Lấn sân thương mại điện tử, Vietjet Air tham vọng chinh phục "kho báu" trị giá 30 tỷ USD mà nhiều hãng hàng không đang bỏ lỡ?

04/07/2019 10:21 AM | Kinh doanh

Hãy xem những hành khách là người tiêu dùng trực tuyến hơn là khách du lịch đơn thuần.

Mới đây thông tin từ Nikkei cho biết hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air vừa tiết lộ kế hoạch ra mắt một nền tảng thương mại điện tử bán tất cả mọi thứ, từ hàng tiêu dùng đến dịch vụ tài chính. 

Cụ thể, theo Phó Tổng Giám đốc Vietjet Air, bà Nguyễn Thị Thúy Bình, các hãng hàng không giá rẻ đang có xu hướng tìm cách tận dụng dữ liệu phong phú của họ để mở rộng phạm vi ra ngoài du lịch và xâm nhập sâu hơn vào nhiều lĩnh vực đời sống thường ngày của người tiêu dùng. Phía Vietjet Air cho biết nền tảng này sẽ bao gồm ngân hàng, bảo hiểm, các dịch vụ tài chính cũng như khách sạn và hàng tiêu dùng.

Chuyện các hãng hàng không lấn sân vào mảng thương mại điện tử đã được nhắc đến trong vài năm gần đây. Một nghiên cứu kinh tế cách đây không lâu cho thấy các hãng hàng không có nguy cơ bỏ lỡ 30 tỷ USD doanh thu phụ trợ nếu không điều chỉnh mô hình kinh doanh xem những hành khách là người tiêu dùng trực tuyến hơn là khách du lịch đơn thuần.

Báo cáo của Trường nghiên cứu kinh tế và vệ tinh di động London (London School of Economics and Inmarsat- LSE) năm 2017, đường truyền băng thông rộng trên những chuyến bay sẽ mang đến các dịch vụ mới như phim truyện, truyền hình tốc độ cao và mua sắm trực tuyến cho hành khách. Mảng kinh doanh này có tiềm năng tạo ra thị trường toàn cầu trị giá 130 tỷ đô la trong vòng 20 năm tới.

Thị phần thương mại điện tử cung cấp từ băng thông rộng có thể được các hãng hàng không nhanh nhạy nắm bắt. Họ sẽ đóng vai trò là những nhà cung cấp quyền truy cập vào dịch vụ thương mại điện tử trong những chuyến bay dành cho các hành khách của mình. Thị trường này được dự báo sẽ tăng từ 900 triệu USD năm 2018 lên 30 tỷ USD vào năm 2035. 

Lấn sân thương mại điện tử, Vietjet Air tham vọng chinh phục kho báu trị giá 30 tỷ USD mà nhiều hãng hàng không đang bỏ lỡ? - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Thúy Bình, Phó Tổng Giám đốc Vietjet

Báo cáo cũng ước tính rằng tới năm 2035, khoản doanh thu trên mỗi hành khách có thể tăng thêm 4 USD lên mức 17 USD từ các dịch vụ phụ trợ thương mại, chẳng hạn như mua hàng hóa miễn thuế trên chuyến bay hay thực phẩm và đồ uống.

Các dịch vụ phụ trợ ngày càng trở nên quan trọng đối với các hãng hàng không bởi sự trỗi dậy của mảng hàng không giá rẻ khiến giá vé giảm xuống, cũng như suy yếu vị thế của hàng không truyền thống. Báo cáo ước tính rằng các tính năng bổ sung không hỗ trợ băng thông rộng tạo ra khoảng 60 tỷ USD doanh thu bổ sung cho ngành hàng không thế giới.

Năm 2016, 10 hãng hàng không hàng đầu toàn cầu tính theo tổng doanh thu phụ trợ, đã thu được 28 tỷ USD từ các dịch vụ bổ sung, so với con số 2,1 tỷ đô la năm 2007, theo nghiên cứu của IdeaWorksCompany và CarTrawler.

Sự ra đời của các hệ thống vệ tinh mới cung cấp đường truyền băng thông rộng tốc độ cao cho các hãng hàng không cũng như mở ra cơ hội gia tăng thêm các nguồn doanh thu mới. Tuy nhiên, nhiều hãng hàng không tỏ ra khá chậm chạp trong việc nhận ra tiềm năng của băng thông rộng để thay đổi cách thức du lịch của hành khách. Tới thời điểm năm 2017, mới chỉ có 53 trong số 5.000 hãng hàng không trên thế giới cung cấp kết nối băng thông rộng trên chuyến bay, báo cáo của LSE cho biết .

Alexander Grous, giảng viên truyền thông tại LSE đồng thời là tác giả của báo cáo cho rằng hầu hết các hãng hàng không vẫn quá tập trung vào dịch vụ đơn giản là cung cấp truy cập băng thông rộng. Ví dụ họ có thể hợp tác với các thương hiệu để cung cấp mua sắm trực tuyến liên tục trong suốt chuyến bay hay thực hiện giao hàng tại điểm đến trong kỳ nghỉ hoặc tại nhà của hành khách, ông phân tích.

"Các hãng hàng không đang có tư duy cứng nhắc về băng thông rộng và chưa nắm bắt được hết tiềm năng của thương mại điện tử", tác giả này cho biết.

Hiện các hãng hàng không cũng chưa tập trung đủ vào việc tạo ra sự khác biệt giữa các nhóm hành khách như mục đích giải trí so với kinh doanh trong khi phát triển các chiến lược cho dịch vụ băng thông rộng. "Sự phân chia ở mức độ cực nhỏ thực sự không tồn tại", Grous cho biết. Tư duy thông thường vẫn đang ở mức cung cấp một băng thông rộng WiFi thay vì một nơi mua sắm tiêu dùng. Đây là những người tiêu dùng và họ không đơn thuần chỉ là khách du lịch đi từ điểm A đến điểm B.

David Coiley, phó chủ tịch của công ty viễn thông Inmarsat Aviation, cho biết các hãng hàng không hiện có quyền truy cập vào mạng băng rộng toàn cầu mà vẫn có thể đảm bảo các dịch vụ phù hợp cho hành khách trong chuyến bay.

"Chúng ta đã vượt qua những trở ngại về việc kết nối không đáng tin cậy", ông nói. "Chúng ta đang chứng kiến ​​sự thay đổi song song trong cách mọi người sử dụng kết nối. Nhưng các hãng hàng không phải thích nghi với cơ hội mới này", David Coiley nhận định.

Cùng với việc tận dụng nền tảng cơ sở dữ liệu khách hàng đa dạng, thương mại điện tử có khả năng đem lại nguồn thu đáng kể cho Vietjet Air thông qua cách thức truy cập băng thông rộng như LSE đề cập đến.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM