Kinh tế Trung Quốc đối diện rắc rối mới: Người tiêu dùng ngày một “keo kiệt”

08/11/2018 09:03 AM | Xã hội

Để khuyến khích người tiêu dùng chi tiêu, lãnh đạo Trung Quốc mới đây đã thông báo giảm thuế thu nhập cá nhân lần đầu tiên trong 7 năm, thế nhưng mọi chuyện dường như đã muộn.

Anh Wang Ren 25 tuổi từng có thói quen ngủ thật muộn trên giường, và rồi sau đó đến công ty thật nhanh bằng cách bắt taxi.

Thế nhưng sang đến năm nay, chuyên gia phân tích tài chính 25 tuổi tại Thượng Hải này đã dậy sớm hơn trước rất nhiều dù anh mệt đến đâu đi nữa. Mỗi sáng, anh thức dậy từ lúc 7h15 phút, chạy nhanh đến tàu điện ngầm và như vậy tiết kiệm được mỗi chiều 3,05USD.

Đi lại bằng tàu điện ngầm tốn gấp đôi thời gian nhưng đổi lại, số tiền anh phải bỏ ra chỉ bằng 1/7 so với khi đi taxi.

Theo báo Nikkei, anh Wang không phải người Trung Quốc duy nhất đang trở nên ngày một tiết kiệm hơn. Sau nhiều năm hưởng lợi khi kinh tế tăng trưởng bùng nổ và thu nhập khả dụng tăng chóng mặt, người Trung Quốc đang phải cố gắng “thắt lưng buộc bụng” trở lại.

Thay cho việc theo đuổi việc mua sắm mạnh tay, ngày một nhiều người đang hành động ngược lại.

Trang web Zhihu từng đặt ra câu hỏi: “Làm cách nào để tiết kiệm tiền?” Câu hỏi này lập tức thu hút 25 triệu lượt xem và hơn 2.000 người đã tham gia trả lời. Câu trả lời phổ biến bao gồm hủy bớt các thẻ tập gym không được sử dụng đến, bỏ qua các buổi chụp hình tốn kém, tự làm mọi việc ngày một nhiều hơn, kể cả việc tận dụng đồ chơi Lego cũ để làm giá đỡ bàn chải đánh răng.

Anh Wang cũng phải thay đổi thói quen. Trước đây vào mỗi tối cuối tuần, anh và bạn gái thường đi ăn những bữa tối sang trọng, sau đó đi xem những bộ phim Hollywood mới nhất. Thế nhưng sang đến năm nay, cặp đôi này thay đổi thói quen. Họ đi xem vào buổi sáng cuối tuần khi giá vé xem phim giảm một nửa. Các bữa tối sang trọng tại nhà hàng được thay thế bằng bữa ăn bình thường với hạn mức tiền cố định.

Kinh tế Trung Quốc đối diện rắc rối mới: Người tiêu dùng ngày một “keo kiệt” - Ảnh 1.

Nhiều người Trung Quốc chọn đi tàu điện thay cho taxi để đỡ tốn tiền - Ảnh: Nikkei

Thói quen tiết kiệm của những người như anh Wang có thể giúp anh tiết kiệm được tiền thế nhưng chắc hẳn các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ không thể vui lòng trong bối cảnh họ đang khuyến khích người dân chi tiêu ngày một nhiều hơn để mang đến động lực tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc trong bối cảnh chiến tranh thương mại với Mỹ ngày một tồi tệ hơn. Sự thắt chặt hầu bao của người Trung Quốc đang thể hiện rõ ràng trong các số liệu kinh tế chính thức.

Tháng 9/2018, Trung Quốc công bố tăng trưởng kinh tế quý 3/2018 chỉ đạt 6,5% - tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong 1 thập kỷ. Niềm tin người tiêu dùng sụt giảm, theo công ty nghiên cứu thị trường CEIC. Và trong khi doanh số bán lẻ trong 3 tháng đầu năm 2018 tăng ấn tượng 9,3%, các số liệu này có vẻ quá bi quan nếu so với mức tăng trưởng 10,4% của cùng kỳ năm 2017.

Nội bộ chính trường Bắc Kinh đã tranh luận không ngớt về tình trạng người tiêu dùng hạn chế chi tiêu bởi họ đã luôn kỳ vọng tiêu dùng của người Trung Quốc sẽ mang đến động lực tăng trưởng tương lai của kinh tế Trung Quốc. Để khuyến khích người tiêu dùng chi tiêu mạnh tay hơn, lãnh đạo Trung Quốc mới đây đã thông báo giảm thuế thu nhập cá nhân lần đầu tiên trong 7 năm, nguồn thu thuế vì vậy giảm 320 tỷ Nhân dân tệ trong năm nay.

Thế nhưng người tiêu dùng và các chuyên gia kinh tế cho rằng các biện pháp mà Bắc Kinh đưa ra quá ít để có thể thay đổi được mọi chuyện. Chuyên gia kinh tế tại Capital Economics ở London, ông Chang Liu, dự báo tiêu dùng người Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm trong những quý tới khi mà tăng trưởng của tổng quan nền kinh tế yếu đi.

Tuy nhiên, chuyên gia tại trung tâm nghiên cứu về Trung Quốc thuộc đại học Oxford, ông George Magnus, nhận định rằng tăng trưởng tiêu dùng dù có sụt giảm nhưng sẽ không giảm quá sâu. Thế nhưng các con số sẽ có thể tạo ra ấn tượng sai lệch rằng kinh tế Trung Quốc đang trở nên cân bằng hơn.

Nhìn trên giấy, tỷ lệ tiêu dùng/GDP của Trung Quốc đạt 78% trong quý đầu của năm 2018, cao hơn so với con số 64,5% của năm ngoái. Thế nhưng trên thực tế, quá trình cân bằng này xảy ra khi mà đầu tư và xuất khẩu của Trung Quốc giảm nhanh. Ông Magnus chỉ ra rằng cấu trúc của nền kinh tế dường như cải thiện, thế nhưng sự cải thiện đó lẽ ra không nên diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng GDP tổng quan yếu đi.

Theo Trung Mến

Cùng chuyên mục
XEM