"Kinh tế thế giới đã dần phục hồi" chỉ là nhận định của những kẻ giàu có mà thôi

29/11/2016 13:19 PM | Xã hội

Trong báo cáo mới nhất về tăng trưởng kinh tế toàn cầu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), việc nền kinh tế thế giới quay lại đà tăng trưởng cuối cùng chỉ mang lại lợi ích cho top 10% những người giàu nhất trên thế giới

Theo CNN, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) mới đây đã đưa ra nhận định trong báo cáo mới công bố rằng người nghèo, những cá nhân chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng tài chính, đang bị bỏ lại phía sau khi kinh tế thế giới phục hồi.

Thành quả thực sự của đợt phục hồi kinh tế không được chia sẻ đồng đều”, OECD cho hay. Top 10% những người có thu nhập thấp nhất tại các nền kinh tế phát triển có thu nhập giảm 16,2% từ năm 2007 đến năm 2010. Trong khi đó, thu nhập của nhóm 10% người kiếm nhiều tiền nhất chỉ giảm 4,6% trong cùng giai đoạn.

Việc kinh tế phục hồi cũng dẫn đến kết quả thiếu công bằng. Giai đoạn 2010 - 2014, thu nhập của nhóm 10% đáy chỉ tăng 1,6% so với tốc độ đi lên 5,2% của nhóm người hưởng thu nhập cao nhất. Lưu ý rằng con số 5,2% này nếu quy ra số tuyệt đối thì sẽ rất lớn vì chỉ riêng 10% dân số giàu nhất này đã sở hữu đến hơn 99% của cải toàn thế giới.

Và kết quả cuối cùng là sự bất bình đẳng thu nhập lại lên một mức cao hơn.

Nền kinh tế thế giới dần trở lại đã khiến lương bổng của nhóm 10% người kiếm tiền nhiều nhất đã phục hồi lại trước mức khủng hoảng vào năm 2014, trong khi cùng năm đó, thu nhập của 90% dân số còn lại gần như giậm chân tại chỗ. Thậm chí, những người nghèo nhất còn kiếm được ít hơn 14% so với những gì họ từng có thời tiền khủng hoảng.

Dữ liệu của OECD cũng chỉ ra rằng Mỹ thuộc hàng các nước bất bình đẳng nhất. Người Mỹ có thu nhập thuộc top 20% đang kiếm nhiều tiền hơn 8,7 lần so với những người có thu nhập thuộc nhóm 20% dưới cùng.

Trong khi đó, các nước Bắc Âu như Iceland, Na Uy và Đan Mạch có mức bất bình đẳng thu nhập thấp nhất trong những nước phát triển. Top 20% người kiếm tiền nhiều nhất chỉ hưởng thu nhập nhiều hơn 3,5 lần so với nhóm 20% người kiếm tiền ít nhất.

Giờ đây, giới lãnh đạo toàn cầu đang đồng ý rằng bất bình đẳng thu nhập là vấn đề rất nhức nhối của nền kinh tế thế giới.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 vừa diễn ra ở Trung Quốc, lãnh đạo 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới đã đưa ra nhiều kêu gọi hành động để nhằm hướng tới một nền kinh tế tăng trưởng toàn diện và có lợi ích cho tất cả tầng lớp dù giàu hay nghèo.

Chiến Thắng

Cùng chuyên mục
XEM