Lãi suất liên tục tăng, giữa tháng 10 gửi tiền kỳ hạn 6 tháng và dưới 6 tháng ở đâu lãi cao nhất?

12/10/2022 08:54 AM | Kinh doanh

Có 20 ngân hàng đang thu hút tiền gửi kỳ hạn ngắn với mức lãi suất cao kịch trần.

Theo khảo sát mới nhất của chúng tôi tại 35 ngân hàng (gồm ngân hàng trong nước và ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam), tại thời điểm ngày 11/10/2022, lãi suất huy động tiền gửi kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng dao động trong khoảng 3,9-5%/năm. Đối với mức lãi suất 5%, có 20 nhà băng đã áp dụng  trên kênh tiền gửi online, trong đó có 14 ngân hàng đồng thời niêm yết mức lãi suất trên khi huy động tại quầy.

Các ngân hàng cùng lúc áp dụng mức lãi suất 5% trên kênh trực tuyến đối với tiền gửi kỳ hạn 3 tháng có thể kể đến như VIB, TPBank, HDBank, SCB, BacABank, DongABank, HDBank, KienlongBank, VietCapitalBank… 6 nhà băng chỉ mới niêm yết mức lãi suất trên đối với kênh online có VietABank, BaoVietBank, Techcombank, GPBank, Sacombank, VPBank.

Một số ngân hàng có những yêu cầu đặc biệt để khách hàng có thể hưởng mức lãi suất tối đa. Như Techcombank dành mức lãi suất 5% cho các chủ tài khoản tiết kiệm lộc phát. VPBank thì dành mức lãi suất 5%/năm cho khách hàng gửi hơn 50 tỷ kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng.

Đối với kỳ hạn 6 tháng, mức lãi suất đang dao động trong khoảng 4,7-7,8%/năm. Có 10 ngân hàng trong đợt khảo sát áp dụng mức lãi suất trên 7%. Đa phần lãi suất cao chủ yếu tập trung ở kênh online.

6 ngân hàng có lãi suất kỳ hạn 6 tháng cao nhất lần lượt là KienlongBank (7,8%), Techcombank (7,7%), BacABank (7,6%), VPBank (7,4%), LienVietPostBank (7,4%), NamABank (7,4%).

Trong đó, chỉ có VPBank và LienVietPostBank có một số điều kiện để khách hàng có thể hưởng mức lãi suất cao nhất, như lượng tiền gửi tối thiểu, kênh gửi tiền trực tuyến, khách hàng có thứ hạng cao,...

Trong báo cáo mới đây, SSI Research đánh giá, "Tính đến hiện tại, tín dụng đã tăng 10,96% so với cuối năm ngoài và sẽ có khoảng 317 nghìn tỷ đồng sẽ được phân bổ trong giai đoạn còn lại của năm. Áp lực lên mặt bằng lãi suất huy động và cho vay còn khá cao trong giai đoạn còn lại của năm, khi chênh lệch huy động vốn – tín dụng ở mức hơn -200 nghìn tỷ đồng".

Theo chuyên gia Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia thì rất khó để hạ nhiệt thanh khoản hệ thống khi mà tăng trưởng tín dụng năm nay đã tăng gần 11% khi mà huy động vốn mới chỉ tăng khoảng 5%.

Còn ở góc nhìn của PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, việc lãi suất tăng một phần còn do tính mùa vụ. Cụ thể, doanh nghiệp thường sẽ tăng tốc để hoàn thành các chỉ tiêu vào cuối năm. Nhu cầu mua sắm nguyên vật liệu chuẩn bị cho sản xuất kinh doanh cũng cao hơn, kéo theo nhu cầu vay vốn cũng tăng lên. Thời gian qua các ngân hàng đã liên tục tăng tốc và sẵn sàng trả những mức giá cao hơn trong cuộc đua hút tiền gửi nhằm chuẩn bị cho khoảng thời gian này. Sắp tới lãi suất huy động và tiết kiệm vẫn còn có thể tiếp tục gia tăng.

Đối với TS.Phạm Thế Anh, tỷ giá đang là yếu tố gây sức ép nhiều nhất lên lãi suất. Theo đó, từ giờ đến cuối năm, nếu FED tiếp tục tăng lãi suất và kiên định với mục tiêu chống lạm phát, đồng thời "bão giá" trong nước có xu hướng leo thang, việc tăng lãi suất là khó có thể tránh khỏi.

Giới phân tích nhìn chung đang dự báo lãi suất huy động có thể tăng 1-1,5% trong 6 tháng đến 1 năm tới.

Theo Văn Tuệ

Cùng chuyên mục
XEM