Là một nước nhanh nhạy về CNTT, Việt Nam hoàn toàn có thể tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0

22/05/2017 09:52 AM | Kinh doanh

TS Cấn Văn Lực cho biết Việt Nam có khả năng tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0 tuy nhiên cần chiến lược cụ thể và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) là khái niệm được nhắc đến khá nhiều tại Việt Nam. Trong khi nhiều người còn nghi ngờ về mức độ hội nhập của Việt Nam trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì Tiến sĩ TS Cấn Văn Lực, Cố vấn cao cấp ngân hàng BIDV lại bày tỏ thái độ khá lạc quan.

Phát biểu tại hội thảo Quản Trị - CMCN 4.0 của của Viện Quản trị Kinh doanh FSB tổ chức hôm 20/5, ông Lực nhận định: “Không có lý do gì Việt Nam là nước nhanh nhạy trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) lại không thể tiếp cận khái niệm này”.

Ông lấy ví dụ tại tại hội thảo APEC mà ông tham gia cách đây 10 ngày, các nước đều nhận xét tốc độ wifi ở Việt Nam là nhanh và tốt nhất trong 21 nước tham gia tại buổi họp.

Hiện nay, 53% dân số Việt Nam đã tiếp cận với Internet, cao hơn mức trung bình của thế giới là 48%. Tại Việt Nam, số lượng người sử dụng Internet tăng bình quân 16% một năm.


Nguồn: Wearesocial.com

Nguồn: Wearesocial.com

Riêng trong ngành tài chính ngân hàng, 46-47% khách hàng đã tiếp cận với dịch vụ "digital banking" – ngân hàng số thông qua máy tính, điện thoại, Facebook...

“Có thể nói Việt Nam đã tiếp cận sớm với 4.0 và cuộc cách mạng này đã đi vào cuộc sống”, ông Lực kết luận.

Theo ông, lợi thế của Việt Nam trong cuộc cách mạng lần này là dân số trẻ, nhanh nhạy, dễ thích ứng với những điểm mới của công nghệ. Tuy nhiên, Việt Nam đang thiếu tầm nhìn và thiếu tính chuyên nghiệp, năng suất lao động thấp do hạn chế về kiến thức trình độ kỹ năng, CNTT ứng dụng chưa mạnh, quy trình phức tạp, phối kết hợp chưa tốt.

Để không bỏ lỡ CMCN 4.0, ông Lực khuyên các doanh nghiệp Việt Nam nên xây dựng một chiến lược kinh doanh cụ thể trên nền tảng công nghệ số, gia tăng hàm lượng công nghệ trong sản xuất và tích cực nâng cao trình độ của đội ngũ nhân viên.

“Hãy luôn cập nhật những thông tin mới nhất, tìm hiểu sâu, đánh giá tác động của nó (CMCN 4.0) đối với lĩnh vực hoạt động và doanh nghiệp, từ đó đưa ra chiến lược phát triển phù hợp cho công ty mình”, ông Lực chia sẻ.


Chủ tịch HDQT FPT Trương Gia Bình

Chủ tịch HDQT FPT Trương Gia Bình

Cũng tại buổi hội thảo, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT cho biết dù cách mạng 4.0 có thể làm cho nhiều nghề biến mất, nhiều người được dự báo thất nghiệp nhưng đây vẫn là cuộc cách mạng tất yếu mà con người chỉ có thể chọn cách tham gia hoặc bị loại khỏi “cuộc chơi”.

“Lợi thế nhất cho doanh nghiệp Việt Nam là cả thế giới đều bước vào cuộc cách mạng 4.0 ở cùng một vạch xuất phát. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam nhanh chân, đầu tư cho việc nghiên cứu, phát triển sản phẩm theo hướng 4.0 thì rất có thể, sau cuộc cách mạng, vị thế của nước Việt Nam, của doanh nghiệp Việt trên thị trường quốc tế sẽ hoàn toàn khác”, ông Bình kết luận.

Hồng Lam

Cùng chuyên mục
XEM