Vì sao tiểu thương chợ gốm Bát Tràng bãi thị?

07/11/2012 11:12 AM |

Các tiểu thương tố Hapro Bát Tràng bỏ mặc người dân trong thời điểm khó khăn, nay khi kinh doanh khởi sắc, đã có tiếng tăm thì lại quay về đòi quyền quản lý.

Đem con bỏ chợ

Trong hai ngày 5 và 6/11/2012, hơn 100 xã viên HTX sản xuất thương mại và dịch vụ chợ gốm làng cổ Bát Tràng, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm (Hà Nội) đã đồng loạt đóng cửa, căng nhiều băng rôn tại cổng chợ phản đối Công ty CP Sứ Bát Tràng (Hapro Bát Tràng) đã cho đơn vị khác thuê 5 ki ốt của xã viên đang kinh doanh ở đây.

Ông Nguyễn Phương Doanh, đại biểu Hội đồng nhân dân xã Bát Tràng cho biết, chợ gốm làng cổ Bát Tràng được thành lập từ năm 2004, do người dân làng gốm và Công ty cổ phần sứ Bát Tràng (thuộc Tổng công ty thương mại Hà Nội – Hapro) hợp tác xây dựng.

Sau quá trình bàn bạc, phía Hapro Bát Tràng và người dân đã thống nhất xây dựng gần 100 ki-ốt trong khuôn viên trụ sở công ty. Diện tích và giá cả hai bên đã bàn bạc và đi đến quyết định chung.

Theo bản cam kết trong hợp đồng, thời gian đầu Hapro Bát Tràng sẽ cho thuê mặt bằng với thời hạn 5 năm, đồng thời giúp đỡ bà con chợ gốm thành lập ban quản lý chợ và cung cấp điện, nước đẩy đủ. Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động không có hiệu quả, phía Hapro Bát Tràng đã giải tán ban quản lý, cắt điện nước và để cho người dân tự tổ chức.

Đến tháng 11-2006, UBND xã Bát Tràng mới ra quyết định thành lập chính thức ban quản lý chợ với các thành viên của ban quản lý chợ là người dân làng gốm. Hapro Bát Tràng trên thực tế không còn giữ vai trò gì trong việc điều hành quản lý chợ mà chỉ ở đứng ở vị trí người cho thuê mặt bằng.

Tuy nhiên, sau khi thời hạn hợp đồng (5 năm) kết thúc vào cuối năm 2009, Hapro Bát Tràng và người dân không đạt được thỏa thuận cho một bản hợp đồng mới.

Theo ông Phùng Văn Hữu, Trưởng ban Quản lý chợ lâm thời và là Phó Chủ nhiệm HTX sản xuất, thương mại và dịch vụ chợ gốm làng cổ Bát Tràng, sau khi hết hạn hợp đồng, Hapro tự đặt ra mức giá cho thuê mới cao gấp 3 lần trước đây mà không hề bàn bạc, thỏa thuận với các tiểu thương. Không đồng tình với việc áp đặt này, hàng trăm tiểu thương kinh doanh trong chợ chưa ký hợp đồng mới.

Các tiểu thương cho rằng việc Hapro Bát Tràng quay lưng với người dân trong thời điểm khó khăn, nay khi chợ gốm đã có tiếng tăm lại quay lại đòi quyền quản lý, tăng giá thuê cao và bắt từng cá nhân phải lên ký hợp đồng trực tiếp với công ty, thay vì ký thông qua đại diện là bất hợp lý.

“Chúng tôi không từ chối đóng phi nhưng yêu cầu công ty đưa ra một mức phí phù hợp”, ông Hữu cho biết.

Cho người ngoài thuê

Sau gần 3 năm không tìm được tiếng nói chung với dân trong làng thì vào ngày 26-10 vừa qua, 5 hộ kinh doanh trong chợ nhận được thông báo từ Công ty CP Đồng Tiến Thành, có trụ sở tại quận Ba Đình, Hà Nội, về việc công ty này đã ký hợp đồng thuê 5 ki ốt trên với Hapro Bát Tràng

Ngày 5/11, hơn 50 người thuộc Công ty CP Đồng Tiến Thành đến làng yêu cầu 5 hộ dân này phải dọn hàng đi, nếu không dọn thì họ sẽ cho người đến chuyển hàng ra khỏi ki-ốt. Điều đáng nói là 5 hộ này chính là 5 hộ được HTX và các xã viên cử làm đại diện đứng ra giải quyết, đàm phán với DN về mức giá thuê ki ốt trước đó.

Trước sự việc này, các tiểu thương làng gốm Bát Tràng đã đồng loạt bãi thị để phản đối. Mọi hoạt động du lịch tham quan đến Bát Tràng đều bị ngưng lại. Các tiểu thương cho rằng việc đưa người ngoài vào tham gia kinh doanh trong chợ gốm của Bát Tràng là không hợp lý, ảnh hưởng đến thương hiệu gốm sứ Bát Tràng cũng như an ninh trật tự của chợ gốm.

“10 năm quay về với Tổng công ty thương mại Hà Nội Hapro, CTCP sứ Bát Tràng không những không phát triển được nghề gốm, không giúp đỡ gì cho người dân, sản xuất kinh doanh không hiệu quả mà còn mắc nhiều sai phạm trong việc sử dụng đất. Hiện tại Hapro Bát Tràng gần như không sản xuất gì mà chỉ có một ki-ốt kinh doanh ở trong chợ gốm.

Chợ gốm là nơi người dân làng Bát Tràng quảng bá sản phẩm của mình tới du khách, vì thế chỉ nên để cho người dân trong làng buôn bán, kinh doanh ở đây”, bà Phùng Thị Huệ, tiểu thương tại chợ nói.

Ông Dương Dũng, Phó chủ tịch UBND huyện Gia Lâm cho biết do mảnh đất hiện là chợ gốm thuộc quyền quản lý của Hapro Bát Tràng, nên công ty này có quyền quyết định cho ai thuê. Tuy nhiên, với nhiều sai phạm trong việc sử dụng đất của công ty này những năm qua, UBND huyện sẽ lắng nghe nguyện vọng của xã viên, tiểu thương và giải quyết xong trước ngày 25-11.

Về phía CTCP sứ Bát Tràng, ông Nguyễn Thế Minh, giám đốc công ty chỉ cho biết hiện công ty đang xin ý kiến Hapro để giải quyết trong thời gian sớm nhất.

Quốc Dũng

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM