnam, có hơn 10.000 tài liệu vẫn cần nhân sự xử lý. Để thay đổi và thích ứng, nữ CEO xây dựng hệ thống số hoá tài liệu, tạo cơ sở dữ liệu để giảm bớt những đầu việc nhàm chán cho nhân viên. Dẫu vậy, khó khăn vẫn chưa dừng lại khi nhân viên mắc một lỗi nhỏ trong nhập liệu có thể dẫn đến hệ luỵ nghiêm trọng. Không chịu từ bỏ, Bà Vân xây dựng thêm một nền tảng nhập liệu dành cho khách hàng, đồng thời thuyết phục đối tác, khách hàng của mình sử dụng, nhằm đảm bảo dữ liệu, yêu cầu của khách hàng chính xác ngay từ đầu vào.

“Chúng tôi thuyết phục khách hàng cùng thích ứng, thay đổi với mình”, nữ CEO Fujikura Fiber Optics Vietnam bày tỏ.

Trong khi đó, ông Nguyễn Trọng Tấn – CEO Chợ Tốt – nền tảng TMĐT dành cho đồ cũ, nhấn mạnh giá trị cốt lõi gọi là “User Focus” (tập trung vào người dùng). Câu chuyện thích ứng nằm ở việc nhân viên của Công ty dám đi ra ngoài và nói chuyện với người dùng cuối, hiểu người dùng cuối để xây dựng những giải pháp thực sự giúp ích cho họ.

Lãnh đạo thích ứng: Chỉ cách nhau một nhịp nhưng người tạo bứt phá, người phải đuổi theo - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Trọng Tấn – CEO Chợ Tốt

“Nhân viên của Việc làm Tốt (thành viên trong hệ sinh thái Chợ Tốt) là các nhân viên văn phòng, nhưng người dùng của chúng tôi là những người lao động, công nhân. Mình phải đi nói chuyện với họ, phải thật sự hiểu khó khăn của họ. Ví dụ, làm sao mình biết được rằng mình hiểu họ? Đó là khi chúng tôi thực sự nói ngôn ngữ của họ.

Trên website, ở góc bên phải, chúng tôi có một dòng chữ ghi “Bấm để hiện số”. Trước kia, chúng tôi ghi “Gọi điện”, “Xem số điện thoại” nhưng người ta không bấm. Khi không nói chuyện với họ thì chúng tôi không hiểu. Đến khi hỏi chuyện các công nhân, người lao động, hỏi tại sao họ không bấm thì họ bảo: “Đâu biết gì đâu mà bấm”. Về sau, chúng tôi ghi chữ “bấm” thì họ bấm rất nhiều. Vì thế mà một điều chúng tôi phải làm thường xuyên là dám đi ra ngoài và nói chuyện với người dùng của mình”, ông Tấn chia sẻ.

Cùng thông điệp với CEO Chợ Tốt, bà Trần Hoàng Phú Xuân – Nhà sáng lập kiêm CEO Công ty thời trang Faslink cho biết, dù hoạt động theo mô hình B2B nhưng bà luôn quan tâm đến khách hàng, người dùng cuối. Công ty chủ động tìm hiểu, thu thập dữ liệu, insight của khách hàng để thiết kế các sản phẩm phù hợp với nhu cầu của họ.

HAWEE Leader’s Forum là sự kiện lớn và quan trọng nhất của HAWEE – Hiệp hội Nữ doanh nhân HCM. Sự kiện vinh dự được đồng hành bởi các Nhà tài trợ vàng gồm: PNJ, Vinamilk Green Farm, Vinamilk Super Nut.

Đơn vị Đồng hành và bảo trợ truyền thông - Công ty cổ phần VCCorp

VCCorp là công ty truyền thông và công nghệ hàng đầu Việt Nam, dẫn đầu về Công nghệ quảng cáo, Hệ sinh thái Marcom toàn diện cùng năng lực sáng tạo nội dung chất lượng cao. VCCorp vẫn được biết đến với các trang tin hàng đầu như CafeF, Kênh 14, Soha, CafeBiz.... và mạng lưới quảng cáo phủ tới 95% độc giả internet Việt Nam. Hiện VCCorp đang là đối tác tin cậy của hơn 4.000 doanh nghiệp trong và ngoài nước.


Hoàng Thuỳ

Cùng chuyên mục
XEM