Ông thạc sĩ tuổi 60, ăn ngủ và "bầm dập" với nấm

03/06/2013 16:15 PM |

Tên đầy đủ của ông là Cổ Đức Trọng, nhưng bạn bè vẫn thích gọi thân mật: "Trọng nấm", bởi dường như gần cả cuộc đời ông chỉ dành cho nấm.

Tình cờ gặp Thạc sĩ Cổ Đức Trọng, Giám đốc Công ty TNHH Linh Chi Vina trong một cuộc giao lưu với nhiều vị lương y tại TP.HCM. Lần ấy, ông Trọng vừa kết thúc chuyến lặn lội ở núi rừng Langbiang về. Ông hồ hởi khoe, vừa tìm ra hai loại nấm mới chưa có trong danh mục các loại nấm Việt Nam, đó là nấm Helvella crispa và Lactarius volemus.

Ăn ngủ và "bầm dập" với nấm!

Tốt nghiệp Khoa Vạn vật Trường Đại học Khoa học Sài Gòn, ông Trọng cầm tấm bằng cử nhân với hoài bão, tìm hiểu những bí ẩn trong những khu rừng nhiệt đới. Ông được phân về công tác tại tổ điều tra sưu tầm Phân Viện Dược liệu miền Nam; chuyên đi điều tra dược liệu tại các tỉnh Gialai-Kontum, Lâm Đồng, Tiền Giang, Bến Tre, Tây Ninh… Nhưng cái khó bó ước mơ của Trọng. Ông cần phải lo cái ăn, cái mặc cho mình và gia đình nên lao vào trồng nấm mèo. Và quả thật, nấm mèo đã giúp gia đình ông vượt qua nhiều khó khăn về kinh tế.

Mãi cho đến năm 1987, ông Trọng quay sang mày mò học hỏi và nghiên cứu loài thảo dược linh chi, một loại nấm lúc bấy giờ chưa được nhiều người biết đến. Hơn 20 năm qua, ông và các cộng sự đã tìm tòi và sưu tầm hơn 50 chủng loài linh chi. "Cũng từng có lúc bị "bầm dập" với linh chi, nhưng khi thành công lại cảm thấy như mình được thăng hoa bởi đã có hơn 20 năm trời cùng ăn, cùng ngủ với nấm", ông Trọng kể lại.

Câu chuyện "bầm dập" vì nấm của ông Trọng xảy ra năm 1993. Trước đó một năm, ông về Công ty Dược liệu Trung ương 2, thành lập Trung tâm Nghiên cứu linh chi, nấm dược liệu và làm giám đốc trung tâm. Tuy nhiên, khi đã hoàn tất trồng thử nghiệm và đưa vào sản xuất hàng loạt, bỗng nhiên thị trường ngưng tiêu thụ, nấm linh chi giảm giá trầm trọng.

Ông Trọng kể lại: "Một vài thương gia Hàn Quốc mua nguyên liệu nấm của ông từ ban đầu chỉ 100 kg sau lên đến 1.000 kg với giá 18 USD/kg. Nhưng khi biết tôi sản xuất nhiều mà không tiêu thụ được ở trong nước, họ bắt đầu ép giá xuống chỉ còn 10 USD/kg". Mặc dù không có kinh nghiệm sấy nấm khô để giữ nên bị mọt phải đổ bỏ, nhưng ông Trọng cương quyết không bán cho các thương nhân Hàn này với giá rẻ mạt. Vốn liếng mất trắng! Không nản chí, ông cùng với các cộng sự tiếp tục trồng thêm các loại nấm vân chi, bào ngư, nấm mèo để bán cho người tiêu dùng.


 Người đi đầu không quan trọng, người theo đuổi được đến cùng mới là người thành công
Chỉ một thời gian ngắn sau đó, ông lại tìm được đối tác Nhật. Năm 1995, những lô hàng nấm của Cổ Đức Trọng được xuất sang Nhật từ 500 kg sau đến 3-4 tấn/năm. Ngay từ thời điểm đó ông đã xác định, thị trường Nhật khó tính, nếu bán hàng cho Nhật thành công, sau này sẽ không gặp khó khăn ở các thị trường khó tính khác.

Cuộc chinh phục ngoạn mục

Năm 2006, Công ty Dược liệu Trung ương 2 có 5 trung tâm. Do "chiếc áo" đã quá chật, cần có cơ chế hoạt động mới nên các trung tâm tách riêng và Công ty TNHH Linh Chi Vina ra đời do Cổ Đức Trọng làm Giám đốc từ đó. Suốt hơn 20 năm trèo đèo lội suối vì nấm, tuổi ngoài 60 đôi chân của ông Trọng vẫn dẻo dai, có thể một mình lên đỉnh Phanxipăng. Ông Trọng và cộng sự đã trồng được nấm hầu thủ (nấm đầu khỉ) ngay tại TP.HCM. Với các loại nấm linh chi, hầu thủ, thượng hoàng, ông Trọng và cộng sự đã từng nhận được Giải thưởng Sáng tạo khoa học kỹ thuật TP.HCM năm 2000, 2007, 2009.

Theo nhiều tài liệu của các nhà nấm học thế giới và trong nước, chỉ có Đà Lạt là nơi có khí hậu thích hợp cho nấm hầu thủ phát triển vì loại này chỉ hợp với xứ lạnh. Thế nhưng, ông Trọng đã quyết tâm trồng loại nấm này ngay tại TP.HCM. Sau 2 năm mầy mò, ông Trọng đúc kết: "Tôi phải tìm cách áp dụng tập tính thích ứng nhiệt của các loài thực vật nói chung và loài nấm nói riêng để nghiên cứu và trồng cho được nấm hầu thủ, vì loại nấm này có giá trị cao về thực phẩm và dược phẩm".

Ông giải thích, ban đầu trồng nấm hầu thủ trong nhà trồng bình thường với nhiệt độ tự nhiên. Sau đó trong quá trình thích ứng, một số sẽ bị đào thải, số còn lại có thể sống sót. Lấy loại có sức đề kháng và thích ứng nhiệt độ cao này trồng tiếp, cứ thế chu trình đào thải và giữ lại số nấm thích ứng với nhiệt độ cao vẫn tiếp diễn, cho đến lúc giữ lại được giống nấm mạnh khỏe và nhân rộng sản xuất. Ông Suzuki, Chủ tịch Hội Nấm học Nhật Bản trong một lần đến thăm trang trại nấm của Công ty Linh Chi Vina đã thốt lên: "Đơn giản mà hiệu quả"!

Cũng với ý chí đó, ông Trọng đã lặn lội suốt những cánh rừng miền Đông Nam Bộ và cao nguyên Đắk Lắk để tìm ra và đem về nuôi thành công loại nấm linh chi vàng. Nhưng tìm ra các loại nấm quí đã khó, nuôi trồng được càng khó gấp bội. Sau khi trồng được từ năm 2003, các mẫu hoàng chi được gửi sang Nhật Bản để phân tích và kết quả bước đầu thật bất ngờ: Giáo sư Masao Hattori, Đại học Y dược Toyama, Nhật Bản, thông báo rằng: đây là loài hoàng chi được trồng lần đầu tiên trên thế giới.

Nghiệp nấm

Nhớ lại những ngày bị bầm dập vì nấm ấy, ông cho rằng, người đi đầu không quan trọng, người theo đuổi được đến cùng mới là người thành công. Đến nay, mỗi năm, Cổ Đức Trọng và các cộng sự của mình đã sản xuất ra hàng tấn nấm linh chi và các loại nấm dùng cho công nghệ thực phẩm, dược phẩm như bào ngư, hầu thủ…

Trong một buổi hội thảo về nấm linh chi do Tập đoàn Nông nghiệp Yoon Joong của Hàn Quốc phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM tổ chức, nhiều chuyên gia hàng đầu về nấm linh chi của Hàn Quốc cũng khẳng định rằng: điều kiện về khí hậu và thổ nhưỡng của Việt Nam rất phù hợp để trồng nấm linh chi. Các chuyên gia cũng cho biết, để cung cấp thêm dưỡng chất cho con người, tại Hàn Quốc đã sản xuất loại gạo nấm linh chi để bán cho người tiêu dùng.

Trong một tháng, chỉ cần ăn loại gạo này trong vòng 10 ngày cũng có thể bổ sung nhiều loại dưỡng chất giúp cho con người khỏe mạnh và tăng sức đề kháng đối với bệnh tật, nhất là bệnh ung thư. Thạc sĩ Cổ Đức Trọng khẳng định, Việt Nam cũng có thể sản xuất các loại nấm linh chi nhiều về số lượng và đảm bảo chất lượng không thua kém các cường quốc linh chi ở châu Á.

Chia tay, ông bộc bạch: "Khi gặp thất bại, nợ nần vì nấm, nếu chỉ để làm kinh tế tôi đã bỏ nấm đi làm việc khác, nhưng rồi dứt áo ra đi không được. Nó như cái nghiệp đã vận vào thân". 

Theo Lạc Sơn

thuyntt

Cùng chuyên mục
XEM