Kinh tế khủng hoảng, nhân sự cấp cao công khai chuyển sang đối thủ, một mình trơ trọi trước bờ vực phá sản: Bài học từ chiếc máy tính (P2)

27/06/2019 08:15 AM | Kinh doanh

Những thứ thực sự trong trái tim của bạn chính là kho báu cuộc đời bạn. Những thứ bạn coi là kho báu sẽ điều khiển công việc của bạn, trách nhiệm của bạn và nguyên tắc của bạn. Và trái tim của bạn ở đâu thì nơi đó sẽ dẫn bạn tới đích đến.

Gex Ventures là một doanh nghiệp tư vấn và đầu tư bất động sản tại Singapore. Được dẫn dắt bởi tiến sĩ - doanh nhân Patrick Liew, Gex Ventures liên tục đạt nhiều kết quả kinh doanh ấn tượng, tốc độ tăng trưởng vượt trội, giành nhiều giải thưởng uy tín về kinh doanh và nhân sự tại châu Á và Singapore.

Tiến sĩ Patrick Liew là doanh nhân gốc Malaysia, ông tham gia điều hành 3 công ty khác nhau, ở 3 lĩnh vực khác nhau, niêm yết trên 3 sàn giao dịch chứng khoán khác nhau.

Dưới đây là chia sẻ của ông Patrick Liew với các doanh nghiệp Việt Nam tại trụ sở chính của Gex Ventures tại Singapore, được chúng tôi ghi lại trong khuôn khổ chương trình Talentnet Business Innovation Showcase - TBIS 2019, với chủ đề Zigzag Transformation, do Công ty Talentnet tổ chức ngày 19/6 vừa qua.


Phần 2: Triết lý "CHIẾC MÁY TÍNH"

[Xem bài trước: Phần 1: Câu thần chú kỳ diệu]

Qua tất cả những khó khăn và đau khổ, tôi học được một bài học quý giá.

Tôi sẽ lấy chiếc máy tính làm hình ảnh minh họa, để khi nhìn thấy chiếc máy tính các bạn sẽ nhớ tới chúng tôi.


BÀI HỌC ĐẦU TIÊN: CPU - TRÁI TIM

Tất cả các máy tính đều có một bộ phận gọi là CPU - central processing unit (Bộ xử lý trung tâm - PV). Tất cả con người đều có một trái tim. Tất cả các tổ chức đều có một trái tim. Tất cả các công ty cũng đều có một trái tim. 

Kinh tế khủng hoảng, nhân sự cấp cao công khai chuyển sang đối thủ, một mình trơ trọi trước bờ vực phá sản: Bài học từ chiếc máy tính (P2) - Ảnh 2.

Tại phòng giải trí bên trong văn phòng Gex Ventures - Singapore.

Tại công ty chúng tôi, mỗi nhân viên đều thuộc lòng chuỗi câu hỏi trước khi làm và ra quyết định cho bất kỳ việc gì. Khi liên tục hỏi và tự trả lời những câu hỏi này, mỗi nhân viên có thể yên tâm rằng mình ít nhất đang làm ra những điều vui vẻ và ý nghĩa.

- Việc mình đang thực hiện có ý nghĩa gì?

- Tại sao công ty của tôi tồn tại?

- Khách hàng và những người khác cần gì ở công ty tôi?

- Đâu là điều quý giá trong cuộc sống của bản thân?

- Trái tim của tôi hướng tới điều gì?

- Động lực làm việc của tôi là gì?

Bởi vì trái tim ở đâu thì kho báu nằm ngay ở đó. Những thứ thực sự trong trái tim của bạn chính là kho báu cuộc đời bạn. Những thứ bạn coi là kho báu sẽ điều khiển công việc của bạn, trách nhiệm của bạn và nguyên tắc của bạn. Và trái tim của bạn ở đâu thì nơi đó sẽ dẫn bạn tới đích đến, kể cả khi bạn có thích hay không.

Câu hỏi đầu tiên mà tôi muốn các bạn, bộ phận HR và công ty của bạn tự hỏi chính mình đó là: Tại sao các bạn tồn tại?


BÀI HỌC THỨ HAI: PHẦN CỨNG

Phần cứng của một chiếc máy tính bao gồm chuột, bàn phím, màn hình... Vậy đâu là phần cứng của một công ty?

Phần cứng một công ty là mô hình, kế hoạch, cấu trúc, hệ thống, quy trình... Cách tốt nhất để yêu mến nhân viên/đồng nghiệp của bạn đó là hãy vận hành bộ máy tốt, tạo ra một môi trường làm việc tốt nhất. 

Chúng tôi quyết định sẽ trở thành tiêu chuẩn mẫu hoặc theo đuổi các tiêu chuẩn của thế giới. Bất cứ khi nào có một tiêu chuẩn đẳng cấp thế giới, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để đáp ứng tiêu chuẩn đó. Chúng tôi là doanh nghiệp đầu tiên đáp ứng tiêu chuẩn ISO và SPEC (*) trong ngành của mình. 

(* Spec là viết tắt của Specification, nghĩa là chỉ dẫn kỹ thuật - Technical Specification. Spec quy định rõ các loại vật liệu trong tất cả các hạng mục của dự án kèm với các tiêu chuẩn nghiệm thu đi kèm - PV).

Điều thứ hai chúng tôi làm là tham gia vào các cuộc thi nhân sự và kinh doanh. Bởi chúng tôi muốn học từ những lời đánh giá, từ những chuyên gia, những người đưa ra các tiêu chuẩn đánh giá. 

Ban đầu chúng tôi có thể thất bại. Chúng tôi sẽ tự hỏi bản thân: Vì sao chúng tôi thất bại? Bằng cách nào chúng tôi có thể cải thiện? 

Rồi chúng tôi bắt đầu thay đổi ở từng phòng ban, từng dự án công việc khác nhau. Bằng cách tham gia các cuộc thi đó, chúng tôi học hỏi, chúng tôi cải thiện, chúng tôi thay đổi và đạt được kết quả tốt hơn.

Vậy bạn sẽ làm thế nào để vận hành công ty hiệu quả nhất?

Mặc dù ở công ty chúng tôi có những quản lý HR, chuyên gia HR, nhưng từng người trong công ty đều là một quản lý HR cả. Trong một công ty, bộ phận HR là một trong những bộ phận quan trọng nhất, bởi đây chính là bộ phận đảm bảo chắc chắn nhân viên ở đó có hạnh phúc với công việc không. HR cũng sẽ thúc đẩy những điểm mạnh nhất ở mỗi cá nhân. Và quan trọng nhất HR giúp mọi người có một cuộc sống ý nghĩa, tốt đẹp và trọn vẹn.


BÀI HỌC THỨ BA: PHẦN MỀM

Kinh tế khủng hoảng, nhân sự cấp cao công khai chuyển sang đối thủ, một mình trơ trọi trước bờ vực phá sản: Bài học từ chiếc máy tính (P2) - Ảnh 3.

Trong công ty của tôi, phần mềm chính là con người. Đó là những con người vận hành tổ chức, vận hành công ty, vận hành chính phủ. Câu hỏi đặt ra là bạn yêu con người và sử dụng vật chất, hay bạn yêu vật chất và sử dụng con người?

Rất nhiều công ty coi HR là tài sản quan trọng nhất. Nhưng những gì bạn thấy và những gì bạn làm là hai thứ khác nhau. Nếu bạn tới công ty cũ của tôi, bạn sẽ thấy có vườn trẻ, phòng gym, sân vườn, nhà hàng riêng, thậm chí cả một tiệm cắt tóc - nơi chúng tôi cắt tóc miễn phí hàng tháng.

Vì sao tôi nói những thứ này với các bạn? Đó là bởi công việc của các bạn - những người làm trong lĩnh vực HR - không phải chỉ có giấy tờ, mà đó là việc đảm bảo đáp ứng những nguyện vọng và yêu cầu của mọi người. 

Tại công ty chúng tôi, cứ mỗi 4 tháng, những người ở các bộ phận khác nhau sẽ tình nguyện tạo thành một nhóm gọi là nhóm Hạnh phúc. Công việc của họ là làm cho mọi người trong công ty hạnh phúc hơn. Nhân tiện, dù tôi là sếp nhưng họ cũng phải làm tôi hạnh phúc hơn, và tôi cũng làm cho họ hạnh phúc hơn. Chúng tôi đã có rất nhiều ý tưởng sáng tạo và thú vị để khiến mọi người đều vui vẻ và hạnh phúc. 

Không chỉ có bộ phận HR, tất cả mọi người đều cùng nhau nỗ lực giúp cả tập thể hạnh phúc, bởi vì tất cả mọi người đều muốn hạnh phúc.


BÀI HỌC CUỐI CÙNG: GIẢI PHÁP

Máy tính tồn tại cho một lý do đó là tạo ra giải pháp, với quy tắc GIGO (good in good out) - bạn đưa vào cái gì sẽ nhận lại được cái đó. 

Khi mọi người tập hợp thành một tổ chức, đó phải là vì một lý tưởng xứng tầm. Đó là lý do bạn không thể chỉ nói tôi muốn làm ra thật nhiều tiền. Khi khách hàng tìm đến bạn, họ muốn biết bạn đang làm gì giúp ích cho cộng đồng và xã hội, làm gì để thay đổi xã hội trở nên tốt đẹp hơn.

Trong công ty chúng tôi, chúng tôi gọi đó là CC (colleague and customer – đồng nghiệp và khách hàng). 

Chữ C đầu tiên là đồng nghiệp, bạn phải chắc chắn rằng đồng nghiệp của mình hạnh phúc. 

Chữ C thứ hai là khách hàng. Làm việc với họ, hãy tự hỏi các câu hỏi sau: 

Điều đó có hợp pháp không? Nếu không, đừng làm!

Điều đó có vi phạm đạo đức không? Nếu có, đừng làm!

Điều đó có tốt cho danh tiếng không? Nếu không tốt, đừng làm!

Chúng tôi nhìn vào cộng đồng xung quanh và tìm hiểu xem mình có thể làm gì. Chúng tôi chăm sóc 3.600 người già, tổ chức các hoạt động và những buổi liên hoan cho họ. Chúng tôi cũng vận hành một quỹ từ thiện. Chúng tôi dạy trẻ em từ 6 tuổi tới người trẻ 24 tuổi, chúng tôi dạy họ "kỹ năng thế kỷ 21".

Các bạn biết đấy, hầu hết các kỹ năng đều không được học ở trường lớp, không ai dạy cho chúng ta trở nên sáng tạo, đổi mới hay trở thành nhà lãnh đạo cả. Bởi vậy cho đến hôm nay, chúng tôi đã đào tạo 20.000 trẻ em miễn phí.

Chúng tôi nhìn sang các quốc gia khác xem mình có thể làm được gì. Mỗi khi có thảm họa ở châu Á: Sóng thần ở Ấn Độ, bão ở Philippines, lũ ở Thái Lan hay động đất ở Nhật... chúng tôi đều tìm cách tập hợp mọi người, các khách hàng của chúng tôi, và tìm cách giúp đỡ người dân ở các quốc gia đó. Chúng tôi cũng giúp đỡ chính những người nước ngoài ở Singapore, những người nghèo, khuyết tật và cần sự giúp đỡ.

Cho tới hôm nay, chúng tôi đã có tới 1.800 tình nguyện viên giúp chúng tôi làm những công việc tinh nguyện nói trên.

Chúng ta có thể thay đổi thế giới với tầm nhìn về một thế giới tốt đẹp hơn. Chúng ta thay đổi thế giới bằng cách nào? Giải pháp chính là: Chúng ta thay đổi từng con người một, qua từng ngày một. Cả thế giới sẽ đổi thay. GIGO - Good in good out.

Kinh tế khủng hoảng, nhân sự cấp cao công khai chuyển sang đối thủ, một mình trơ trọi trước bờ vực phá sản: Bài học từ chiếc máy tính (P2) - Ảnh 4.

Kiến Anh

Cùng chuyên mục
XEM