Lãnh đạo HTC: Xây dựng hệ sinh thái VR chính là phương cách giúp HTC tránh 'vết xe đổ' từ mảng smartphone

11/05/2019 09:06 AM | Kinh doanh

Mặc dù phải chịu một cú vấp ê chề trong mảng smartphone cách đây vài năm khiến cái tên HTC gần như biến mất khỏi làng công nghệ thế giới, song HTC không vì thế mà nản lòng, họ đang tính quay lại cùng với hệ sinh thái thực tế ảo và tin rằng mình sẽ ‘lợi hại hơn xưa’.

Từng có một thời, HTC là một thế lực thực sự trong làng công nghệ thế giới, khi họ cho ra mắt rất nhiều dòng smartphone được giới chuyên môn ca ngợi là ‘tuyệt tác’, cả về công nghệ lẫn thiết kế, ví dụ như: Nexus One, HTC Desire, EVO 3D, One X, M7… Thời điểm năm 2010, HTC đã được Business Week xếp hạng là công ty công nghệ tốt thứ 2 châu Á và thứ ba trên thế giới. Họ là đối thủ xứng tầm với Apple, Samsung.

Tuy nhiên, đến năm 2015, HTC không còn giữ được phong độ trong việc sáng tạo – mạo hiểm – dám đổi mới, những giá trị cốt lõi giúp họ luôn trở nên khác biệt và có chỗ đứng vững chắc trong làng công nghệ. Bên cạnh đó, do thiếu đầu tư vào mảng marketing, khiến những sản phẩm tốt của họ không thể đến tay nhiều tiêu dùng khiến HTC bắt đầu tỏ ra hụt hơi trong cuộc đua với Apple và Samsung.

Đỉnh điểm, năm 2017, HTC đã bán đội ngũ phát triển smartphone, các bằng sáng chế và công nghệ không độc quyền cho Google để lấy 1,1 tỷ USD. Họ vẫn giữ lại mảng sản xuất. Thương vụ này dự đoán sẽ giúp HTC có thể bù đắp những khoản lỗ trong việc kinh doanh smartphone trước đây cũng như cắt giảm chi phí ở mảng này.

Sau thất bại với dòng sản phẩm U11 vào năm 2017, HTC dường như đã nản lòng thoái chí trong việc vực dậy mảng smartphone của mình, tuy nhiên, ở nhiệm vụ quay lại đỉnh vinh quang họ lại không thế. "Thua keo này ta bày keo khác" và thực tế ảo – VR là lĩnh vực được HTC lựa chọn để ‘phục thù’.

Rút kinh nghiệm từ mảng smartphone, lần này HTC không chỉ đơn giản tập trung làm phần cứng cho mảng VR mà còn muốn xây dựng hẳn một hệ sinh thái VR. Họ không muốn làm ‘con’ mà muốn làm ‘cái’, họ muốn xây hệ sinh thái VR không chỉ để phục vụ cho thiết bị phần cứng như các loại kính thực tế ảo của họ - VIVE mà còn cho sản phẩm tương tự của Samsung, Sony, Octulus – Facebook.

Theo những gì mà ông Raymond Pao - Tổng giám đốc HTC khu vực Châu Á – Thái Bình Dương kiêm Phó Chủ tịch Chiến lược sản phẩm toàn cầu chia sẻ, thì đường đi hay cách mà HTC xây dựng hệ sinh thái VR rất giống cách giới công nghệ xây dựng hệ sinh thái cho ngành điện thoại thông minh. Chỉ là, chẳng biết chiến lược mới này có thể giúp HTC dần nào lấy lại danh tiếng cũng như sự giàu có của mình như cách đây 5 năm.?!

Thị trường thực tế ảo Việt Nam vô cùng tiềm năng

Ông đánh giá như thế nào về thị trường thực tế ảo ở Việt Nam?

Raymond Pao: Khi HTC vào thị trường Việt Nam, chúng tôi sẽ chú trọng các giải pháp cho doanh nghiệp. Tại Việt Nam, nhu cầu của các doanh nghiệp cho phần giải pháp thực thế ảo là rất lớn. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ ưu tiên phát triển mảng giải trí địa phương – location base entertainment, khuyến khích phát triển những điểm giải trí VR về trò chơi, lịch sử, du lịch… Nhu cầu về mảng này ở Việt Nam cũng rất cao.

Tức là, trong giai đoạn đầu, chúng tôi sẽ tập trung đánh vào thị trường B2B, còn khi thiết bị đã phát triển đến mức độ tất cả trong một, nội dung phong phú và giá thành hợp lý hơn, chúng tôi mới đánh vào thị trường đầu cuối – B2C. Đó sẽ là cách mà HTC đi vào thị trường thế giới cũng như Việt Nam trong thời gian tới.

Lãnh đạo HTC: Xây dựng hệ sinh thái VR chính là phương cách giúp HTC tránh vết xe đổ từ mảng smartphone - Ảnh 1.

Một người dùng đang trải nghiệm thế giới thực tế ảo về cấu tạo cơ thể người qua thiết bị VIVE của HTC.

Khi HTC tham gia vào các thị trường khác cũng như Việt Nam, thì phần phát triển nội dung cho VR rất quan trọng, nếu mình có thiết bị nhưng nội dung không có gì, thì mình không thể tạo ra giải pháp cho người sử dụng. Do vậy, HTC sẽ tập trung tạo ra hạ tầng VR cho cộng đồng phát triển ứng dụng Việt Nam. Và khi phần nội dung ở địa phương đa dạng rồi, thì lĩnh vực VR sẽ phát triển.

Nếu các bạn thấy thông tin mà bên DigiWorld cung cấp, các bạn sẽ thấy ngạc nhiên tự hỏi: vì sao Việt Nam mình có nhiều nhà phát triển ứng dụng VR như thế. Đặc thù của Việt nam là chúng ta có các bạn trẻ rất giỏi công nghệ, không ít trong số đó đã làm những phần mềm – app về game, du lịch…xuất khẩu ra nước ngoài và gây được tiếng vang lớn. Tôi nghĩ là mảng nội dung VR của Việt Nam cũng sẽ phát triển như thế.

Việt Nam hiện có hơn 20 doanh nghiệp cung cấp nội dung VR. Theo đó, có thể nói, Việt Nam đã dần hình thành mảng nội dung VR, chỉ là chưa có một giải pháp tổng thể, bao gồm phần cứng, công cụ hỗ trợ cho các bạn phát triển sản phẩm và kết nối với cộng đồng bên ngoài, cái đó rất quan trọng để phát triển mảng này.

Ví dụ, doanh nghiệp có 1 vấn đề trong kinh doanh mà chưa biết giải quyết vấn đề đó như thế nào, sau khi HTC tìm hiểu nhu cầu và đưa ra giải pháp cho doanh nghiệp, DigiWorld cung cấp giải pháp phần cứng và kết nối với các bạn cung cấp giải pháp phần mềm để đưa ra một giải pháp tổng thể.

Khi chúng tôi tìm hiểu thị trường Việt Nam, các bạn cung cấp giải pháp VR thường phải xài hàng xách tay, không ổn định hay doanh nghiệp Việt cần nguồn hàng chính thống, hoá đơn, có nguồn gốc xuất xứ nhưng không có. Bây giờ, với việc HTC bắt tay với DigiWorld, họ rất mừng vì có thể tự tin đưa ra những giải pháp phần mềm trên hệ thống phần cứng chất lượng.

Tiến xa hơn, HTC đang định hướng cho DigiWorld, trong tương lai không chỉ cung cấp những giải pháp về phần cứng mà cả phần mềm đi kèm. Đó là nhiệm vụ thứ hai của DigiWorld.

Hệ sinh thái VR sẽ là 'vũ khí' quan trọng giúp HTC quay trở lại thời vàng son

Theo các chuyên gia, 2 nguyên nhân quan trọng khiến mảng smartphone của HTC ngày càng trượt dốc là bởi khả năng tiếp thị kém và ở một vài thời điểm, lại đi trước thời đại quá xa. Vậy HTC đang có chiến lược gì với VIVE - VR để tránh những vết xe đổ đó?

Raymond Pao: Xây dựng hệ sinh thái chính là câu trả lời của chúng tôi. Thật ra HTC đang làm nhiều mảng trong VR, chứ không phải chỉ có thiết bị VIVE hay phần cứng cho VIVE.

Tới Việt Nam lần này, HTC muốn giới thiệu 3 sản phẩm phần cứng, trong hệ sinh thái VR mà HTC đang theo đuổi. HTC cũng đang phát triển VIVEPORT – cái này rất quan trọng để tạo ra nội dung, hoặc HTC sản xuất thiết bị 5G – Hotspot, ví dụ: sau này nhà mạng ở Việt Nam lên 5G, nhiều thiết bị phần cứng chưa lên 5G kịp, có thể sử dụng Hotspot HTC đó để bỏ sim 5G vào và phát sóng ra, giống như những cục 4G bây giờ.

Hệ sinh thái VR mà HTC xây dựng sẽ bao gồm: phần cứng là các thiết bị và cơ sở hạ tầng, phần mềm và các đối tác phát triển cũng như ứng dụng công nghệ vào cuộc sống. Chúng tôi có VIVEPORT – hoạt động như một cửa hàng ứng dụng và dịch vụ thuê bao trực tuyến VR; VIVELAND - trung tâm giải trí VR đầu tiên được sở hữu và điều hành bởi HTC VIVE, sẽ đem đến trọn gói dịch vụ theo dạng "chìa khóa trao tay; VIVE X – đội làm nội dung VR.

HTC cũng có ngân quỹ khoảng 200 triệu USD để hỗ trở các bạn trẻ thực hiện các dự án về nội dung – giải pháp VR. Khi một công ty có dự án hay về nội dung VR rồi liên lạc với HTC, HTC sẽ dành ra 8 tháng để thẩm định dự án, sau đó, tùy thuộc vào chất lượng của dự án để quyết định xem nên hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ vốn hay mua lại.

Lãnh đạo HTC: Xây dựng hệ sinh thái VR chính là phương cách giúp HTC tránh vết xe đổ từ mảng smartphone - Ảnh 2.

Một người dùng khác đang trải nghiệm ứng dụng giới thiệu hoàn thành trong ngành du lịch.

 Có phải tham vọng của HTC là biến VIVE trở thành một vật phẩm không thể tách rời với con người, không chỉ xuất hiện ở các công ty mà còn luôn kè kè bên cạnh mỗi cá nhân như chiếc smartphone đã làm được, vì hiện tại đường đi của mảng VR tương đối giống đường đi của smartphone? Nếu như có một cái kính gọn nhẹ như HTC từng giới thiệu, thì tham vọng này chẳng có gì là không thực tế?

Raymond Pao: Đúng vậy. Tuy nhiên, tôi nên giải thích rõ một chút, cái kính gọn nhẹ mà HTC giới thiệu là thực tế ảo tăng cường - AR chứ không phải là VR. AR cũng  chính là định hướng tương lai của HTC, khi môi trường 5G và phần nội dung đã phát triển rồi, sau VR sẽ là AR.

Công nghệ VR của HTC phần nào đó đang dẫn trước các đối thủ

Vậy đâu là đối thủ của VIVE và HTC trên thị trường VR thế giới?

Raymond Pao: Nếu phải chọn ai đó làm đối thủ, tôi sẽ chọn Oculus của Facebook. Tuy nhiên, đó chỉ là trên bình diện thế giới, vì Oculus chưa chính thức vào Việt Nam. Bây giờ thị trường còn sơ khai, nên theo quan điểm của HTC, càng đông càng vui.

Thêm nữa, câu chuyện của HTC là muốn phát triển một hệ sinh thái VR, bao gồm các nền tảng như VIVE Port, trong đó có rất nhiều ứng dụng mà các đối thủ cũng có thể sử dụng. Thế nên, trong giai đoạn đầu như thế này, đối thủ của HTC cũng là đối tác, cùng dùng chung hệ sinh thái VR do HTC phát triển.

HTC rất vui khi các công ty công nghệ khác như như Sony, Samsung hay Google cũng chịu khó đầu tư phát triển phần cứng cho VR, vì có như thế mới tạo ra được một cộng đồng – trào lưu chung trong lĩnh vực VR. Nếu HTC ‘đơn thương độc mã’ thì quá trình phát triển VR sẽ rất lâu. Muốn đi nhanh thì đi một mình mà muốn đi xa phải đi cùng nhau.

Vì đây là trong thời điểm sơ khai, nên đối thủ cũng có thể là đối tác, nhưng đến lúc hệ sinh thái VR hoàn tất, dù muốn hay không HTC cũng phải đấu với những ông lớn kể trên trong việc sản xuất phần cứng VR. Vậy HTC nghĩ mình sẽ có những lợi thế đáng kể nào so với các đối thủ kể trên trong cuộc đua này?

Raymond Pao: Có thể là về mặt công nghệ chăng? Theo như tôi biết, trong giới sản xuất thiết bị VR, hầu hết đều đang sử dụng công nghệ 3Dof, dùng 6Dof rất ít, đặc biệt là ở các sản phẩm ‘tất cả trong một’.

Tôi cũng giải thích 1 chút về sự khác nhau giữa 3Dof và 6Dof, công nghệ 3Dof chỉ xem chứ không tương tác được, còn công nghệ 6Dof có thể tương tác được. Tức là, khi các bạn trải nghiệm những nội dung bên trong, ví dụ như cơ thể người, chúng ta có thể bước vào môi trường bên trong, nhìn chung quanh và mình có thể thể tách ra từng bộ phận để nghiên cứu. Tất cả người dùng có thể tương tác với các hình ảnh bên trong. Đây là một khác biệt rất lớn!

HTC không phải đơn vị đầu tiên sử dụng 6Dof, nhưng là đơn vị ứng dụng vào nhiều loại thiết bị cũng như có nhiều nghiên cứu chuyên sâu về công nghệ này nhất. Thiết bị của Oculus cũng có thể tương tác bằng kính nhưng bằng tay cầm thì chưa. Sở dĩ, chúng tôi phải ra mắt thêm VIVE Focus Plus, vì trước đó VIVE Focus chỉ có kính được trang bị 6Dof, tay cầm chỉ 3Dof, nên không tương tác được.

Có phải vì ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất nên giá bán của VIVE cũng cao nhất thị trường?

Raymond Pao: Thật ra thì vì hiện tại chúng tôi chú trọng thị trường B2B hơn là B2C, tất nhiên vẫn có một bộ phận khách hàng cá nhân sẵn sàng mua để trang bị tại nhà, nhưng như tôi đã nói ở trên, ngoài game ra, HTC còn chú trọng rất nhiều mảng khác cho doanh nghiệp.

Với các giải pháp cho doanh nghiệp, thì giá thành như thế là không quá cao. Ví dụ như: thiết kế một chiếc xe hơi trên VR sẽ rẻ hơn rất nhiều so với thiết kế xe hơi trên thực tế, nói về tổng thể giải pháp thì nó không mắc. Giá bán của VIVE đang đưa ra dựa trên khách hàng mục tiêu, thêm nữa, thiết bị VR đang bị đánh thuế rất cao, nên giá phải là như thế.

Trong tương lai, khi hệ sinh thái VR hoàn thành, nhu cầu cao lên, các thiết bị VR sẽ được sản xuất hàng loạt, thì giá thành sản phẩm phần cứng VR của HTC nói riêng và các thương hiệu khác nói chung sẽ giảm.

Lãnh đạo HTC: Xây dựng hệ sinh thái VR chính là phương cách giúp HTC tránh vết xe đổ từ mảng smartphone - Ảnh 3.

Với công nghệ 6Dof, cả kính lẫn tay cầm thiết bị VIVE của HTC đều có thể tương tác.

Vậy khó khăn lớn nhất khi phát triển mảng VR là gì thưa ông?

Raymond Pao: Đó là làm sao khuyến khích mọi người trải nghiệm VR. Chỉ khi người dùng tiếp cận công nghệ một cách mở hơn và thoải mái hơn thì việc phát triển VR mới dễ dàng. Giống như gian hàng của công ty DreamLand ở các siêu thị, họ phải làm gian hàng mở, bỏ tivi thật lớn để cho tất cả mọi người bên ngoài đều thấy bên trong đang làm gì, thì mới có thể thu hút được nhiều người tò mò tham gia.

VR và AR tích hợp với smartphone có thể khiến thị trường smartphone bùng nổ lần nữa

Mảng smartphone sẽ có vai trò như thế nào trong chiến lược kinh doanh của HTC ở thời gian tới?

Raymond Pao: Thị trường smartphone hiện nay đang bão hòa và không có gì đột phá, mà HTC lại muốn có cái gì đột phá, thế nên chúng tôi đã chuyển sang VR. Nhiều người đánh giá HTC rất giỏi trong mảng VR khi đưa ra được nhiều cái mới. Còn mảng smartphone, HTC sẽ bắt đầu những sản phẩm tập trung vào tầm trung và cao cấp, chứ không sản xuất tràn lan như trước nữa. Sau này, chúng tôi sẽ giới thiệu những mẫu điện thoại đã được lựa chọn để tập trung phát triển. Sau khi hoàn thành hệ sinh thái dành cho VR, chúng tôi sẽ xây dựng một hệ sinh thái hoàn chỉnh dành cho mảng smartphone.

Thị trường smartphone của Việt Nam và cả thế giới đang sắp bước vào giai đoạn bão hòa. Trong vòng 5 năm tới, nếu không có bất cứ công nghệ nào thực sự đột phá ra mắt, các hãng sản xuất smartphone sẽ gặp khó. Theo quan sát của ông, có thể có một công nghệ gì đó thực sự đột phá trong mảng smartphone ra mắt trong tương lai gần hay không?

Raymond Pao: Theo tôi đoán, trong vòng 5 năm tới, khi mảng VR và AR tích hợp với điện thoại thông minh sẽ khiến thị trường này bùng nổ lần nữa. Tôi cũng chỉ đoán vậy thôi.

Xin cảm ơn ông!

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM