“Làm hiệu quả - Về nhà sớm”: Văn hóa làm việc tôn trọng tuyệt đối đời sống riêng của nhân viên đã giúp Slack trở thành kỳ lân tỷ đô

14/06/2019 14:36 PM | Kinh doanh

Văn phòng Slack không có phòng gym, khu vui chơi hay bữa tối miễn phí. Theo CEO Stewart, văn phòng là nơi để làm việc và gần như không còn một bóng người sau 6 giờ 30 phút mỗi tối.

Slack – Hơn cả một tin nhắn

Trao đổi thông tin là hoạt động quan trọng bậc nhất của nền kinh tế hiện đại, và làm sao để giữ cho hoạt động này luôn hiệu quả và tiết kiệm là thách thức của hầu hết doanh nghiệp.

Nhưng từ startup này đến tập đoàn khác, hàng loạt tổ chức vẫn đi vào "vết xe đổ" họp hành liên miên và email dài dằng dặc, hai hoạt động "giết chết" năng suất làm việc - theo nhiều cuộc khảo sát nhân viên.

Chính vì thế, vô số tập đoàn công nghệ lớn, từ Microsoft đến Yahoo rồi Facebook đều mong muốn phát triển một công cụ giao tiếp hiệu quả và vui vẻ hơn. Nhưng, tính đến thời điểm hiện tại, Slack là thương hiệu duy nhất làm tốt đến nỗi khách hàng luôn chủ động giới thiệu sản phẩm cho người thân.

“Làm hiệu quả - Về nhà sớm”: Văn hóa làm việc tôn trọng tuyệt đối đời sống riêng của nhân viên đã giúp Slack trở thành kỳ lân tỷ đô  - Ảnh 1.

Chính vì thế, Slack hoàn toàn không sở hữu bất kỳ nhân viên Sales nào trong một khoảng thời gian dài. Có đến 97% khách hàng mới của Slack biết đến ứng dụng này thông qua người quen, từ đồng nghiệp hiện tại hoặc tiếp tục sử dụng từ công ty cũ.

Slack nhanh chóng trở thành một công cụ trao đổi miễn phí và hiệu quả trong các phòng ban, buộc chủ doanh nghiệp phải nhanh chóng mua bản quyền sử dụng để tránh nhiều khó khăn trong công tác quản lý sau này.

"Chúng tôi nhận ra rằng nó tốt hơn nhiều so với những công cụ hiện tại", CEO Modest, một trong những khách hàng đầu tiên của Slack cho hay. Modest thậm chí không còn sử dụng email vì Slack đã trở nên quá hiệu quả.

Nhưng kết quả đó không đơn thuần đến từ may mắn, ngay từ những ngày đầu thành lập, Butterfield và đội ngũ kỹ sư đã quyết tâm biến Slack thành một công cụ không những hiệu quả mà còn vui tính, sâu sắc và nhân văn.

“Làm hiệu quả - Về nhà sớm”: Văn hóa làm việc tôn trọng tuyệt đối đời sống riêng của nhân viên đã giúp Slack trở thành kỳ lân tỷ đô  - Ảnh 2.

Màn hình chờ với câu chào thú vị của Slack

Ngay khi mở ứng dụng, người dùng sẽ ngay lập tức được chào đón bằng những câu thú vị như: "Thật là một ngày tuyệt vời", "Bạn trông rất tuyệt", "Ngày hôm nay đẹp hơn là nhờ có bạn" …

Người dùng còn có thể chủ động biến Slackbot trở nên "linh hoạt" hơn, như tại Modest, nhân viên luôn được ứng dụng này nhắc nhở mỗi khi có khách vào hoặc đến giờ họp.


Làm việc để… về nhà

Không chỉ "cách mạng hóa" hoạt động trao đổi thông tin khắp thế giới, Slack còn gây được tiếng vang lớn trong việc xây dựng văn hóa "Làm chăm chỉ để về nhà".

“Làm hiệu quả - Về nhà sớm”: Văn hóa làm việc tôn trọng tuyệt đối đời sống riêng của nhân viên đã giúp Slack trở thành kỳ lân tỷ đô  - Ảnh 3.

Theo tạp chí Inc, đây là một trong những yếu tố quyết định để Slack được vinh danh "Công ty tốt nhất thế giới" trong năm 2015.

Hơn ai hết, CEO Stewart Butterfield của Slack luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của "làm việc chăm chỉ", nhưng "chăm chỉ" ở đây không đồng nghĩa với làm việc đến nửa đêm, vì CEO Stewart biết rõ mỗi nhân viên chỉ có thể làm việc với năng suất cao từ 6 đến 8 tiếng mỗi ngày.

Bất kể ngày nào trong năm, văn phòng chính của Slack gần như không còn một bóng người sau 6 giờ 30 phút mỗi buổi chiều, vì ai ai cũng nằm lòng phương châm "Làm việc chăm chỉ - Về nhà đúng giờ".

Chính CEO Stewart cũng từng là một trong những nhân vật "làm ngày làm đêm", dành ít nhất 60 giờ mỗi tuần cho công việc và không bao giờ cho phép mình được "ngắt kết nối" với các hệ thống của công ty.

Nhưng bản thân vị CEO này đã trở thành một người cha, hơn ai hết, Stewart hiểu rõ tầm quan trọng của khả năng về nhà đúng giờ. Tạp chí Inc. nói thêm: "Ban quản trị Slack luôn cố gắng biến công ty thành một nơi làm việc phù hợp với người trưởng thành."

“Làm hiệu quả - Về nhà sớm”: Văn hóa làm việc tôn trọng tuyệt đối đời sống riêng của nhân viên đã giúp Slack trở thành kỳ lân tỷ đô  - Ảnh 4.

Một văn phòng đơn giản của Slack

Dù là một startup có tiếng, văn phòng của Slack không hề sở hữu những "tiện ích" mà nhiều doanh nghiệp khác tự hào cung cấp như phòng gym, phòng bóng bàn hay bữa tối miễn phí. Theo CEO Stewart, mục tiêu duy nhất của văn phòng là để làm việc, công ty sẽ tạo mọi điều kiện cho nhân viên có thể hoàn tất nhiệm vụ của mình nhanh nhất có thể, để sau đó tiếp tục cuộc sống ngoài văn phòng.

Đây là một trong những mặt "tiêu cực" mà nhân viên Google thường đề cập: "Tôi cảm thấy cuộc sống dần xoay quanh văn phòng, những chuỗi ngày lặp đi lặp lại không có gì khác nhau."

Chính vì thế, dù có cung cấp bao nhiêu "quyền lợi" đi chăng nữa, các tập đoàn thấu hiểu được "nhân viên vẫn có cuộc sống riêng" luôn nhận được sự tôn trọng rất lớn. Khi áp dụng chính sách "làm hiệu quả, về nhà sớm", các tập đoàn sẽ nhanh chóng thấy được năng suất làm việc tăng cao vì ai cũng muốn hoàn tất để trở về với cuộc sống của mình.


Kết quả

“Làm hiệu quả - Về nhà sớm”: Văn hóa làm việc tôn trọng tuyệt đối đời sống riêng của nhân viên đã giúp Slack trở thành kỳ lân tỷ đô  - Ảnh 5.

Tốc độ tăng trưởng đáng nể của Slack

Chỉ sau 20 tháng kể từ lúc xuất hiện trên thị trường, Slack đã có hơn 1,7 triệu lượt người dùng thường xuyên, trong đó có đến 480.000 tài khoản trả phí (từ 8 USD đến 15 USD mỗi tháng). Startup non trẻ này nhờ đó đã đem về hơn 45 triệu USD doanh thu, phá kỷ lục về số lượng người "chuyển hóa" từ ứng dụng miễn phí sang ứng dụng trả phí trên toàn thế giới.

Nhưng Slack không hề dừng lại, số khách hàng của ứng dụng này vẫn đang tăng hơn 5% mỗi tuần. Các tập đoàn lớn như Salesforce, eBay, NASA, HBO… đã nhanh chóng gia nhập đội ngũ hơn 90.000 doanh nghiệp sử dụng (và trả tiền) Slack để biến nó thành một công cụ làm việc chính thức.

Đến tháng 5 năm 2019, Slack đã gọi được thêm 160 triệu USD từ Social Capital, đẩy giá trị của toàn công ty lên hơn 2,8 tỷ USD, gia nhập đội ngũ "kỳ lân" đứng đầu thung lũng Silicon.

Kết quả trên còn ấn tượng hơn khi toàn bộ nhân viên của Slack vẫn "đi đi về về" đúng giờ, mọi người đều được đảm bảo cuộc sống riêng, hoàn toàn không hy sinh sức khỏe, mối quan hệ, hay "thanh xuân" vì công việc.

Có thể thấy, các "quyền lợi" kéo dài ngày làm việc thực chất không có lợi hoàn toàn cho nhân viên. Môi trường làm việc tốt nhất sẽ luôn khiến nhân viên cảm thấy phấn chấn khi bước vào, và luôn an tâm khi rời khỏi.

Thanh Sang

Cùng chuyên mục
XEM