Làm thầu phụ vừa bị nợ đọng tiền vừa phải cắt chi phí quản lý, Fecon muốn M&A để trở thành thầu chính, tham vọng tăng lợi nhuận gấp 3, doanh thu gấp 2 vào 2019

27/04/2018 15:24 PM | Kinh doanh

Doanh nghiệp Việt đầu tiên đưa robot vào thi công công trình ngầm Fecon mới đây chia sẻ: Đơn vị này trước nay làm rất nhiều dự án công nghiệp, đặc biệt là các dự án FDI như Samsung, LG, Honda…, nhưng luôn làm với tư cách nhà thầu phụ. Là nhà thầu phụ, sẽ phải cắt chi phí quản lý rất lớn cho nhà thầu chính, và dở nhất là bị nợ đọng tiền.

Tại ĐHCĐ thường niên của CTCP Fecon (Mã chứng khoán: FCN) sáng 27/4, HDDQT doanh nghiệp này đã trình cổ đông việc đầu tư mua bán sáp nhập (M&A) 1 – 2 công ty liên quan đến xây dựng công nghiệp.

Chia sẻ về kế hoạch này, Chủ tịch HĐQT Phạm Việt Khoa cho biết trước nay Fecon làm rất nhiều dự án công nghiệp, đặc biệt là các dự án FDI như Samsung, LG, Honda…, nhưng luôn làm với tư cách nhà thầu phụ.

"Thầu phụ có cái hay là chúng ta có thể làm được cùng lúc với nhiều nhà thầu chính. Nhưng cái dở là bị cắt chi phí quản lý cho nhà thầu chính rất lớn, quan trọng hơn là bị nợ đọng tiền".

"2 năm vừa rồi chúng ta đã đòi tiền rất "rát". Các điều kiện thanh toán được quy định rất chặt chẽ trong hợp đồng, nhưng vẫn xảy ra chuyện đọng tiền bởi nhà thầu chính giữ lại", ông Khoa cho biết.

Năm 2017, các khoản phải thu ngắn hạn của Fecon lên tới hơn 2.000 tỷ đồng, tăng mạnh trên 53% so với cùng kỳ năm trước.

Làm thầu phụ vừa bị nợ đọng tiền vừa phải cắt chi phí quản lý, Fecon muốn M&A để trở thành thầu chính, tham vọng tăng lợi nhuận gấp 3, doanh thu gấp 2 vào 2019 - Ảnh 1.

Việc M&A này dược đưa ra nhắm mục tiêu dần dần thoát khỏi vai trò nhà thầu phụ để trở thành nhà thầu chính.

Thực tế, trong dự án Transimex mới thắng thầu ở Hưng Yên, Fecon cũng đã liên danh với một công ty xây dựng công nghiệp để đấu thầu. Việc đấu thầu trực tiếp này giúp DN được làm thẳng, nhận tiền thẳng từ chủ đầu tư, được thanh toán các loại chi phí như nhà thầu chính.

"Làm nhà thầu chính sẽ tốt hơn, hiệu quả cao hơn, đặc biệt không bị chậm tiền", ông Khoa nói.

Tuy chưa thể tiết lộ tên DN sẽ M&A, Chủ tịch HĐQT Fecon cho biết doanh nghiệp dự tính M&A có thể nhỏ thôi, nhưng sẽ là thành tố cần thiết để đảm bảo hồ sơ năng lực cho Fecon đấu thầu thẳng vào các dự án. Hiện Fecon đang cân nhắc 2 công ty. Khi các DN này tăng vốn, Fecon có thể "bước vào" với tỷ lệ ban đầu khoảng 30 – 35%, sau đó sẽ tăng dần lên.

Việc M&A này, ông Khoa khẳng định là để đi cùng nhau, chứ không mang tính chất thôn tính.

Đặt mục tiêu doanh thu tăng gấp 2, lợi nhuận tăng gấp 3 trong hai năm tới

Chia sẻ kế hoạch kinh doanh trong trung hạn, Chủ tịch HĐQT Fecon cho rằng kế hoạch của đơn vị mình khá "lạc quan", còn Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Giám đốc Trần Trọng Thắng gọi đây là "một kế hoạch táo bạo".

Theo đó, năm 2018, Fecon đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 3.500 tỷ đồng, tăng 51% so với năm trước, lợi nhuận ròng dự kiến đạt 272 tỷ đồng, tăng trưởng 53%. Năm 2019, mục tiêu doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt ở mức hơn 5.600 tỷ đồng và 545 tỷ đồng, tức lần lượt gấp 2 lần và 3 lần so với doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2017.

Làm thầu phụ vừa bị nợ đọng tiền vừa phải cắt chi phí quản lý, Fecon muốn M&A để trở thành thầu chính, tham vọng tăng lợi nhuận gấp 3, doanh thu gấp 2 vào 2019 - Ảnh 2.

Ảnh: NDH.

Ông Thắng cho rằng bản kế hoạch táo bạo này được xây dựng trên 3 cơ sở:

- Phần hợp đồng đã ký được chuyển qua từ năm 2017, có giá trị khoảng 850 tỷ đồng.

- Các dự án tiềm năng sẽ ký được trong 2018 gồm các dự án đã theo đuổi từ 2017 và các dự án mới 2018. Các dự án của 2018 gồm các dự án trọng điểm quốc gia như Nhiệt điện Nghi Sơn 2, các dự án lọc hoá dầu như hóa dầu Long Sơn, dự án nhà máy thép Hòa Phát Dung Quất… dự kiến sẽ đem lại cho công ty hơn 1.000 tỷ đồng

- Các dự án về hạ tầng tiếp tục theo đuổi như các dự án điện mặt trời, điện gió… Hiện Fecon đang triển khai dự án điện mặt trời, về cơ bản đã được Bộ Công thương phê duyệt, bổ sung vào quy hoạch dự án.

Trong 2017, Fecon đạt doanh thu và lợi nhuận ròng lần lượt 2.320 tỷ đồng và 166 tỷ đồng, tăng 10% và 7% so với năm trước, không đạt chỉ tiêu đề ra.

Tuy nhiên kết quả kinh doanh Quý 1 của công ty khá khả quan. Doanh thu hợp nhất Quý 1 toàn hệ thống ước đạt hơn 425 tỷ đồng, tăng trưởng 44% so với cùng kỳ năm 2017; lợi nhuận hợp nhất đạt hơn 23,23 tỷ đồng, tăng trưởng 41% so với cùng kỳ năm 2017. Trong Quý 2, doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu khoảng 600 – 700 tỷ đồng.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM