Lạm phát gia tăng trên toàn cầu: Từ châu Á tới châu Âu, Mỹ đều chứng kiến khủng hoảng tồi tệ

14/04/2022 10:33 AM | Xã hội

Hơn một nửa các nền kinh tế mới nổi có lạm phát vượt 7%/năm, trong khi 60% các nước phát triển có lạm phát vượt 5%/năm.

Ảnh chỉ mang tính minh hoạ
Ảnh chỉ mang tính minh hoạ

Theo tờ New York Times, hàng loạt quốc gia trên thế giới đã phải hành động vì đà tăng giá mạnh mẽ của hàng hoá. Sự đứt gãy chuỗi cung ứng hậu đại dịch và cuộc xung đột ở Ukraine đã khiến đà lạm phát tăng phi mã ở nhiều nước từ Châu Âu đến Châu Á.

Nhiều chuyên gia từng dự đoán đà lạm phát sẽ suy giảm khi nền kinh tế nhiều nước mở cửa hồi phục hậu dịch Covid-19, nhưng xung đột Ukraine đã khiến giá năng lượng và thực phẩm tăng cao khiến tình hình tồi tệ hơn.

Số liệu của Ngân hàng thanh toán quốc tế (BIS) cho thấy có đến 60% các nền kinh tế phát triển vượt 5% về mức lạm phát thường niên. Con số 60% này là tỷ lệ cao nhất kể từ thập niên 1980 và đang khiến hàng loạt ngân hàng trung ương lo lắng bởi mức lạm phát tiêu chuẩn chỉ vào khoảng 2%.

Lạm phát gia tăng trên toàn cầu: Từ châu Á tới châu Âu, Mỹ đều chứng kiến khủng hoảng tồi tệ  - Ảnh 1.

Lạm phát lan rộng toàn cầu

Trong khi đó, hơn một nửa số nền kinh tế mới nổi có tỷ lệ lạm phát vượt 7%. Hiện vẫn chỉ có Trung Quốc và Nhật Bản là ngoại lệ.

"Chúng ta đang phải đối mặt với thời kỳ lạm phát phi mã mới. Những yếu tố khiến giá các mặt hàng tăng cao vẫn còn và sẽ khiến lạm phát tiếp tục trong thời gian tới", chuyên gia Augustin Carstens của BIS nhận định.

Cầu được ước thấy?

Điều trớ trêu là sau hơn 1 thập kỷ cố gắng hạ lãi suất để thúc đẩy lạm phát đạt mức mục tiêu 2% tại Mỹ và Châu Âu, giờ đây họ đã toại nguyện nhưng có lẽ đà tăng giá các mặt hàng lại đang vượt sự kiểm soát. Việc các mặt hàng thiết yếu như năng lượng và lương thực đắt đỏ hơn khiến người lao động đòi hỏi tăng lương, qua đó đẩy chi phí đi lên cũng như làm xói mòn nhu cầu mua sắm, qua đó khiến nền kinh tế rơi vào khủng hoảng mới hậu đại dịch.

Tại Mỹ, lạm phát đã đạt 8,5% trong tháng 3/2022, mức cao nhất 40 năm qua khiến chính phủ phải mở kho dự trữ chiến lược xăng dầu cũng như nâng lãi suất để kiềm chế đà tăng giá.

Tại Anh, lạm phát đã tăng lên mức kỷ lục 30 năm qua. Giá cả tại xứ sở sương mù đã tăng 6,2% trong tháng 2/2022 so với cùng kỳ năm trước và tiếp tục phá kỷ lục 7% trong tháng 3/2022. Kể từ tháng 12/2021, Ngân hàng trung ương Anh (BoE) đã nâng lãi suất 3 lần, đạt mức như thời trước dịch Covid-19 diễn ra nhằm kiềm chế lạm phát nhưng tình hình chẳng khả quan hơn.

Tồi tệ hơn, Goldman Sachs và Deutsche Bank dự đoán nhiều khả năng lạm phát sẽ vượt con số 9% trong tháng 4 tại Anh anh do đà tăng giá quá mạnh của năng lượng và lương thực. Phía BoE thậm chí cảnh báo tỷ lệ này có thể đạt 10% vào cuối năm nay.

Giá xăng và dầu diesel tại Anh hiện đã lên đến 160,2 penny và 170,5 penny/lít, tương đương mức tăng 30% so với cùng kỳ năm trước và là mức cao nhất kể từ năm 1989.

Tại khu vực các nước sử dụng đồng Euro (Eurozone), lạm phát đã đạt 7,5% trong tháng 3/2022, cao hơn mức 5,9% của tháng trước đó. Nguyên nhân chính là xung đột ở Ukraine khiến giá năng lượng tăng vọt, đi kèm với đó là đà lạm phát của lương thực.

Lạm phát gia tăng trên toàn cầu: Từ châu Á tới châu Âu, Mỹ đều chứng kiến khủng hoảng tồi tệ  - Ảnh 2.

Lạm phát tại Anh cao nhất 30 năm

Tình hình nghiêm trọng đến mức Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) phải lên kế hoạch dừng chương trình mua lại trái phiếu, qua đó dọn đường cho động thái nâng lãi suất. Báo cáo cuộc họp mới đây nhất của ECB cũng ghi rõ lần lạm phát này sẽ lan rộng và kéo dài hơn nhiều so với những lần trước.

Thậm chí tại Nhật Bản, quốc gia từng phải vất vả chiến đấu với lạm phát âm cùng rủi ro giảm phát trong nhiều thập niên thì nay cũng đã có dấu hiệu tăng giá. Khảo sát của chính phủ Nhật trong tháng 3/2022 cho thấy mức lạm phát có thể đạt 2,7% trong năm nay, cao nhất kể từ năm 2014.

Tăng giá hàng loạt

Theo hãng tin CNN, hàng loạt ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ buộc phải nâng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát, kéo theo đó là những hệ lụy đi kèm như lãi suất vay vốn đi lên, giá đồng tiền biến động... Điều này sẽ khiến nhiều thị trường từ bất động sản đến tài chính chịu ảnh hưởng nặng.

Cụ thể, Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã phải tăng lãi suất lên 0,5% trong tháng 3/2022. Trong khi đó BoE của Anh được cho là sẽ nâng lãi suất lên 1% trong tháng 5 và lên 2,25% vào cuối năm 2022 bất chấp việc họ đã điều chỉnh tăng lãi suất 3 lần từ cuối năm 2021 đến nay.

Tại Canada, ngân hàng trung ương nước này (BoC) đã tăng lãi suất thêm 50 điểm phần trăm lên 1%, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2000. Tuy nhiên ngay cả khi đã hành động, phía BoC vẫn khá bi quan khi nhận định lãi suất cần thời gian để tác động đến nền kinh tế và hạ nhiệt lạm phát.

Lạm phát gia tăng trên toàn cầu: Từ châu Á tới châu Âu, Mỹ đều chứng kiến khủng hoảng tồi tệ  - Ảnh 3.

Lạm phát tại Singapore

Theo ước tính của BoC, lạm phát của Canada sẽ vượt 6% trong nửa đầu năm 2022 và sẽ còn kéo dài đến cuối năm, qua đó tác động mạnh đến thị trường bất động sản cũng như tín dụng.

Về phía Châu Á, chính phủ Singapore đã bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ từ tháng 10/2021 và nâng lãi suất một đợt nữa vào tháng 1/2022. Mới đây, Singapore tiếp tục tuyên bố sẽ điều chỉnh chính sách đồng thời tiếp tục tăng lãi suất cùng lúc, điều chưa từng xảy ra từ năm 2010.

Những động thái của Singapore được cho là hiển nhiên khi hàng loạt các nước Châu Á như Hàn Quốc đã phải thắt chặt chính sách tiền tệ vì lạm phát.

Tuyên bố của Singapore vẫn còn nhẹ nhàng bởi tại New Zealand, nước này đã tăng lãi suất lên 1,5%, mức tăng cao nhất 22 năm qua. Các chuyên gia kinh tế ước tính lạm phát tại New Zealand có thể đạt 7% trong nửa đầu năm 2022. Lần cuối cùng chỉ số lạm phát được chính phủ New Zealand công bố là vào tháng 12/2021 với 5,9%, cao hơn nhiều so với 1,4% cùng kỳ năm 2020.

*Nguồn: NYT, CNN, Bloomberg

Huyền Băng

Cùng chuyên mục
XEM