Kinh tế Indonesia - Hóa hổ hay mãi là mèo?

25/03/2016 09:57 AM | Kinh tế vĩ mô

Nếu Tổng thống Jodowi có thể thành công đưa tăng trưởng kinh tế của Indonesia lên 7% thì mọi chuyện đều dễ nói. Tuy nhiên, nếu ông thất bại, những rủi ro trong nền kinh tế và xã hội Indonesia sẽ trỗi dậy khiến công cuộc cải cách của nước này càng khó khăn hơn.

Indonesia là một quốc gia có nền văn hóa khá đa dạng với 13.500 hòn đảo, dân số khoảng 250 triệu người với hơn 700 loại ngôn ngữ khác nhau. Quốc gia này cũng tập hợp nhiều loại tôn giáo chính trên thế giới dù tỷ lệ người theo Đạo Hồi chiếm đa số.

Ngân hàng Thế giới (World Bank) đánh giá Indonesia là một nền kinh tế có mức thu nhập trung bình thấp. Tuy nhiên, cũng như những quốc gia khác, đánh giá này mang tính xác suất khá lớn.

Hơn 50% dân số Indonesia sống tại vùng Java đông đúc giàu có và hơn 1/10 dân số tập trung tại thủ đô Jakarta.


Bản đồ Indonesia

Bản đồ Indonesia

Rõ ràng, độ phân hóa giàu nghèo tại đây là rất lớn khi GDP bình quân đầu người tại các vùng giàu có như Riau, Đông Kalimantan hay Tây Papua là 6.000 USD/năm, trong khi con số này tại những khu vực xa xôi hẻo lánh chỉ chưa đến 2.000 USD/năm.

Tổng thống Joko Widodo của Indonesia, vốn thường được gọi là Jokowi lên nắm quyền vào tháng 7/2014 đã liên tục tuyên bố quyết tâm đưa đất nước đạt tăng trưởng 7% trở lại, tỷ lệ mà quốc gia này chưa từng đạt được kể từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế Châu Á cuối thập niên 90.


Các đời tổng thống từ khi Indonesia đôc lập năm 1945.

Các đời tổng thống từ khi Indonesia đôc lập năm 1945.

Dẫu vậy, những số liệu mới đây cho thấy nền kinh tế Indonesia đang giảm tốc khi tăng trưởng GDP năm 2015 chỉ đạt 4,8%, mức chậm nhất kể từ năm 2009.

Indonesia là nền kinh tế lớn nhất ASEAN nhưng nếu tính GDP bình quân đầu người, quốc gia này thua những nước láng giềng như Malaysia và Thái Lan. Ngoài ra, vị thế đại lý khiến Indonesia tốn nhiều ngân sách hơn cho việc bảo vệ lãnh thổ và an ninh quốc phòng. Đồng thời khiến chi phí vận chuyển và sản xuất tại đây tăng cao hơn so với các nước khác trong khu vực.


GDP (tỷ USD); GDP bình quân đầu người (nghìn USD); Thay đổi % GDP qua mỗi năm của Indonesia

GDP (tỷ USD); GDP bình quân đầu người (nghìn USD); Thay đổi % GDP qua mỗi năm của Indonesia

Dân số đông là một lợi thế cho thị trường tiêu dùng tại Indonesia, nhưng chính điều này cũng khiến chính quyền Jakarta gặp khó khi muốn đưa tất cả người dân thoát khỏi đói nghèo.

Tổng thống Jokowi đã phát động một chiến dịch xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng tại Indonesia nhằm giảm chi phí vận chuyển và cải thiện hệ thống giao thông giữa các vùng, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo nhiều chuyên gia, ông Jodowi đã chọn đúng thời điểm để thực hiện công cuộc cải cách của mình khi những nước như Indonesia, Ấn Độ và Philippine có một lực lượng lao động trẻ vô cùng lớn đang đến tuổi đi làm.

Trong khi đó, lực lượng lao động tại Thái Lan, Malaysia hay Trung Quốc đều đã có tuổi còn số lao động trẻ lại suy giảm.

Như vậy, những động thái cải cách kinh tế của ông Jodowi sẽ thú hút được nhiều việc làm hơn cho lao động trẻ và gia tăng sự ủng hộ trong cử tri.


Cơ cấu dân số theo độ tuổi (%)

Cơ cấu dân số theo độ tuổi (%)

Với những chính sách thúc đẩy kinh tế mới, Tổng thống Jodowi kỳ vọng nền kinh tế Indonesia sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong ngành sản xuất và dịch vụ thay vì tình trạng phụ thuộc quá nhiều vào mảng khái khoáng và sản xuất dầu cọ như hiện nay.

Những chính sách tương tự như vậy đã từng được Indonesia thực hiện vào thập niên 70 và 80 khi giá dầu giảm và các nhà đầu tư đổ tiền vào các ngành công nghiệp thực phẩm, sản xuất xe hơi tại đây.

Đến thời kỳ Tổng thống tiền nhiệm Susilo Bambang Udhoyono khi ông lên nắm quyền vào năm 2004, ngành sản xuất và hàng hóa chiếm tỷ trọng tương đương nhau trong đóng góp vào tổng GDP.

Tuy nhiên, sự tăng trưởng nóng của Trung Quốc đã khiến giá hàng hóa như dầu mỏ bật tăng, đồng thời làm giảm giá các mặt hàng sản xuất. Hậu quả là Indonesia bắt đầu quay lại với tình trạng phụ thuộc vào các ngành khai khoáng hơn là mảng sản xuất.


Tỷ lệ % đóng góp trong tổng kim ngạch thương mại giữa hàng hóa nguyên vật liệu (xanh nhạt) và sản phẩm sản xuất (xanh đậm) của Indonesia

Tỷ lệ % đóng góp trong tổng kim ngạch thương mại giữa hàng hóa nguyên vật liệu (xanh nhạt) và sản phẩm sản xuất (xanh đậm) của Indonesia

Trong tình hình hiện nay, Tổng thống đương nhiệm Jodowi có lẽ sẽ gặp nhiều khó khăn nếu muốn cải cách nền kinh tế cũng như cơ chế điều hành của chính phủ. Liên minh đảng của ông Jodowi chỉ kiểm soát 204/560 ghế trong Hạ viện và điều này khiến các quyết định của ông gặp phải nhiều thách thức để có thể thi hành.


Liên minh đảng của Tổng thống Jodowi (màu xanh) không chiếm đa số trong Hạ viện.

Liên minh đảng của Tổng thống Jodowi (màu xanh) không chiếm đa số trong Hạ viện.

Bên cạnh đó, tỷ lệ người Hồi giáo lớn cũng đang là một vấn đề với Indonesia khi ảnh hưởng của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang ngày càng lan rộng.

Hiện có khoảng 250 chiến binh Hồi giáo IS là người Indonesia trong khi có khoảng 2.000 người khác tại đây tuyên thệ trung thành với tổ chức khủng bố này.

Sau nhiều năm vắng bóng, khủng bố đã quay trở lại với Indonesia với vụ đánh bom cũng như xả súng tại thủ đô Jakarta vào tháng 1/2015 vừa qua khiến 4 người thiệt mạng, bao gồm cả cảnh sát.

Rõ ràng, nếu Tổng thống Jodowi có thể thành công đưa tăng trưởng kinh tế của Indonesia lên 7% thì mọi chuyện đều dễ nói. Tuy nhiên, nếu ông thất bại, những rủi ro trong nền kinh tế và xã hội Indonesia sẽ trỗi dậy khiến công cuộc cải cách của nước này càng khó khăn hơn.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM