Sự thật về cao hổ cốt

15/05/2013 19:04 PM |

Nếu nghe ở đâu có cao hổ cốt 100% thì chắc chắn là không đúng, vì cơ thể người sẽ không chịu đựng được khi uống cao hổ 100%.

Lâu nay người ta luôn đồn thổi rằng cao hổ có thể tăng cường sinh lực, chữa được bách bệnh, từ bổ thận tráng dương đến tim mạch, cao huyết áp. Nhưng mấy ai biết trong mỗi miếng cao hổ bày bán trên thị trường, có bao nhiêu phần cao được nấu từ xương hổ và tác dụng của cao hổ có đúng như thế.

Trung tâm Yến huyết Hoàng gia Thái Lan (nằm trên đường Bangkok đi Pattaya), ngoài việc giới thiệu tổ yến và bán các sản phẩm từ ong như mật, sữa ong chúa và phấn hoa, còn quảng bá cho đặc sản miền trung nước Thái: cao hổ cốt. Tại quốc gia này, ngày càng có nhiều cơ sở nuôi hổ phục vụ cho nhu cầu lấy cao. Nếu như ở Việt Nam, hoặc các nước khác, việc giết hổ là trái phép thì tại Thái Lan Chính phủ lại cấp phép nuôi và giết hổ. Khách du lịch cũng có thể xem hổ tại những trại nuôi.

Nuôi hổ như nuôi... heo

Người Thái nuôi hổ như nuôi... heo, du khách thậm chí có thể sờ tay vào chúa sơn lâm hoặc chơi đùa với chúng (ít nơi nào trên thế giới lại để hổ nuôi tiếp xúc trực tiếp với con người). Ở Thái Lan có hẳn một ngôi chùa nuôi hổ, gọi là “Chùa Hổ”, nằm cách Bangkok khoảng 120 km. Hổ ở đây được nhốt trong các lồng sắt, nhưng hằng ngày có giờ dạo chơi trong hồ nước, khuôn viên chùa; đến bữa thì được cho ăn bằng thịt gà, heo, bò... Chúng không thể sống được trong môi trường hoang dã, đơn giản vì đã mất bản năng săn mồi.

Ở Việt Nam, Chính phủ đã cho thí điểm những trang trại nuôi hổ để bảo tồn tại tỉnh Bình Dương vào năm 2007. Nhưng trên thực tế, nhiều cơ sở đã bị biến tướng thành nơi nuôi hổ lấy cao, pín ngâm rượu. Các nhà bảo tồn cáo buộc các trại nuôi hổ đã đăng ký chỉ là mắt xích trong một thị trường buôn bán các bộ phận hổ bất hợp pháp đang phát triển mạnh. Hơn nữa, hổ nuôi không có giá trị bảo tồn.

Theo lời quảng cáo, cao hổ cốt uống tốt cho xương khớp, nhất là những người bị đau lưng hay nhức mỏi, phong thấp, thấp khớp, thoái hóa cột sống, gai đốt sống...

Cao hổ cốt có 2 cách dùng: ngâm miếng cao chung với một lít rưỡi rượu. Nếu không uống rượu được thì lấy dao xắt một góc nhỏ, chưng cách thủy hoặc ngậm trực tiếp. Cao hổ cốt dùng được cho cả nam lẫn nữ; riêng phụ nữ mang thai tốt nhất là không nên uống.

Quý nhất là pín hổ. Nam giới thường ngâm pín với rượu, vì tin uống vào có thể bồi bổ sinh lý, thận; chữa đổ mồ hôi tay chân. Pín hổ và mật gấu ngâm chung trong 5 lít rượu, để qua hai tháng nghe nói dùng rất tốt.

Thật giả lẫn lộn

Trên thực tế, hầu hết xương của các loại động vật khi nấu lên dùng đều tốt cả. Chẳng hạn xương heo nấu canh cũng tốt cho phụ nữ sau sinh, huống chi là xương hổ. Nhưng tác dụng bổ thận, tráng dương, trị đau khớp hoặc vô số những khả năng chữa bệnh từ hổ đều do người ta gán cho, chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh. Một người cao tuổi, dù uống cao hổ nhiều đến thế nào cũng không thể khỏe mạnh như một thanh niên.

Hiện nay, do số lượng rất ít nên cao hổ thường bị làm giả từ xương chó, bò, heo rừng nuôi… Có những bệnh nhân uống cao hổ giả mà đỡ bệnh vì cao hổ này được pha trộn với các loại tân dược kháng viêm, giảm đau cực mạnh đã được ngành y tế liệt vào dạng cực độc, dẫn đến tổn hại cho sức khỏe về lâu dài.

Tại Việt Nam, cao hổ đa phần nhập lậu vì người Việt rất chuộng cao hổ, cung không đủ cầu. Cao hổ cốt ở Thái Lan rẻ hơn so với ở Việt Nam. Nhưng đây là hổ nuôi công nghiệp, nếu hổ tự nhiên chắc chắn không có nhiều xương đến vậy để nấu thành cao.

Người Thái chính gốc khi giết hổ không biết sử dụng xương để làm gì, chỉ người Thái gốc Hoa mới biết nấu thành cao hổ cốt.

“Thường cứ mỗi miếng cao trọng lượng một lạng rưỡi. Nhưng tỉ lệ phần trăm xương hổ nấu và pha chế chỉ 40%, còn lại 60% gồm sâm nhung, thuốc bắc với thảo dược. Nếu nghe ở đâu có cao hổ cốt 100% thì chắc chắn là không đúng, vì cơ thể người sẽ không chịu đựng được khi uống cao hổ 100% nấu từ cốt hổ”, hướng dẫn viên du lịch cho biết.

Ngoài cao hổ cốt, Trung tâm Yến huyết Hoàng gia còn bán móng hổ. Móng hổ thường được cẩn vàng, cẩn bạc đeo trên người để cầu may mắn. Da hổ để xuất khẩu. Ở đây có nhiều loại giá. Một hộp nhỏ có 2 miếng cao hổ rời, trọng lượng 300 gram, bán 1.900 baht. Hộp lớn 4 miếng, trọng lượng gấp đôi hộp nhỏ, giá 3.700 baht. Móng hổ rời 6.800 baht, cả bàn chân 5 móng 18.800 baht. Đắt nhất là pín hổ: 28.800 baht. Còn mật gấu có giá 32.000 baht. Khi mua sản phẩm ở đây, có thể thanh toán bằng thẻ tín dụng đồng bạc xanh hoặc tiền Thái, tiền Việt.

Nói chung, mục tiêu cuối cùng của Trung tâm cũng là để bán hàng. Nhưng hàng hóa ở đây quá đắt không phù hợp với túi tiền của đại đa số du khách. 

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM