Làm sao để sống sót trong những lần ăn vạ của con?

10/12/2016 08:08 AM | Sống

Tại sao trẻ hay làm nũng? Đơn giản là trẻ con biết đó là biện pháp hiệu quả để có những gì chúng muốn. Vậy làm cách nào để dạy trẻ từ khi còn nhỏ tìm ra cách giao tiếp hiệu quả hơn?

Các bậc phụ huynh chắc hẳn nhiều lần đã rơi vào tình huống con mình đòi cho bằng được thứ đồ ưa thích, mè nheo, khóc lóc, ăn vạ hay bất cứ hình thức nào. Tại sao trẻ hay làm nũng? Đơn giản là trẻ con biết đó là biện pháp hiệu quả để có những gì chúng muốn. Vậy làm cách nào để dạy trẻ từ khi còn nhỏ tìm ra cách giao tiếp hiệu quả hơn?

1. Làm gương cho con

Những lúc con khóc lóc, nũng nịu để đòi hỏi, điều quan trọng là phải đưa ra quan điểm thẳng thắn của mình, giải thích cách bạn muốn ở con khi yêu cầu một thứ gì đó. Ví dụ “Mẹ không thích con đòi hỏi theo cách này, hãy nói với mẹ với giọng điệu bình thường và chúng ta có thể cùng xem xét”

2. Phòng ngừa lúc bắt đầu

Đôi khi trong cuộc sống bận rộn, chúng ta không có thời gian để nhận thấy những tín hiệu nhỏ mà con đang cố thể hiện. Nhưng nếu bố mẹ có thể chú ý nhiều hơn và nhận thức được tình huống đang diễn ra, chúng ta có thể ngăn chặn những lần con làm nũng thậm chí trước khi nó xảy ra. Ví dụ, trong khi cùng con đi siêu thị và bạn biết rằng sắp đi qua các cửa hàng đồ chơi, cửa hàng bánh kẹo, ... điều sẽ dẫn đến tình huống đòi hỏi, hãy tránh đi lối đó nếu có thể.

3. Chuyển sang tranh luận

Khi trẻ con muốn điều gì đó, chúng thường sẽ làm nũng. Thay vì cho trẻ thứ nó muốn hay từ chối ngay, hãy nói: “ Mẹ sẽ không cho con nếu con làm nũng, hãy cho mẹ một lý do chính đáng”. Phương pháp này không những ngăn chặn những lần nũng nịu của con mà còn xây dựng kỹ năng lý luận ở trẻ.

4. Củng cố phương pháp mới của con

Một khi bạn đã rèn được cho trẻ cách tốt hơn để giao tiếp, điều quan trọng là phải liên tục củng cố hành vi tích cực này. Điều này không có nghĩa là bạn sẽ phải đáp ứng nhu cầu của trẻ ngay mà bạn nên thừa nhận những nỗ lực của chúng. Ví dụ, con bạn bắt đầu rên rỉ vì nó muốn chơi đồ chơi nhưng đã đến giờ đi ngủ.

Hãy bảo con nói chuyện với tông giọng bình thường của nó. Lúc đó bạn có thể khen ngợi con vì đã hỏi mà không nũng nịu nữa và hỏi tại sao con lại muốn chơi đồ chơi lúc này. Hãy lắng nghe và cảm ơn con vì đã chia sẻ đồng thời giải thích với con rằng đã muộn rồi, mình có thể chơi vào ngày mai.

5. Không nuông chiều bản thân

Làm sao để không đáp ứng những đòi hỏi của những thiên thần bé nhỏ của mình được cơ chứ? Dẹp ngay ý nghĩ đó đi, sự nhất quán trong hành động của bố mẹ rất quan trọng trong việc hình thành tính cách của trẻ. Nếu bố mẹ luôn không đáp ứng yêu cầu của con khi chúng khóc lóc, rên rỉ, chúng sẽ biết rằng những hành vi này không phải là biện pháp hiệu quả trong việc nhận được những gì chúng muốn.

Tóm lại, để dạy con trở thành những đứa trẻ ngoan hãy khuyến khích các kỹ năng lập luận tốt và hành vi tích cực để giúp con phát triển thành người giao tiếp hiệu quả hơn.

Diệu Bảo

Cùng chuyên mục
XEM