[Kinh tế học vui] Vì sao dù khen thưởng tốt đến mấy, cũng có lúc nhân viên giỏi của bạn mất phong độ?

23/03/2016 07:27 AM | Kinh tế vĩ mô

Các nhân viên cũng giống như vận động viên khi không phải lúc nào cũng làm việc với phong độ không đổi. Có những tuần họ làm việc tốt và có những tuần làm việc dưới mức trung bình.

CafeBiz xin trân trọng giới thiệu đến quý độc giả series mới mang tên "Kinh tế học không khô khan như bạn nghĩ". Series này sẽ tập hợp những bài viết ngắn, lí giải các vấn đề, hiện tượng xảy ra trong cuộc sống thông qua lăng kính kinh tế học, cũng như các câu chuyện vui về kinh tế được chúng tôi ghi lại từ nhiều nguồn tham khảo tổng hợp.

Series sẽ được đăng tải định kỳ vào sáng thứ 2-4-6 trong tuần. Hi vọng đây sẽ là tách cà phê sáng đầy năng lượng dành cho quý vị.


Những nhà quản lý nghiêm khắc thường nhanh chóng khiển trách khi nhân viên mắc lỗi, nhưng hiếm khi đưa ra lời khen khi họ làm tốt.

Ngược lại, những sếp rộng lượng thường nhanh chóng ngợi khen và ít khi chỉ trích thái quá đối với nhận viên.

Vậy cách quản lý nào là hiệu quả, đặc biệt là đối với những sếp mới lên chức?

Trên thực tế không có câu trả lời chính xác cho nhà quản lý và họ thường phải thử các cách khác nhau để tìm ra phong cách của riêng mình.

Dẫu vậy, một số thành kiến có sẵn khiến nhiều sếp cho rằng khen ngợi ít hiệu quả hơn khiển trách.

Thành kiến này liên quan đến một hiện tượng trong thống kê học gọi là “Sự hồi quy về mức bình quân”.

Khái niệm này vốn thường được dùng để giải thích sự sa sút phong độ vào năm thứ 2 của những vận động viên mới có thành tích tốt nhất trong năm trước.

Các nhân viên cũng giống như vận động viên, không phải lúc nào cũng làm việc với phong độ không đổi. Có những tuần họ làm việc tốt và có những tuần làm việc dưới mức trung bình.

Dù cấp trên có nhận xét thế nào về nhân viên làm việc dưới mức trung bình trong tuần này đi chăng nữa thì họ cũng sẽ lấy lại phong độ. Điều này cũng đúng với nhân viên làm tốt khi dù được khen thưởng thế nào thì rồi sẽ có ngày họ mất phong độ.

Kết quả này khiến nhiều sếp nghiêm khắc hiểu lầm rằng sự khiển trách của mình khiến nhân viên làm việc tốt hơn và những sếp rộng lượng cho rằng họ đã quá dễ dãi khiến cấp dưới lười biếng.

Trong khi đó, nhiều thí nghiệm lại cho thấy trong một số hoàn cảnh, phong cách động viên nhân viên làm việc có hiệu quả hơn là kiểu lãnh đạo hay chỉ trích cấp dưới.

Rõ ràng, những thí nghiệm được nhiều chuyên gia thực hiện đáng tin hơn là những thành kiến thông thường gây ra bởi hiện tượng hồi quy về mức bình quân.

Hoàng Nam - Theo Robert H.Frank

Cùng chuyên mục
XEM