Kỹ nghệ “buôn tiền”

08/08/2016 08:53 AM | Kinh tế vĩ mô

Gửi tiền vào ngân hàng rồi cầm cố sổ tiết kiệm để vay ra, rồi lại lấy tiền đó cho vay để hưởng lãi suất chênh lệch, các món tiền của những ông bà chủ ở Tân Hiệp Phát nhanh chóng "đẻ" cho họ nhiều tiền hơn.

Vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm làm thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng ở Ngân hàng Xây dựng đã qua 3 tuần xét xử với nhiều nội dung mà cáo trạng công bố cũng như lời khai của các bị cáo khiến người nghe, người theo dõi phiên tòa hết sức bất ngờ. Một trong những vấn đề thu hút được sự quan tâm của dư luận đó là các dòng tiền vào ra ngân hàng của nhóm nhà giàu Trần Ngọc Bích.

Theo cáo trạng, Trần Ngọc Bích và người nhà, đồng nghiệp, đối tác tại Tân Hiệp Phát (gọi chung là nhóm Trần Ngọc Bích) được giới thiệu gửi tiền ở Ngân hàng Đại Tín (TrustBank). Các khoản tiền gửi vào ngân hàng rất nhiều, mỗi lần vài chục đến vài trăm tỷ, có thời điểm giao dịch tới gần 6.000 tỷ đồng, hiện vẫn còn 124 sổ tiết kiệm tổng cộng 5.881 tỷ đồng ở ngân hàng chưa tất toán.

Đáng lưu ý, theo quy định chỉ doanh nghiệp gửi tiền mới có hợp đồng tiền gửi, còn cá nhân chỉ được nhận sổ tiết kiệm, lãi suất gửi của doanh nghiệp sẽ thấp hơn so với lãi suất của cá nhân gửi vào ngân hàng. Thế nhưng, nhóm Trần Ngọc Bích gửi tiền ở Ngân hàng Xây dựng vừa có hợp đồng tiền gửi, lại vừa được hưởng lãi suất cao hơn.

Cụ thể, lãi suất mà nhóm này được nhận thời điểm 2012-2014 khoảng 10 – 11%. Tuy nhiên lãi suất thực nhận được cộng thêm 2-4%, tức lên đến 13-15%/năm, vượt xa mức trần NHNN quy định. Phần lãi ngoài thường do cá nhân ông Danh và Tập đoàn Thiên Thanh chi trả, mà theo lời khai của Phạm Công Danh thì con số lên đến 2.500 tỷ đồng.

Nhưng không chỉ có gửi tiền, nhóm Trần Ngọc Bích còn dùng các sổ tiết kiệm ấy để cầm cố vay ra với lãi suất cao hơn lãi gửi vào chỉ 0,5%. Đây là mức chênh lệch thấp chưa từng có mà hầu như không ngân hàng nào chấp nhận vì còn liên quan nhiều thủ tục. Chính những người trong cuộc còn thừa nhận với mức chênh lệch này thì ngân hàng cho vay bị lỗ, nhưng họ vẫn làm.

Vay được tiền, nhóm Trần Ngọc Bích lại dùng chính số tiền ấy để cho ông chủ tịch ngân hàng vay lại. Dù rằng nhóm này phủ định mối quan hệ tín dụng với Phạm Công Danh, nhưng ông Danh lại nói rằng không thể nói không quen biết, không cho vay khi mà người cho vay là bà Bích và ông Trần Quí Thanh lại giữ các tài sản của ông Danh và người nhà ông, cũng như có rất nhiều hình ảnh, video ghi lại cuộc gặp của hai bên.

Vì để vay tiền của nhóm Trần Ngọc Bích và được nhóm này gửi tiền ở ngân hàng, Phạm Công Danh sẵn sàng chi trả cho 5 khoản lãi cho nhóm Bích, trong đó bao gồm tiền chăm sóc cho các sổ tiết kiệm; tiền lãi vay từ các sổ này và tiền lãi vay giữa Danh và nhóm Bích từ 1,75-3% tùy từng giai đoạn.

Như vậy, với một khoản tiền gửi vào ngân hàng, nhóm Trần Ngọc Bích không chỉ nhận được phần tiền lãi cao hơn mặt bằng chung mà còn được nhận thêm cả phần chênh lệch khi cho vay lại đối với Phạm Công Danh. Tính sơ qua, món tiền lẽ ra chỉ được hưởng lãi 10-11%, thì có thể được hưởng lãi lên đến 14,75-18%/năm.

Chưa hết, khi nhóm Trần Ngọc Bích, ông Quí Thanh muốn tất toán sổ tiết kiệm nhưng chưa đến hạn tất toán, đúng ra họ chỉ được hưởng lãi không kỳ hạn, Phạm Công Danh lại phải đứng ra bù cho phần lãi suất đó. Như vậy, dù ở bất kỳ trường hợp nào, thì những người giàu của nhóm bà Bích vẫn yên tâm hưởng lợi.

Nhiều người cho rằng, việc các ông bà chủ ở Tân Hiệp Phát đi gửi tiền ngân hàng rồi cho vay lại như vậy chẳng khác nào “buôn” tiền, tuy nhiên việc làm ấy lại không vi phạm quy định nào của ngân hàng. Chẳng thế mà việc gửi, vay, trả lòng vòng đôi bên như thế đã lên tới hơn 17.700 tỷ đồng chỉ trong một thời gian ngắn là 7 tháng.

Tất nhiên, trường hợp như của nhóm Trần Ngọc Bích không phải hi hữu mà có không ít doanh nghiệp cũng làm như vậy, giống như lời khai của Phạm Công Danh trong vụ án này rằng nếu người khác có tiền, có điều kiện như nhóm bà Bích thì ông cũng sẽ vay lại.

Cũng có người nói rằng, vì “tham” lãi suất nên nhóm Trần Ngọc Bích mới tạo ra điều kiện để Phạm Công Danh rút tiền không có chữ ký 5.490 tỷ đồng - vấn đề mà các bị cáo đang bị xét xử về hành vi cố ý làm trái. Được biết, trước khi Phạm Công Danh bị bắt, nhóm bà Bích đã khởi kiện Ngân hàng Xây dựng lên Tòa án nhân dân quận 3, TPHCM để đòi khoản tiền này. Tuy nhiên người trực tiếp làm việc với nhóm bà Bích là bị cáo Hoàng Đình Quyết – giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn – lại cho rằng có sự đồng thuận của bà Bích nên họ mới chuyển được tiền, còn Phạm Công Danh thì một mực khẳng định đây là quan hệ dân sự, việc vay trả là giữa hai bên và đó là khoản tiền mà ông Danh nợ bà Bích, còn ngân hàng không thiệt hại gì.

Ngân hàng hay cá nhân Phạm Công Danh phải chịu trách nhiệm về khoản tiền 5.490 tỷ vẫn phải chờ tòa án đưa ra phán quyết. Chỉ có điều chắc chắn rằng, vì mối quan hệ vay mượn phực tạp mà hiện nhóm Trần Ngọc Bích vẫn còn nợ Ngân hàng Xây dựng 5.190 tỷ đồng, trong khi ngân hàng này cũng đang giữ 124 sổ tiết kiệm của nhóm Bích tổng cộng 5.881 tỷ.

Theo Tùng Lâm

Cùng chuyên mục
XEM