Làm gì khi có ông sếp lúc nào cũng từ chối, lúc nào cũng nói KHÔNG?

08/02/2017 10:28 AM | Sống

Nghe từ "không" sau khi đề xuất một thứ gì đó chẳng khác gì nhận một cú đấm vào giữa mũi khi yêu cầu trợ giúp, thế nhưng nhiều khi đó lại là cơ hội chỉ có một trong đời.

Những người lãnh đạo thường là những người đưa ra quyết định cuối cùng về công việc của một nhân viên, họ sẽ quyết định những người nhân viên đó sẽ làm gì, ra sao và như thế nào. Thế nhưng, sẽ ra sao nếu bạn có một người lãnh đạo luôn nói "không" với tất cả những gì bạn bày tỏ? Hãy theo dõi câu chuyện dưới đây và bạn sẽ có cách giải quyết vấn đề này.

Vài năm trước, tôi có gặp gỡ CEO của một công ty bán lẻ. Ban đầu công ty này chỉ có một chi nhánh duy nhất, thế nhưng chỉ khoảng 10 năm sau nó đã trở thành chuỗi bán lẻ lớn trong quốc gia và có tới hàng trăm, nghìn chi nhánh khác nhau trải dài khắp lãnh thổ. Tò mò với sự thành công ấy, tôi hỏi vị CEO (tên Mike) về bí quyết thành công chóng vánh của ông. Ông chỉ cười và nói đúng một câu "hãy nói không!". Mike cho rằng ông thường xuyên nói không với những đề nghị như tăng nhân sự, tăng chi phí marketing, phát triển hoặc mua sắm thêm trang thiết bị.

Chẳng ai thích nghe từ "không" khi đưa ra một lời đề nghị nào cả, nó chẳng khác gì người đối diện đấm vào mặt bạn khi bạn mở lòng, đưa tâm huyết của mình cho họ. Nó cho thấy những người lãnh đạo hay quản lý không tôn trọng ý kiến cá nhân... Thế nhưng, những nhân viên làm việc với Mike sau khoảng thời gian dài bị từ chối, họ cho rằng có khi đây lại là cách để cả tập thể phát triển nhanh tới vậy.

Vì sao? Chúng ta vẫn mặc định với suy nghĩ rằng khi có càng nhiều tài nguyên hoặc tiếp cận được với nhiều tài nguyên hơn, kết quả sẽ cải thiện và tập thể sẽ gặt hái thành công. Mặc dù suy nghĩ trên đa phần đúng, thế nhưng nó khiến con người mất đi sự sáng tạo, nỗ lực bản thân mà chỉ lăm lăm tập trung vào chiếm giữ, tìm kiếm tài nguyên mới.

Thiếu thốn tài nguyên khiến chúng ta thấy rằng chúng ta không có đủ điều kiện để làm việc, để gặt hái thành công hay thậm chí là để tồn tại, nó làm trì hoãn khả năng đưa ra quyết định của con người, triệt tiêu dần những kế hoạch, tầm nhìn mà chúng ta muốn đạt đến.

Mặc dù vậy, những người dưới quyền Mike không có suy nghĩ như vậy, thứ mà họ làm rất đáng để học tập. Nếu như sếp bạn thường xuyên nói không hay từ chối bất kì đề nghị nào, hãy thử những cách dưới đây.

Kì vọng nhiều hơn

Một khi sếp từ chối lời đề nghị của bạn, thường thì bạn sẽ có 2 cảm xúc tức thì. Đầu tiên, bạn sẽ nghĩ rằng sếp chẳng hiểu cái quái gì, vấn đề mà bạn nói với sếp là có thật, nó thực tế và nó cần thiết.

Tiếp theo, bạn sẽ bắt đầu tự đưa mình vào thất bại. Xin thêm thời gian mà sếp không cho, chất lượng công việc đi xuống; xin thêm nhân lực không cho, quy mô của chiến dịch đi xuống. Và thậm chí, xin thêm tiền để chạy marketing cũng không cho, doanh số sẽ đi xuống.

Và đó, bạn đã bị quật ngã, bạn dần mất đi ý chí trong khi nhìn lại vấn đề, nó có thể tới từ suy nghĩ của chính bạn, vì không đủ tài nguyên nên công việc không thể hoàn thành. Đó chính là những gì bạn nghĩ, bạn muốn và đã thực hiện.

Giải pháp là gì? Hãy kì vọng cao nữa lên. Kì vọng ở đây không phải là kì vọng sếp đồng ý hay may mắn tới, đó là những điều không xảy ra. Hãy kì vọng vào khả năng làm việc chăm chỉ, sự sáng tạo để tối ưu hoá những gì đang có, nếu cảm thấy quá sức, hãy làm việc cùng mọi người. Nhiều cái đầu sẽ là nhiều giải pháp và chẳng có gì khó khi có nhiều người làm cùng nhau.

Câu nói "không" từ sếp chính là cơ hội để bạn thể hiện năng lực bản thân, sự sáng tạo cũng như năng suất làm việc mà ít người có được. Vì vậy, nếu sếp nói "không" mà bạn vẫn hoàn thành được với vốn có ít ỏi, bạn nên vui vì sếp sẽ rất thích bạn đấy.

Thử thứ gì mới xem sao

Bạn đã bao giờ xem những chương trình sinh tồn khi mà một người đàn ông bị thả giữa khu rừng chỉ với vài vật dụng thô sơ như dây dù và dao bấm? Anh ta chẳng phải vẫn tồn tại được đó thôi.

Chúng ta hay có suy nghĩ là ta cần nhiều thứ để làm được nhiều việc. Thế nhưng, khi đã có nhiều thứ, chúng ta không cần phải suy nghĩ làm sao để tối ưu hoá những thứ này, làm được nhiều việc hơn từ nó. Hiệu quả có thể đạt được như kì vọng, nhưng bạn không sáng tạo và không vắt kiệt được những gì mình đang có trong tay.

Và một khi những nguồn tài nguyên đó biến mất, chúng ta gặp rắc rối to, chúng ta chưa từng gặp phải tình huống này bao giờ và sẽ rên rỉ ỉ ôi cầu cứu cấp thêm tài nguyên. Nếu có, ta sẽ lại rơi vào vòng tròn cũ và nếu không, chỉ có người biết tối ưu hoá tài nguyên mới là người tồn tại.

Mỗi khi yêu cầu cấp thêm tài nguyên dù nó là gì đi nữa nhưng sếp từ chối, hãy nhìn lại xem bản thân đang có gì, hãy sáng tạo để xem những thứ mình có đáp ứng được tới đâu công việc. Giả sử sếp yêu cầu bạn đóng đinh khắp tường nhưng lại không đưa cho bạn chiếc búa, giờ thì sao? Khóc lóc ỉ ôi hay từ bỏ? Bạn có thể dùng giày để đóng đinh mà, phải không? Tất nhiên, nó sẽ không nhanh và dễ dàng như một chiếc búa, nhưng nó giúp bạn hoàn thành công việc và người ta chỉ quan tâm tới kết quả chứ không phải quá trình.

Quay lại với câu chuyện của Mike ở bên trên, Mike có một quản lý rất giỏi, anh ta tên là Ethan. Giống như những người khác, Ethan cũng bị Mike từ chối rất nhiều, từ kế hoạch bán đồ lưu niệm, cách thức quản lý kho bãi cho tới những buổi training nhân viên... đều bị đập thẳng vào mặt, KHÔNG!

Và rồi một lần, cửa hàng của Ethan nhận được một lô váy với rất nhiều lỗi, chúng ẻo lả tới mức chẳng thể nào treo được lên móc chứ đừng nói là được khách hàng mua. Ethan hỏi Mike rằng liệu anh ta có được trả lại và đổi số hàng này không. Tất nhiên, như thường lệ "KHÔNG!".

Và rồi, một người đàn ông không biết gì về thời trang hay may vá bắt đầu làm việc với những gì mình có. Ethan lấy một chiếc váy và bắt đầu tháo rời nó ra, chợt anh ta nhận ra rằng đây chẳng phải là một chiếc váy hoàn chỉnh, thế nhưng nó lại là sự kết nối của nhiều tấm vài rất đẹp. Rất nhanh chóng, Ethan lấy kéo ra và cắt chiếc váy thành nhiều tấm vải lớn, cuộn chúng tại, buộc nơ và để lên kệ với tựa "khăn quấn đi biển".

Chiếc váy kinh khủng kia đột nhiên trở thành món hàng được ưa chuộng, mặc dù nó không còn là chiếc váy ban đầu nhưng với sự sáng tạo, Ethan đang mang về nhiều hơn những gì anh ta được cung cấp. Tất cả các cửa hàng khác học tập theo và họ đã có một mùa thành công rực rỡ.

Đừng nghĩ nữa, làm gì đi

Sau khi bị từ chối, chúng ta thường có xu hướng buồn bã và tiêu tốn thời gian cho suy nghĩ. Mỗi phút bạn bỏ ra để lo lắng, suy nghĩ lại là một phút lãng phí mà bạn không làm được gì.

Thay vào đó, đừng nghĩ ngợi nữa, hãy xem mình đang có những gì trong tay, hãy lần mò từng thứ một, mỗi thứ bạn tìm ra sẽ là một dấu chấm, nhiều thứ sẽ có nhiều dấu chấm. Việc của bạn là kết nối các dấu chấm này để từ những gì đã có tới được đích.

Một khi bạn thôi suy nghĩ và bắt đầu làm việc, mọi thứ sẽ thay đổi hoàn toàn. Bạn sẽ có động lực hơn, sự ủng hộ từ mọi người cũng như rất, rất nhiều ý tưởng mới. Có thể bạn không hoàn thành được chỉ tiêu mà sếp đề ra, nhưng bạn sẽ tích luỹ được rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm mới mà ngày thường bạn không thể có nổi.

Đừng vì một câu nói không của sếp mà làm bạn chùn bước trên quá trình chinh phục thành công. Hãy sáng tạo lên và coi câu nói không kia như một cơ hội để thể hiện mình, thử thách mình và làm được nhiều hơn từ những thứ ít ỏi đang có.

Van Vu

Cùng chuyên mục
XEM