Ồ ạt nuôi cá sấu giống, cẩn thận khi thương lái trở kèo

29/06/2015 10:04 AM |

Giá cá sấu giống ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ở thời điểm hiện tại tăng đột biến so với mấy tháng đầu năm. Hiện tượng này tạo ra cơn sốt nuôi cá sấu giống ở khu vực này.

Giá tăng gấp đôi vẫn không có bán

Ông Nguyễn Văn Lượm ở huyện Cái Nước (Cà Mau) cho biết: Đầu mùa mưa (khoảng giữa tháng 5) là thời điểm vụ nuôi cá sấu bắt đầu. Hiện, gia đình ông cũng tranh thủ xây thêm 2 hầm nuôi cho kịp mùa vụ. “Thấy người dân ở đây đầu tư nuôi nhiều quá nên mình cũng làm theo, mong gỡ gạc lại vốn trong các vụ nuôi năm trước. Tổng kinh phí xây mới 2 chuồng nuôi, sửa chữa lại cái cũ mất gần 100 triệu đồng” – ông Lượm nói.

Cũng như gia đình ông Lượm, hàng trăm hộ dân khác ở địa phương này đang tất bật xây chuồng trại, và đi lùng mua cá sấu giống khắp nơi dù không biết rõ nguồn gốc, cũng như chất lượng con giống. “Hồi đầu năm, giá cá sấu giống chỉ ở mức từ 300.000 đồng/con, nhưng vào thời gian này đã tăng lên 500.000 -600.000 đồng/con, tùy vào từng thời điểm. Dù giá con giống tăng nhưng vẫn không đủ hàng để cung cấp cho người nuôi. Vừa rồi gia đình tôi sang tận Kiên Giang để tranh mua với các hộ nuôi khác, nhưng cũng chỉ được gần 200 con” – ông Trần Văn Của ở huyện Phú Tân (Cà Mau) cho biết.

Theo các hộ nuôi, dù giá con giống đang “sốt” nhưng người nuôi vẫn phải mua, vì đã bỏ nhiều chi phí làm chuồng trại. Ông Lượm khẳng định: “Người dân ồ ạt nuôi cá sấu không phải là nguyên nhân chính khiến giá con giống tăng, mà là do có sự xuất hiện của một nhóm thương lái Trung Quốc. Họ chấp nhận trả giá cao để mua cá sấu giống, khiến nông dân chúng tôi chạy theo muốn hụt hơi”.

Ồ ạt nuôi, bất chấp đầu ra

 

Ông Lương Ngọc Lân

Đã có một thời để gỡ khó cho người nuôi, ngành chức năng các địa phương từng đưa ra nhiều giải pháp như: Liên kết giữa người nuôi và doanh nghiệp chế biến các sản phẩm mỹ nghệ, gia tăng xuất khẩu chính ngạch, thành lập hiệp hội cá sấu... nhưng vẫn chưa mang đến hiệu quả.

Ông Đỗ Văn Đồng -Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Cà Mau cho biết: “Hiện trên địa bàn tỉnh, có hơn 200 hộ dân đăng ký mở trang trại nuôi cá sấu, với số lượng hơn 4.000 con. Đó là con số mà ngành chức năng nắm được, tuy nhiên trên thực tế con số này còn lớn hơn nhiều, do người dân nuôi tự phát không khai báo. Người nuôi không quan tâm nhiều đến chất lượng con giống. Đây là điểm đáng lo ngại nhất hiện nay”.

 

Còn ông Lương Ngọc Lân – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bạc Liêu cho biết: Vài năm trở lại đây địa phương này phát triển mạnh nghề nuôi cá sấu. Theo dự kiến tỉnh sẽ phát triển lên đến 500.000 con. Bên cạnh đó tập trung kêu gọi đầu tư để có nơi tiêu thụ sản phẩm, trang trại sản xuất con giống.

Hiện hầu hết người nuôi cá sấu không nắm rõ kỹ thuật nuôi, chuồng trại xây dựng không đúng theo điều kiện sống của cá, thức ăn, nguồn nước đều không đúng tiêu chuẩn… Mặt khác, giá cá sấu thương phẩm đang giảm mạnh. Nếu từ khoảng cuối năm 2014, giá cá sấu thương phẩm đã ở mức kỷ lục, từ 250.000 – 300.000 đồng/kg, nhưng vẫn không đủ để bán cho thương lái thì hiện nay giá đã giảm xuống, chỉ còn khoảng 130.000 đồng/kg.

“Muốn xuất khẩu cá sấu, người nuôi phải chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ hợp pháp, đúng tiêu chuẩn, đúng thế hệ F2 và có hạn ngạch… Hiện tại cá sấu đều xuất khẩu theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc. Người dân đồng loạt nuôi theo kiểu tự phát, không có hợp đồng bao tiêu sản phẩm nên đến thời điểm thu hoạch rất khó bán khi thương lái trở kèo” – ông Đồng cảnh báo.

Theo Hoàng Hạnh

Cùng chuyên mục
XEM