Làm việc 4h/ngày như Tim Ferriss hay lao lực 14h/ngày như Elon Musk mới có thể thành công? Đáp án này của chuyên gia chính là thứ bạn cần lắng nghe!

05/07/2019 08:47 AM | Sống

Để giúp bạn tìm thấy câu trả lời phù hợp nhất cho mình, chuyên gia về hiệu suất làm việc đã phân tích điểm lợi và hại của 2 quan điểm - làm việc cật lực như Elon Musk và lao động thảnh thơi như Tim Ferriss.

Khi nhắc đến việc tối ưu hóa hiệu suất làm việc, có rất nhiều luồng quan điểm khác nhau. Tuy nhiên, nổi tiếng nhất phải kể đến 2 trường phái làm việc của Tim Ferriss và CEO Tesla Elon Musk.

Ferriss tin rằng, bạn có thể làm việc ít mà vẫn thành công. Điều này cũng chính là cảm hứng để anh viết cuốn The 4-Hour Workweek (1 tuần làm việc 4 tiếng) rồi trở thành hiện tượng của giới kinh doanh. Ngược lại, Musk cho rằng, bạn cần 80-100 tiếng/tuần để thành công: "Không ai có thể thay đổi thế giới chỉ với 40 tiếng/tuần cả."

Vậy ai mới là người đúng? Hãy cùng phân tích từng phương pháp để bạn có thể đưa ra quyết định chính xác nhất nếu muốn làm việc hiệu quả.

Phương pháp "làm việc đến lao lực"

 Làm việc 4h/ngày như Tim Ferriss hay lao lực 14h/ngày như Elon Musk mới có thể thành công? Đáp án này của chuyên gia chính là thứ bạn cần lắng nghe!  - Ảnh 1.

Các doanh nhân thường khẳng định rằng, được làm việc cật lực chính là một niềm vinh dự. Trong một buổi phỏng vấn, Elon Musk đã nói: "Hãy làm việc bán sống bán chết. Bạn phải dám bỏ ra 80-100 tiếng/tuần." Ông cũng bổ sung thêm: "Khi người khác bỏ ra 40 tiếng/tuần, còn bạn làm việc 100 tiếng/tuần, thì bạn sẽ đạt được thành quả chỉ trong 4 tháng thay vì 1 năm như họ, nếu cả 2 đều cùng làm một việc."

Nghe qua thì điều Musk nói có vẻ đúng, nhưng nếu bạn để ý hơn chút nữa, bạn sẽ thấy quan điểm này thực sự có vấn đề. Bởi lẽ,  hiệu suất làm việc là một thứ hữu hạn. Các nhà nghiên cứu ở ĐH Stanford đã khám phá rằng, hiệu suất làm việc của bạn sẽ giảm sau khi đạt mốc 50 tiếng/tuần. Những nhân viên làm việc tới 70 tiếng cũng chẳng đem lại thêm lợi ích gì trong 20 tiếng dôi ra đó. Họ chỉ đang lãng phí thời gian, bằng cách làm việc lâu hơn nhưng kém hiệu quả hơn.

Lao động cật lực cũng ảnh hưởng tới những người xung quanh bạn. Tại sự kiện SXSW vào năm 2013, khi nhắc đến thời gian dành cho gia đình, Musk cho biết: "Tôi không gặp con cái thường xuyên lắm. Nhưng tôi nhận ra rằng, mình có thể vừa ở bên con vừa kiểm tra email. Tôi có thể chơi đùa với chúng và làm việc cùng lúc… Nếu không, tôi chẳng thể hoàn thành nổi công việc."

Thật không may cho Musk (và những người làm nhiều việc cùng lúc), não bộ của chúng ta không hoạt động theo cách đó. Các nhà khoa học đã khám phá rằng, khi chúng ta làm nhiều việc cùng lúc, hiệu suất làm việc sẽ giảm hơn 40%.

Tôi không ở đây để chỉ trích Elon Musk. Tôi tin rằng mỗi người có hiệu suất làm việc khác nhau. Tuy nhiên, chúng ta không nên áp dụng một quy chuẩn chung cho mọi người. Nếu bạn buộc phải làm việc liên tục, hãy đảm bảo nó chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn. Kể cả như vậy, bạn cũng cần nghỉ ngơi và để não bộ hồi phục.

Phương pháp "làm việc thảnh thơi"

 Làm việc 4h/ngày như Tim Ferriss hay lao lực 14h/ngày như Elon Musk mới có thể thành công? Đáp án này của chuyên gia chính là thứ bạn cần lắng nghe!  - Ảnh 2.

Dành cho những ai chưa đọc sách của Ferriss: Tên sách ám chỉ rằng, Ferriss đã kinh doanh thành công chỉ bằng cách làm việc 4 tiếng/tuần. Vài người tin rằng họ có thể tạo ra những kết quả tuyệt vời mà không cần nỗ lực quá nhiều. Thật ra, quan điểm này cũng không hoàn toàn đúng.

Ferriss định nghĩa về công việc rất cụ thể. "Nếu định nghĩa về công việc của bạn chủ yếu bị chi phối bởi tiền bạc và bạn muốn làm việc ít đi, chẳng hạn như tôi chỉ làm việc ít hơn 4 tiếng/tuần," Ferriss phát biểu tại một sự kiện tại Trường Kinh doanh Harvard. Nói theo cách khác, bất cứ cái gì không đem lại lợi ích tài chính nhưng giúp phát triển công việc của bạn (ví dụ như giảng bài, viết blog, làm podcast) thì không tính - bởi những thứ đó là "nói suông".

Tuy nhiên, Ferriss đã giới thiệu một số chiến lược hữu ích nhằm cải thiện hiệu suất làm việc của bạn. Chẳng hạn, ông gợi ý bạn nên gộp các nhiệm vụ lại để giải quyết một thể và cho phép những người khác đưa ra các quyết định, nhất là các quyết định quan trọng. Điều này khác hẳn với cách lãnh đạo của Elon Musk. Ông khuyên bạn nên phân ra ranh giới rạch ròi với đối tác và đồng nghiệp để có có thể tự mình đưa ra quyết định.

Ferriss cũng hướng dẫn mọi người cách loại bỏ sự phân tâm. Các cuộc họp, cuộc gọi hay email chính là nguồn gốc khiến chúng ta xao lãng và quên đi mục đích ban đầu của mình. Vì vậy, nếu giảm bớt được những thứ này sẽ có lợi cho chúng ta. Tuy nhiên, có một luận điểm mà tôi không đồng tình với Ferriss, đó là khi ông ấy nói về việc "bỏ qua có chọn lọc". Ông khuyên mọi người đừng bao giờ đọc báo. Theo ông, nếu có điều gì quan trọng, mọi người sẽ bàn tán về nó và bạn sẽ biết. Ông ấy cũng tin rằng chúng ta nên loại bỏ hẳn ti vi, hoặc chỉ xem 1 tiếng để giải trí. Ferriss cũng chỉ đọc sách 1 tiếng/ngày, và chủ yếu là sách giả tưởng. Thậm chí, ông còn không lướt mạng.

Tôi nghĩ rằng, những lời khuyên trên không chỉ thái quá mà còn gây tổn hại sự nghiệp của bạn. Làm sao bạn có thể đi đầu xu hướng trong lĩnh vực của mình, học hỏi từ người khác, cải thiện các kỹ năng kinh doanh, khi mà có những nghề nghiệp đòi hỏi bạn phải tiếp nhận thông tin mỗi ngày?

Với tất cả những điều nói trên, liệu phương pháp làm việc 4 tiếng/tuần có thực sự khả thi? Có và không. Việc loại bỏ những thứ gây xao lãng là điều cần làm. Việc nghĩ rằng bạn có thể thành công chỉ với 4 tiếng làm việc mỗi tuần là điều không nên làm.

 Làm việc 4h/ngày như Tim Ferriss hay lao lực 14h/ngày như Elon Musk mới có thể thành công? Đáp án này của chuyên gia chính là thứ bạn cần lắng nghe!  - Ảnh 3.

Tóm lại, bạn không cần sống một cách quá cực đoan. Bạn không cần phải làm việc đến 100 tiếng/tuần để thành công, nhưng chắc chắn rằng bạn phải làm nhiều hơn 4 tiếng/tuần để tạo nên một điều gì đó có ý nghĩa. Hãy nhớ rằng, cuộc sống không chỉ xoay quanh thời gian, mà còn là tập trung vào những điều quan trọng. Vì thế, đừng quá bận tâm đến số giờ bạn bỏ ra, mà phải chú ý đến cách bạn tận dụng chúng. Bởi lẽ, chất bao giờ cũng thắng lượng.

Bài chia sẻ của Tonya Dalton - chuyên gia về hiệu suất làm việc, tác giả của trang Inkwell Press, tác giả cuốn sách The Joy of Missing Out.

Theo Ngọc Hà

Cùng chuyên mục
XEM