“Làm doanh nhân khổ lắm, người ngoài chỉ nhìn thấy hào quang chứ nào ai biết chúng tôi phải lội qua bao nhiêu vũng bùn…”

31/07/2017 10:15 AM | Kinh doanh

Trở thành doanh nhân, làm chủ công ty của chính mình, là CEO của hàng trăm nhân viên bên dưới… không bao giờ là một điều dễ dàng, đặc biệt là ở năm đầu tiên.

Năm đầu tiên bạn phải cố gắng đưa mọi thứ đi vào quy củ. Năm đầu tiên bạn phải học một ngoại ngữ mới. Năm đầu tiên bạn phải học một kỹ năng mới.

Với chúng tôi, năm đầu tiên vận hành một công ty còn khó khăn hơn gấp bội lần. Mặc dù đây không phải là lần đầu tiên tôi thành lập một công ty, nhưng tôi luôn biết rằng mọi thứ không bao giờ là dễ dàng.

Bạn sẽ phải hi sinh thời gian ở bên những người yêu thương để có mặt ở công ty mọi lúc mọi nơi. Bạn cũng sẽ phải đối mặt với những nghi ngờ nội bộ từ 3 giờ sáng và quen với cảnh trở thành “cú đêm” để làm những thứ mà bạn nghĩ rằng “có thể góp phần thay đổi thế giới”.

Bên ngoài nhìn vào sẽ chỉ thấy hào nhoáng, bạn luôn xuất hiện trong bộ comple đắt tiền và sức nước hoa thơm phức. Nhưng nào ai biết bao nhiêu khó khăn có thể đập vào mặt bất cứ lúc nào và đôi chân không biết phải lội qua bao nhiêu vũng bùn lầy.

Thế nhưng, sau tất cả, phần thưởng của thành công cũng là vô giá. Mỗi ngày chúng tôi nhận được hàng trăm phản hồi của khách hàng từ khắp nơi trên thế giới bày tỏ sự yêu thích khi sử dụng sản phẩm của chúng tôi. Với chúng tôi, đó chính là hạnh phúc.

Dưới đây là 4 bài học lớn tôi đã rút ra trên con đường trở thành doanh nhân và tôi nghĩ rằng nó sẽ có ích với tất cả mọi người.

1. Hãy bỏ qua những điều nhỏ nhặt

Một số thứ có thể sai khi bạn mới bắt đầu. Tôi xin nhấn mạnh rằng, thậm chí tất cả mọi thứ có thể sai ở thời điểm bắt đầu. Nhưng chỉ cần bạn vẫn đứng vững bằng hai chân của mình, mặt trời sẽ chiếu sáng mỗi ngày và bạn sẽ tìm ra cách để sửa chữa những cái sai đó.

Trong một thế giới mà công việc của bạn có thể bị đánh cắp bất cứ lúc nào, chúng ta cần học cách bỏ qua những điều nhỏ nhặt để tập trung vào những thứ lớn hơn.

2. Đừng trở thành kẻ tầm thường

Trong quá trình trưởng thành, bất cứ ai trong chúng ta cũng từng mong muốn trở thành đứa trẻ bình thường như bạn bè. Các cậu bé, cô bé bắt đầu kết bạn và muốn được tất cả mọi người yêu mến. Tuy nhiên, trong kinh doanh, bạn phải làm điều ngược lại.

Khi mới bắt đầu, chúng tôi phải xác định vị trí mà mình muốn đạt được trên thị trường. Từ góc độ giá cả, chúng tôi biết rằng thị trường đang cung cấp những sản phẩm học ngoại ngữ tương tự với giá vô cùng đắt đỏ. Các lựa chọn khác với giá rẻ hơn thì không mang lại chất lượng tương xứng cuối cùng.

Chúng tôi muốn trở thành một thương hiệu chất lượng cao, mà không đòi hỏi chi phí quá lớn. Bằng việc đưa ra quyết định này, chúng tôi đã lựa chọn cô lập mình khỏi các đối thủ đang cung cấp sản phẩm miễn phí hoặc những sản phẩm có giá rẻ hơn. Chúng tôi chấp nhận cạnh tranh để khẳng định bản thân là ai.

3. Không ai quan tâm bạn đang bán gì đâu

Tôi cần phải nhắc lại điều này một lần nữa: Không ai quan tâm bạn đang bán gì đâu, ngoài trừ cha mẹ bạn. Cái mà mọi người trên thế giới quan tâm là vấn đề họ đang gặp phải và làm thế nào để bạn có thể giúp họ giải quyết vấn đề đó.

Ngay từ đầu chúng tôi đã mắc sai lầm khi chỉ tập trung chia sẻ những thứ chúng tôi có thể mang đến cho khách hàng, nhưng không ai lắng nghe cả. Sau đó, chúng tôi bắt đầu chia sẻ lý do tại sao mình xây dựng công ty, khởi đầu của hành trình, mục đích và những giải pháp chúng tôi có thể đưa ra cho khách hàng… Thậm chí, ngày nay chúng tôi cũng hiếm khi nói về những thứ mình đang bán. Chúng tôi nói về lý do vì sao mình bán sản phẩm đó.

4. Sự phức tạp là kẻ thù trong kinh doanh

Trong cuộc sống cũng như kinh doanh, hầu hết mọi thứ đều bị làm phức tạp hơn nó vốn có. Sự phức tạp có từng tầng mà chính con người đang tự thêm vào trong khi bản chất tự nhiên của nó rất đơn giản. Chúng ta cho rằng vấn đề phức tạp cần đến giải pháp phức tạp.

Tuy nhiên, quan niệm này hoàn toàn sai lầm. Nếu bạn buộc bản thân phải quay lại và nhìn vào bức tranh lớn hơn, bạn sẽ nhìn thấy giải pháp tốt nhất thường là giải pháp đơn giản nhất.

*** Bài viết được dịch lại từ chia sẻ của Sean Kim, nhà sáng lập kiêm CEO của Rype – một trong những ứng dụng học ngoại ngữ trực tuyến hàng đầu thế giới có trụ sở đặt tại Toronto, Canada. Kim cũng là host của chương trình “The Sean Kim Show”, nơi anh phỏng vấn nhiều nhân vật nổi tiếng từ các tác giả sách bán chạy của New York Times đến các doanh nhân như Robert Greene, Gretchen Rubin, Suzy Welch…

Khánh Ly

Cùng chuyên mục
XEM