Làm việc tới chết, xu hướng đáng báo động của giới trẻ Nhật Bản

03/06/2017 11:15 AM | Kinh doanh

Đằng sau bức tranh lao động chăm chỉ của Nhật Bản là một sự thật đau lòng: nhiều người trẻ đang làm việc đến kiệt sức mà chết.

Michiyo Nishigaki rất tự hào khi con trai duy nhất của cô, Naoya, tìm được việc làm tại một tập đoàn viễn thông lớn ngay sau khi tốt nghiệp đại học. Naoya yêu thích máy tính, và đó là cơ hội tuyệt vời đối với chàng trai trẻ trong bối cạnh thi trường lao động tại Nhật ngày càng cạnh tranh khốc liệt hơn.

Nhưng chỉ hai năm sau, mọi việc bắt đầu đi chệch quỹ đạo.

“Thằng bé nói với tôi là nó rất bận, nhưng nó vẫn ổn”, cô Nishigaki chia sẻ với phóng viên BBC. “Cho đến hôm nó trở về nhà vì đám tang của ông ngoại nó, nó đã không thể nhấc người khỏi giường. Naoya bảo tôi: ‘Mẹ cho con ngủ một chút thôi. Con không muốn thức dậy đâu. Xin lỗi mẹ nhưng hãy để con ngủ’.”

Tìm hiểu từ những người đồng nghiệp của Naoya, cô Nishigaki biết rằng con trai cô thường làm việc không nghỉ ngơi.

“Nó thường bắt chuyến tàu điện cuối cùng để trở về nhà, nếu lỡ tàu thì ngủ luôn tại bàn làm việc. Có lần tệ đến mức thằng bé làm việc từ 10h tối hôm trước đến tận tối hôm sau, 37 giờ đồng hồ liên tục”.

Hai năm sau đó, Naoya qua đời ở tuổi 27. Cái chết của cậu được gọi bằng cụm từ “Karoshi”-thuật ngữ trong tiếng Nhật để chỉ hàng động tử vong vì làm việc quá sức.


Cô Nishigaki, mẹ của Naoya.

Cô Nishigaki, mẹ của Naoya.

Làm việc liên tục đã trở thành một phần của văn hóa Nhật Bản. Những cái chết như của Naoya không phải là hiện tượng mới, thậm chí xuất hiện từ những năm 1960 nhưng ngày nay vấn đề đang trở nên hết sức trầm trọng.

Vào đêm giáng sinh 2015, cô gái 24 tuổi Matsuri Takahashi cũng đã chết sau khi làm thêm 100 giờ một tháng và không chịu dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi.

Makoto Iwahashi, nhân viên của Posse, một tổ chức chuyên điều hành đường dây nóng trợ giúp các lao động trẻ, nói rằng điều này không có gì bất ngờ, đặc biệt đối với những người mới bắt đầu đi làm.

Anh cho biết anh nhận được rất nhiều cuộc gọi than phiền từ người lao động động về giờ làm việc quá dài mà họ đang phải chịu đựng.

“Thật đáng buồn nhưng nhiều người trẻ nghĩ rằng họ không có lựa chọn nào khác. Nếu không bỏ việc, họ phải chấp nhận làm thêm nhiều giờ. Nếu bỏ việc họ lại không có tiền để sống”.

Anh Iwahashi cho rằng thị trường lao động bấp bênh đang làm mọi việc trở nên tồi tệ hơn. Nếu những năm 1960, 1970, người lao động vẫn phải làm thêm nhiều giờ nhưng không lo đuổi việc thì nay mọi chuyện đã thay đổi.

Nét văn hóa đáng sợ

Số liệu thống kê chỉ ra mỗi năm, có hàng trăm người trẻ Nhật chết vì Karoshi, trong đó có một số nguyên nhân như suy tim, đột quỵ hay tự sát. Tuy nhiên các nhà vận động cho rằng con số thực tế cao hơn rất nhiều.

Gần một phần tư công ty Nhật Bản có nhân viên làm thêm nhiều hơn 80 giờ một tháng, và thường không được trả lương. 12% người lao động vượt qua ngưỡng làm thêm 100 giờ một tháng.

Điều đáng nói là: Nếu bất cứ lao động nào làm thêm trên 80 giờ mỗi tháng, tỷ lệ tử vong của họ tăng lên khá cao.

Chính phủ Nhật Bản đang chịu áp lực ngày càng nặng nề để thay đổi nền văn hóa làm việc vốn đã tồn tại hàng thập kỷ mà ở đó, không người lao động nào dám bước chân ra khỏi cơ quan khi sếp hoặc các đồng nghiệp khác vẫn đang ngồi lại.

Đầu năm nay, chính phủ đã giới thiệu chương trình "Thứ Sáu tuyệt vời", khuyến khích các công ty cho nhân viên ra về lúc 3 giờ chiều vào ngày thứ Sáu cuối cùng của tháng. Chính phủ cũng khuyên người lao động Nhật đi nghỉ nhiều hơn vì thực tế, họ có 20 ngày nghỉ vẫn hưởng lương trong năm và có đến 35% người lao động không nghỉ một ngày nào trong số này.

Bên cạnh đó, chính phủ cũng đề xuất chỉ để giới hạn làm thêm ở mức 60 giờ/tháng, mặc dù một số công ty ngoại lệ có thể được điều chính lên mức 100 giờ trong “thời kỳ bận rộn”.

Tuy nhiên nhiều nhà phê bình cho rằng chính phủ đang ưu tiên các lợi ích kinh doanh và kinh tế hơn là phúc lợi cho người lao động.

“Người dân Nhật tin tưởng vào chính quyền nhưng họ đang bị phản bội”, Koji Morioka, học giả đã nghiên cứu hiện tượng Karashi trong suốt 30 năm chia sẻ.

Trong lúc đó, nhiều công nhân trẻ đang chết dần và các nhóm hỗ trợ gia đình nạn nhân tiếp tục nhận được các thành viên mới.

Michiyo Nishigaki, người đã mất cậu con trai Naoya, nói rằng đất nước này đang giết chết những người lao động tài năng.

"Các công ty chỉ tập trung vào lợi nhuận ngắn hạn", cô nói. "Con trai tôi và những người khác có khả năng và hoàn toàn muốn cống hiến cho công việc. Hãy cho họ cơ hội mà không cần làm thêm giờ quá nhiều, không đối mặt với các vấn đề sức khỏe, rồi đất nước sẽ được hưởng lợi từ điều này".

Hồng Lam

Cùng chuyên mục
XEM