"Lãi suất sẽ không tăng mạnh trong năm nay, thậm chí cả trong năm sau"

29/03/2017 05:52 AM | Kinh tế vĩ mô

TS. Nguyễn Đức Độ cho rằng, NHNN sẽ bằng mọi giá giữ cho lãi suất ít nhất là không tăng trên diện rộng. Nhưng làm thế nào vẫn là câu chuyện tương đối dài nhưng nhiệm vụ sẽ là giữ cho lãi suất không tăng.

Những ngày gần đây, làn sóng nâng lãi suất tiền gửi của một số ngân hàng thông qua sản phẩm chứng chỉ tiền gửi với mức siêu lãi suất lên đến trên dưới 9%/năm đã làm tăng kỳ vọng về lãi suất huy động. Liệu động thái này có lan tỏa ra hệ thống, giống như cuộc đua lãi suất những năm trước hay không?

Chia sẻ tại buổi giao lưu trực tuyến “Đường đi của lãi suất năm 2017” do báo Tri Thức trẻ phối hợp cùng CafeF tổ chức, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính cho rằng nếu như nguyên nhân chính khiến các ngân hàng tăng lãi suất vừa qua là do tình trạng mất cân đối về kỳ hạn giữa tiền gửi và tiền cho vay, thì tình hình có lẽ chưa quá nghiêm trọng vì khi các ngân hàng đáp ứng được yêu cầu về tỷ lệ vốn ngắn hạn được phép cho vay dài hạn, họ sẽ ngừng tăng lãi suất.

Tuy nhiên, nếu nguyên nhân dẫn đến tăng lãi suất là do thiếu tiền tiết kiệm về tổng thể trong nền kinh tế, thì mọi thứ lại khác. Huy động vốn trong năm 2016 đã tăng quá nhanh, đạt đến 18,38% và cao hơn nhiều mức 13,59% của năm 2015. Nếu so với tốc độ tăng thu nhập của cả nền kinh tế, được đo bằng mức tăng trưởng GDP danh nghĩa là 7,3% trong năm 2016, có thể thấy rằng trong năm 2016 người gửi tiền tiết kiệm đã phần nào ứng trước tiền gửi của năm 2017 và vì vậy huy động vốn trong năm 2017 khả năng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn so với năm 2016.

Nhưng mặt khác, nền kinh tế hiện nay không được mạnh khi tốc độ tăng sản lượng công nghiệp trong 2 tháng đầu năm chỉ ở mức 2,4%, mức thấp trong lịch sử. Vì vậy, nhu cầu về vốn trong năm nay khả năng sẽ không cao.

Năm nay, Chính phủ dự định chỉ bội chi ngân sách 178,3 nghìn tỷ, thấp hơn mức 254 nghìn tỷ năm 2016. Hơn nữa, các khoản vay đảo nợ cũng bắt đầu giảm khi kỳ hạn vay dài hơn. Đây là những yếu tố có tác động giảm sức ép lên lãi suất.

Theo chuyên gia, dù có hay không có thêm sức ép, thì lãi suất tại Việt Nam hiện nay đã ở mức cao và tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Lãi suất thực của Việt Nam tương đối cao, tính toán của WB cho lãi vay thực năm 2015 cỡ 7,3%, năm 1996 là năm cao nhất trong 10 năm trở lại là 10,49%, năm 1997 trước suy thoái là 7,3%... lãi suất này tác đọng tiêu cực với kinh tế.

Theo đó, TS. Độ cho rằng, NHNN sẽ bằng mọi giá giữ cho lãi suất ít nhất là không tăng trên diện rộng. Làm thế nào vẫn là câu chuyện tương đối dài nhưng nhiệm vụ sẽ là giữ cho lãi suất không tăng.

"Cá nhân tôi có niềm tin rằng lãi suất sẽ không tăng mạnh trong năm nay, thậm chí cả trong năm sau, vì nếu nó tăng sẽ gây nên rất nhiều hệ luỵ tiêu cực cho nền kinh tế và Chính phủ sẽ không để điều này xảy ra. Vì vậy, việc gửi tiền kỳ hạn ngắn và đợi đáo hạn với lãi suất cao hơn chưa chắc đã phải là ý hay", ông Độ nêu quan điểm.

Theo Mai Ngọc - Đức Minh

Cùng chuyên mục
XEM