Làm thế nào để cây dừa Bến Tre vươn ra thế giới?

29/10/2017 08:52 AM | Xã hội

Hơn 10 năm qua, cùng với sức mạnh công nghệ, các sản phẩm từ dừa đã trở thành cơn sốt tại các nước phát triển khi con người đang trở về với xu hướng Organic. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có mặt trong bản đồ nước dừa tươi của thế giới.

Biến Bến Tre thành thủ phủ về dừa

Theo TS. Nguyễn Văn Giáp, nghiên cứu viên cao cấp về chính sách nông nghiệp tại Fulbight, đại diện cho nhóm nghiên cứu về Mekong, thị trường dừa thế giới rất sôi động trong 5 năm vừa qua, nhưng diện tích dừa không tăng nhiều, phần cung đã đi đến giới hạn.

Trong 10 nước trồng dừa nhiều nhất gồm Philippines, Indonesia, Ấn Độ… thì Việt Nam đứng số 10, mỗi năm thu hoạch khoảng 1,3 triệu tấn, trong đó dừa Bến Tre đã chiếm một nửa.

Giá dầu dừa tăng hơn 2 lần trong 5 năm, thị trường nước dừa thế giới năm 2011 trị giá 533 triệu USD, năm 2016 là 2,2 tỷ USD, đây là cơ hội cho ngành dừa Việt Nam.

Dừa chủ yếu được trồng ở châu Á, chiếm hơn 80% sản lượng dừa thế giới, tuy nhiên sản lượng dừa Việt Nam rất nhỏ, khoảng 1,3 triệu tấn, không có trên bản đồ dừa thế giới.

Số liệu xuất khẩu dừa Bến Tre năm 2016 đã tăng gấp ba lần so với năm 2015 là 5,5 triệu USD. Tuy nhiên có sự dịch chuyển, trước đây xuất khẩu các sản phẩm thô sang thị trường Trung Quốc là chủ yếu, năm 2016 chỉ còn 16,5%, chuyển dần sang thị trường Mỹ, châu Âu.

Mặc dù giá trị sản phẩm tăng, nhưng vẫn tập trung vào sản phẩm truyền thống như cơm dừa, dừa sấy, dầu dừa…, còn sản phẩm mới như nước dừa tươi còn rất nhỏ.

Nhấn mạnh việc cần phát triển thị phần nước dừa tươi và dầu dừa bằng công nghệ hiện đại, TS. Nguyễn Văn Giáp nói: “Nước dừa tươi có cơ hội lớn chiếm 22 tỷ USD. Đặc tính được đóng gói trực tiếp từ dừa tươi, không từ cô đặc, không được đưa thêm đường và hóa chất vào, từ nguồn tự nhiên, tinh khiết, không có chất béo.

Giá trị nước dừa tươi nhấn mạnh tự nhiên, hữu cơ, có lợi cho sức khỏe, một lít nước dừa tươi lên đến 5 bảng Anh, phân khúc cao cấp hơn nhiều so với các loại trái cây khác.

Thị trường đang có dịch chuyển về nhu cầu, trước đây chủ yếu ở các nước thu nhập cao như Anh, Úc, Mỹ, sẽ dịch chuyển về các nước châu Á, đây là cơ hội cho Việt Nam.

Về mặt giá, nước dừa tươi chênh lệch lớn so với các loại nước khác, nhưng sắp tới do cạnh tranh, giá sẽ rơi xuống. Các công ty Việt Nam mới gia nhập thị trường sẽ phải tính toán rất kỹ. Thị hiếu tiêu dùng coi trọng giá trị hữu cơ.

Nước dừa tươi nguyên chất của Việt Nam trong tương lai sẽ có thể tự sáng tạo đưa ra sản phẩm đa dạng bằng hương vị tự nhiên cho các thị trường mới chưa quen với nước dừa như pha với chanh dây chẳng hạn.

Sản phẩm thứ hai chủ lực là dầu dừa. Trong 5 năm qua giá dầu dừa tăng gấp đôi, vì người tiêu dùng có nhận thức mới về dầu dừa, tốt cho sức khỏe, cho tóc, có lợi cho xương và răng, tăng khả năng miễn dịch, chữa tiểu đường.

Trên thế giới các tổ chức đang khai thác triệt để tính năng của dầu dừa cho sức khỏe con người.

Với Bến Tre, chủ yếu sản xuất dầu dừa dạng thô xuất sang Trung Quốc. Dầu dừa có chất lượng tốt nhất khi được chế biến trong vòng 48 giờ sau khi tách vỏ lụa, Việt Nam phải đi theo hướng chất lượng cao, thương mại công bằng, không nên đi theo hướng chất lượng thấp.

Đối thủ chính của chúng ta là Philippines và Indonesia, họ có ưu thế thị trường truyền thống, có chi phí sản xuất rẻ hơn chúng ta. Việt Nam cần bảo đảm trồng trọt và phân bón quản lý tốt.

Thị trường nước dừa Mỹ và các thị trường mới nổi cũng là hướng đi mới cho Việt Nam.

Ngành dừa Bến Tre có hàng chục sản phẩm khác nhau từ dừa, nên kết hợp với phát triển ẩm thực, du lịch, phát triển cụm ngành thông qua sức mạnh công nghệ 4.0 để bảo vệ ngành dừa lâu dài”.

Ông Huỳnh Quang Đức, Giám đốc Trung tâm khuyến nông tỉnh Bến Tre cho biết: “Các doanh nghiệp dẫn đầu ở Bến Tre về dừa như Lương Quới, TTC đều đang tập trung đầu tư công nghệ cao để phát triển sản phẩm về dừa, tuy nhiên các hộ chiếm dưới 5 ha đa số nhỏ lẻ, manh mún.

Chính sách hỗ trợ của nhà nước cần tập trung đưa khoa học công nghệ vào việc trồng, chăm sóc, nghiên cứu sản phẩm mới, đặc biệt quan tâm sản xuất dừa hữu cơ, bảo đảm an toàn, bền vững. Các nhà máy cũng phải làm theo hướng sản phẩm an toàn.

Dừa công nghiệp và dừa uống nước phát triển song song. Nhiều dự án khoa học công nghệ làm nước cốt, dừa nước vừa phát triển bề rộng, bề sâu.

Tỉnh Bến Tre đang tập trung xây dựng chuỗi giá trị dừa, bước đầu có lượng thành viên 1000 người, ba hợp tác xã. Tổ chức sản xuất nông nghiệp thiết lập dừa giống, nuôi ong ký sinh, ca cao trong vườn dừa phát triển khá tốt.

Trong biến đổi khí hậu, cây dừa được đánh giá cao từ trồng, sơ chế, thu gom đồng bộ, tuy nhiên tính liên kết chưa cao”.

Để biến Bến Tre thành thủ phủ dừa của cả nước, ông Huỳnh Quang Đức cho rằng: “Hạn chế lớn nhất là diện tích dừa còn nhỏ lẻ, giao thông nông thôn chưa được đầu tư, năng suất chưa phát huy do đầu tư thâm canh thì giá phải giảm, giá cả thiếu ổn định, áp lực cạnh tranh rất lớn với bưởi da xanh…

Tỉnh bắt đầu làm liên kết, trong sản xuất chế biến còn đang tìm hiểu, chưa tiếp cận với cách làm tiên tiến trên thế giới. Để xây dựng chuỗi giá trị, phải tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây có năng suất thấp sang trồng dừa”.

Kết nối nhà khoa học với doanh nghiệp...

Để tạo lập chỉ dẫn địa lý Bến Tre cho cây dừa, kết nối giữa nhà khoa học với doanh nghiệp, nông dân, Bộ Khoa học và Công nghệ đã thực hiện đề tài nghiên cứu thí điểm với Công ty chế biến dừa Lương Quới.

Ông Phạm Đại Dương, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: Biến đổi khí hậu đang tác động tiêu cực đến đời sống người dân, đòi hỏi ĐBSCL phải có giải pháp phát triển bền vững.

Bộ Khoa học và Công nghệ hết sức hoan nghênh BSA, Amcham kết hợp tổ chức để tìm hướng đi mới cho sản phẩm lúa, dừa, sen, cá, đây là cơ hội quý để các nhà quản lý chia sẻ, trao đổi thẳng thắn, cởi mở.

Thị trường trong nước và quốc tế ngày càng khắt khe. Bộ Khoa học và Công nghệ mong doanh nghiệp nhận thức rõ hơn vai trò của tác động của khoa học kĩ thuật trong thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Vai trò của chính phủ và các cơ quan chính sách với cây dừa trong thời điểm này là rất cần thiết để nâng cao năng suất, giảm giá thành, tạo nên chuỗi giá trị, tạo sự kết nối giữa nhà khoa học, doanh nghiệp, nông dân.

Qua kinh nghiệm thí điểm với Lương Quới có thể thấy rõ khi đưa dây chuyền của Đức với độ tự động hóa rất cao vào sản xuất đã đáp ứng cho xuất khẩu, giúp năng suất tăng từ 4.000 USD/tấn lên 5.000 USD/tấn.

Cách đây 2 tuần Bộ Khoa học và Công nghệ đã làm việc với tỉnh Bến Tre, bàn nhân rộng mô hình, định hướng ứng dụng công nghệ với cây dừa, tạo lập chỉ dẫn địa lý Bến Tre cho cây dừa, quảng bá sản phẩm dừa Bến Tre một cách chuyên nghiệp, có hệ thống.

Nghiên cứu các giống dừa tốt để nhân bản, dây chuyền sơ chế dừa, công nghệ sản xuất dầu dừa estrogen của Hà Lan, nước nhập khẩu dừa thô đứng đầu châu Âu nhưng lại là nơi xuất khẩu dừa tinh lớn của thế giới nhờ ứng dụng khoa học kĩ thuật.

Nhấn mạnh đến việc tìm hiểu kỹ khách hàng, đối tượng của sản phẩm về dừa, ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Vinamit lại đưa ra một góc nhìn hoàn toàn mới:

“Làm hữu cơ phải truyền thông rõ mối quan hệ hữu cơ. Chúng ta nói rất nhiều về dừa, nhưng chưa ai nói chân dung người sử dụng dừa của mình là ai? Bởi nếu chúng ta không hiểu khách hàng sống thế nào, thói quen anh ấy ra sao thì làm sao họ chấp nhận sản phẩm của ta?

Khách hàng của chúng ta là các công ty cần nguyên liệu dừa. Họ cần nguyên liệu Organic, người tiêu dùng thông minh lắm. Tôi tiếp cận đầu tiên là xơ dừa để xuất khẩu thảm xơ dừa, mụn dừa để làm giá thể cho nông trại, tiếp cận gáo dừa, cơm dừa…Tôi tin tương lai sẽ có nhiều công ty cần như vậy.

Phải hiểu khách hàng

Khách hàng Organic có 5 thói quen: đụng cái gì cũng hỏi có lành mạnh hay không? Luôn có cuộc sống gắn kết với thiên nhiên, có văn hóa lúc nào cũng nghiên cứu và truy xuất nguồn gốc kỹ lưỡng, không bạ đâu ăn đó. Nếu chỉ cần chứng minh không có hóa học từ lúc trồng, chế biến, cho dù nó có xấu xí nhưng người tiêu dùng chấp nhận, vì khi họ ăn, cảm nhận đó là tự nhiên.

Họ ăn dừa, câu đầu tiên họ hỏi có ngâm trong xút (NaOH) hay không? Lương Quới và TTC đang quản lý những vườn dừa Organic lớn, đặc ân trời ban cây dừa có thể trồng tự nhiên được, tại sao không nhân rộng ra những quy mô lớn?

Khi bán sản phẩm dừa phải chú ý khách hàng của mình, khách hàng ấy sẽ ngày một đông so với 2016 vì xu hướng Organic gia tăng.

Ngoài sản phẩm hữu cơ, cần chuyển đổi gói, bao, chai lọ phù hợp, tiện ích. Phải hiểu người tiêu dùng hữu cơ là ai để truyền thông một vẻ đẹp bất toàn, giúp họ hiểu lý do vì sao chúng ta bán giá đó. Chúng ta đang thiếu truyền thông về mối quan hệ hữu cơ này”.

Ông Nguyễn Lâm Viên cũng đưa ra cảnh báo về cách canh tác dừa và kinh doanh dừa:

“Chúng ta chỉ giảm hóa học chứ chưa bỏ hóa học. Trồng dừa lại áp dụng xâm canh, bỏ thuốc bảo vệ thực vật vào khiến cho cây dừa bị nhiễm độc, khiến cho những cánh đồng đó bị loại ra khỏi cuộc chơi.

Theo tôi không nên xâm canh, có xâm canh phải trồng loại cây không phun thuốc, nếu không sẽ bị vạ lây. Chúng tôi là công ty đại diện cho người tiêu dùng, nên cũng phải đi săn chân dung của người canh tác, chế biến, cố gắng không xài hóa học trong chế biến, nếu thế thị trường của mình sẽ ở phân khúc thấp.

Dầu dừa không rửa bằng xút (NaOH) giá cao hơn nhiều, phải tìm giải pháp công nghệ nào đó để không phải dùng hóa học trong chế biến. Có hóa học lại nhập nhằng với sản phẩm không hóa học thì rất tội cho nhà sản xuất hữu cơ và người tiêu dùng. Phải truyền thông vẻ đẹp bất toàn của sản phẩm hữu cơ, có đối ứng giữa sản phẩm hóa học và không hóa học, để người tiêu dùng tự cảm nhận, so sánh. Các bạn hãy thử làm như vậy đi.

Ở góc độ thực tế, nói đến thị trường, phải nhớ hai đối thủ, một là các thương nhân Trung Quốc, nếu chúng ta không đoàn kết, không đẩy giá lên để họ rút cho lẹ thì càng rối loạn. Khi họ rút thì mình phải vận động nông dân để bình ổn giá lại. Hiệp hội dừa Thái Lan họ rất kinh nghiệm trong vấn đề đảo giá để đẩy đối thủ ra khỏi Thái Lan”.

Theo Kim Yến

Cùng chuyên mục
XEM