Làm quản lý giỏi phải biết giải quyết xung đột và những cách này sẽ giúp bạn

07/04/2018 15:42 PM | Kinh doanh

Dưới đây là những cách khôi phục lại các mối quan hệ bị đang bị lung lay từ cuốn sách "Cuộc sống có mục đích" của Rick Warren.

Các mối quan hệ có ý nghĩa là chìa khóa dẫn đến hạnh phúc – dù ở nhà hay ở nơi làm việc. Chúng ta được lập trình để tìm kiếm sự kết nối và các mối quan hệ. Dù có thành công bao nhiêu hay giàu có thế nào, ta cũng không thể loại bỏ nhu cầu ấy đi được.

Tuy nhiên, các mối quan hệ cũng là một con dao hai lưỡi. Nếu chúng không tốt đẹp thì chẳng có gì được yên bình hết. Cả công việc lẫn cuộc sống riêng của bạn đều bị ảnh hưởng, mặc dù điều này không có nghĩa là bạn yếu đuối hay không có tố chất làm kinh doanh. Điều đó chỉ cho thấy bạn là con người mà thôi.

Do đó, thay vì kìm nén các cảm xúc và hành hạ chính mình, chúng ta cần học cách giảng hòa. Giảng hòa ở đây không phải là thờ ơ, trốn chạy hay thoát ly thực tế, mà là luôn vững vàng và đương đầu trực tiếp với các xung đột để làm cho mọi chuyện tốt đẹp hơn.

Dưới đây là những cách khôi phục lại các mối quan hệ bị đang bị lung lay từ cuốn sách "Cuộc sống có mục đích" của Rick Warren:

1. Tìm kiếm sự trợ giúp

Sẽ là không khôn ngoan khi cố gắng giải quyết xung đột vào lúc nóng bỏng nhất. Những cảm xúc bột phát lúc đó thường làm cho mọi chuyện phức tạp hơn và khiến người ta mất khả năng suy xét. Mặc dù rốt cuộc việc xả giận là điều cần thiết, nhưng tốt nhất là làm việc đó với một người có suy nghĩ khách quan và sáng suốt. Hãy làm việc đó một cách triệt để vì bạn cần một cái đầu lạnh trước khi quay lại giải quyết xung đột.

Ngoài ra, người mà bạn tìm đến tư vấn cũng giúp bạn thu hẹp và tìm ra đúng vấn đề thực sự cần đối mặt. Warren còn đưa ra một lời khuyên cực kỳ hữu ích: "Hầu hết các xung đột đều có nguyên nhân là các nhu cầu không được đáp ứng."

Để chắc chắn tìm được gốc rễ của vấn đề, hãy nói chuyện với người có thể giúp bạn tìm ra lý do thực sự khiến bạn cảm thấy khó chịu.

Làm quản lý giỏi phải biết giải quyết xung đột và những cách này sẽ giúp bạn - Ảnh 1.

2. Đừng chờ đợi

Hãy tỏ ra nhún nhường và chủ động mở lời. Bạn càng chờ lâu thì càng phải chịu đựng lâu. Warren nói: "Dù bạn là người gây ra hay người chịu ảnh hưởng… trong các cuộc xung đột, thời gian sẽ chẳng giúp gì; nó còn khiến cho các vết thương mưng mủ nữa."

Nhiều người cứ giữ mọi chuyện trong lòng cho đến khi chúng dâng trào và tạo ra vấn đề lớn hơn. Một số người khác chọn cách cư xử kẻ cả, nhún vai khinh bỉ và quay đi. Nhưng cách đó chỉ khiến bạn trông như một người non nớt và vấn đề thì vẫn còn đó.

Trong trường hợp này, hãy làm theo câu nói của Jonathan Lockwood Huie, "Hãy tha thứ cho người khác, không phải vì họ đáng được tha thứ, mà vì bạn đáng nhận được sự thanh thản."

3. Tỏ ra thông cảm

Bạn sẽ không bao giờ giải quyết được một vấn đề mà bạn không hiểu rõ. Hãy dành thời gian để nghe người kia giải thích. Thường thì chúng ta rất hay vội vàng đưa ra kết luận trước khi tìm hiểu vấn đề thực sự.

Warren khuyên rằng điều quan trọng nhất lúc này là lắng nghe. Khi làm vậy, bạn thể hiện với người kia rằng "tôi trân trọng ý kiến của bạn, tôi quan tâm đến mối quan hệ của chúng ta, và bạn quan trọng đối với tôi." Người ta không quan tâm ta biết những gì cho đến khi họ biết ta quan tâm.

4. Là người đầu tiên thừa nhận lỗi lầm của mình

Điều này nói thì dễ những làm được rất khó khăn. Nhưng thực sự là không có cách nào nhanh hơn để xoa dịu một cuộc tranh cãi bằng cách thừa nhận sai lầm của mình. Bạn càng xin lỗi sớm thì càng nhanh chóng đến được với giải pháp của vấn đề. Và luôn có điều gì đó để bạn xin lỗi – kể cả khi bạn không làm gì.

Chúng ta đều có những điểm mù. Hãy chịu trách nhiệm vì những điểm mù của mình, và bạn sẽ làm cho hoàn cảnh trở nên bớt căng thẳng – sẽ không có điều gì mang tính xây dựng xảy ra nếu bạn không chịu làm việc đó.

Làm quản lý giỏi phải biết giải quyết xung đột và những cách này sẽ giúp bạn - Ảnh 2.

5. Không thù hằn cá nhân

Như Warren nói, "công kích vấn đề, chứ không phải con người." Nghĩa là, đừng đổ tội cho một ai. Lăng mạ và chế nhạo sẽ chỉ làm cho mọi chuyện tồi tệ hơn, và đẩy cả hai phía ra xa sự thỏa hiệp.

Rõ ràng là không phải lúc nào mọi vấn đề cũng được giải quyết. Tuy nhiên, ngay cả khi vấn đề còn đó, ít nhất bạn vẫn có thể giữ được mối quan hệ. Điều khác biệt ở đây là gì? Warren nói, "sự hòa giải tập trung vào việc bảo tồn mối quan hệ, trong khi giải pháp tập trung vào vấn đề. Khi bạn nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ, vấn đề sẽ tự nó mất đi sức nặng."

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM