Rợn người miến làng So, lãi trăm triệu/tháng

27/01/2013 21:44 PM |

Nhắc đến miến làng So ai cũng khen ngợi bởi sợi miến mộc dai, thơm ngon… nhưng chứng kiến cảnh đi ủng trên nền đất rồi nhào nặn bột phơi khô để đưa đi làm miến chúng tôi thấy mất an toàn vệ sinh.

Những ngày cận Tết PV tìm về làng So, xã Cộng Hòa (Quốc Oai – Hà Nội) để chứng kiến “công nghệ” sản xuất miến để tiêu thụ dịp Tết.

Hiện nay, làng So có tới 90% số hộ sản xuất miến. Nghề sản xuất miến truyền thống không chỉ đem lại lợi nhuận cao về kinh tế cho các hộ sản xuất mà còn giúp nhiều người có thêm công ăn việc làm. Thời điểm sắp Tết cũng là thời điểm vào mùa của miến làng So. Nhưng rộ nhất là những ngày cuối năm, người làm nghề mới bắt đầu tranh thủ ngày đêm sản xuất nhiều miến để phục vụ nhu cầu dịp Tết Nguyên đán.

Đi sâu vào làng, chúng tôi chứng kiến nhà nào cũng cũng xình xịch tiếng chạy máy (máy làm miến), người qua kẻ lại rầm rập, các công đoạn làm bột, làm sợi, chở miến đi phơi rồi thu miến rộn ràng khắp làng.

Một người dân địa phương đang phơi bột cho biết, bột đao (nguyên liệu chính để làm miến) được mua với giá 15.000 đồng/kg. Cứ mỗi 1kg bột đao sẽ cho ra thành phẩm là 5,8g miến. Giá miến bán buôn là 34.000 đồng/kg, giá miến đã đóng gói là 38.000 đồng/kg.

Chứng kiến cảnh người phụ nữ vừa đi ủng dưới nền đất lỏn nhổn rồi dẫm lên những đống bột đao để từng tảng bột cho vỡ ra, phơi cho nhanh khô, chúng tôi không khỏi ái ngại cho công đoạn làm miến mất vệ sinh ở đây.

Khi PV hỏi, phơi xong rồi có lọc lại bột để loại bỏ đất cát lẫn lộn vào không? chị cho biết ”Không đâu, phơi khô là đóng bao đem về rồi làm luôn, đã là bột không còn cách nào rửa hay lọc nữa… Cứ để vậy về ngâm rồi cho máy khuấy tráng bánh". 

Về nguồn gốc bột làm miến, có lò lấy từ Trung Quốc, có lò lấy từ Điện Biên về.

Chân ủng dẫm đất rồi lại dẫm bột làm miến

Sau khi bột được hong khô, đưa đi làm miến, mỗi ngày gia đình chị cung cấp cho thị trường khoảng 2 tấn miến. Tính trung bình, trừ chi phí thuê nhân công, hao tổn máy móc, chị thu từ 3 – 4 triệu tiền lời từ việc sản xuất miến, tức khoảng 100 triệu/tháng.

Đi dọc ven đường địa bàn xã Cộng Hòa, người làm nghề tận dụng đủ các chỗ đất trống để phơi miến, khi thì phơi miến dọc bờ đê, vệ đường… hứng bụi cả ngày, hay  người ta còn tận dụng cả cống rãnh ô nhiễm để phơi miến.

PV còn chứng kiến cả hàng đàn chó của người dân nô đùa, dẫm trên những phên miến phơi ven đường, khiến cho nhiều người qua đây ái ngại.

Tìm đến cơ sở anh H, trong nhà xưởng, đập vào mắt chúng tôi là những chiếc máy hoen gỉ bám đầy bụi bặm. Xưởng có từ 4 đến 5 thùng phuy và bồn xây bằng xi măng, những tảng bột lâu ngày đen vón cục tích tụ thành từng lớp dày, những cây que khuấy bột, gáo múc bột đen sì, bột được chất từng đống cao.

Miến còn được phơi ngay cạnh mương nước thải bốc mùi hôi thối

Anh H cùng các nhân công khuấy bột, còn phía ngoài xưởng một số người khác chuẩn bị tráng bánh, bên cạnh là hệ thống cống rãnh nước thải đen xì, bốc mùi hôi thối…  Bánh được tráng lên thì phía ngoài xưởng, nhiều nhân công đang gỡ và xếp những chồng bánh tráng để chuyển đi phơi.

Tìm vào cơ sở nhà chị Hương, chúng tôi còn chứng kiến, người già, người trẻ ngồi quanh sân gạch bó từng cân miến thành phẩm để cho vào túi chờ xuất hàng. Miến được vứt đầy dưới nền gạch, rồi chân đất bẩn cứ vô tư giẵm lên từng sợi miến mà bó rồi cho vào túi nilong, cùng tiếng cười rôm rả…

Xung quanh cống rãnh ở làng bốc mùi hôi thối nồng nặc, chị Hương giải thích với PV đã làm nghề thì không thể tránh được ô nhiễm, người làm nghề chúng tôi cũng ý thức hạn chế rất nhiều.

Bó miến ngay dưới nền gạch

Cạnh đó, một cơ sở khác nhân công đang thu miến về, người ta kéo lê từng mảng bánh đa từ ngoài ngõ vào sân được lát bằng gạch đỏ nơi dùng để cắt những dải bánh tráng dài thành những sợi miến.
Sau đó rồi vứt ra sân đầy đất cát và cạnh cống rãnh nước bẩn, miến được vứt ngổn ngang, bừa bãi, mặc cho những đôi chân trần giẫm đạp. Người quay máy, người se sợi, người bó miến… họ cật lực làm để tăng năng suất công việc mà không ý thức đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.

Những hình ảnh mất vệ sinh từ làm miến Tết:

Những sạp phơi miến (bên trái ảnh) đặt cạnh dòng kênh đen đặc

Miến phơi ven đường đầy cát bụi

Bên dưới là cống rãnh bốc mùi, trên tận dụng phơi miến
 
Nước đen kịt, cạnh thùng bột làm miến cáu bẩn
 
Theo Nguyễn Hiếu
Infonet

tanhoa

Cùng chuyên mục
XEM