Nông dân làm giàu nhờ liên kết xuất khẩu nông sản

05/12/2015 17:53 PM |

Các thương vụ liên kết sản xuất nông nghiệp giữa doanh nghiệp với tổ hợp tác (THT) của các nông hộ đã giúp hàng ngàn nông dân Đà Lạt - Lâm Đồng làm được điều tưởng chừng không thể là xuất khẩu hoặc đưa nông sản vào siêu thị cao cấp.

Doanh nghiệp chủ động

Trong khi việc liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân mới được nhắc đến ở nước ta vài năm gần đây thì hơn 10 năm trước, tại thành phố Đà Lạt đã có liên minh sản xuất khá thành công giữa công ty nước ngoài Dalat Hasfarm với hàng chục nông hộ.

Doanh nghiệp này đã khai mở nghề trồng hoa công nghệ cao cho nông dân thông qua việc hướng dẫn làm nhà lưới, nhà kính hiện đại; cung cấp những bộ giống mới ngoại nhập; tiến hành chuyển giao kỹ thuật, quy trình canh tác; cử cán bộ kỹ thuật đến tận vườn hướng dẫn cho nông dân.

Về phía nông dân, phải tuân thủ quy trình sản xuất, từ khâu làm đất, xuống giống đến kỹ thuật canh tác, bón phân, phun thuốc, thu hoạch và bảo quản hoa tươi; cam kết bảo vệ bản quyền cây giống và bán sản phẩm đạt chất lượng cho công ty.

“Với việc hợp tác này, đôi bên cùng có lợi. Công ty vừa giảm được chi phí đầu tư cơ sở vật chất, nhất là quỹ đất vừa có sản lượng hoa ổn định, chất lượng. Còn nông dân được nâng cao trình độ sản xuất, bao tiêu sản phẩm với mức giá cao hơn giá thị trường và ổn định quanh năm”, ông Nguyễn Văn Nghĩa, Trưởng phòng hợp tác hoa địa phương của Dalat Hasfarm nói.

Bà Nguyễn Thu Hương (Phường 8, Đà Lạt) cho biết, đã đầu tư 5.000m 2 nhà kính với hệ thống tưới nhỏ giọt và tưới mát để liên kết trồng hoa, sau khi trừ mọi chi phí, mỗi năm lãi trên dưới 120 triệu đồng. Nếu không hợp tác với Dalat Hasfarm thì nông dân chẳng bao giờ dám mơ đến việc xuất khẩu hoa.

Nhà nước và các tổ chức quốc tế hỗ trợ

Những năm 2009-2014, từ nguồn vốn do Ngân hàng Thế giới (WB) và Cơ quan Phát triển quốc tế Canada tài trợ, Lâm Đồng đã triển khai Dự án Cạnh tranh nông nghiệp (ACP) nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh cho các nông hộ sản xuất quy mô nhỏ. Dự án đã hỗ trợ mở rộng quy mô của liên minh sản xuất (LMSX) do Dalat Hasfarm khởi xướng, đồng thời hình thành thêm 12 LMSX hoa, atiso, cà phê và chăn nuôi bò sữa thu hút 709 nông hộ tham gia, bình quân 54 hộ/ LMSX.

“Phát triển bền vững các chuỗi liên kết là mục tiêu quan trọng trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp địa phương, nhằm bảo đảm sản xuất, tiêu thụ nông sản và chuyển giao khoa học - công nghệ...”.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó giám đốc Sở NN&PTNT Lâm Đồng

Phó giám đốc Sở NN&PTNT Lâm Đồng Nguyễn Văn Sơn đúc kết sau khi tham gia liên minh, diện tích sản xuất của nông dân không ngừng tăng, đặc biệt ở LMSX Dalat Hasfarm tăng 56,8%.

Đàn bò của các hộ tham gia LMSX Bò sữa Hiệp Thạnh và Bò sữa Cầu Sắt tăng bình quân 66%/hộ. Lợi nhuận của doanh nghiệp tăng 34% và nông dân tăng 53%, không còn ám ảnh với điệp khúc được mùa mất giá, được giá mất mùa.

Đặc biệt, Lâm Đồng là tỉnh duy nhất trong 8 tỉnh thực hiện ACP của cả nước được WB chọn 2 LMSX là Dalat Hasfarm và Bò sữa Hiệp Thạnh để nhân rộng mô hình liên kết nhờ hiệu quả kinh tế mà các LMSX này mang lại cho nông dân.

170 nông hộ đã đưa hàng chục hecta vào liên minh trồng hoa với Dalat Hasfarm, mỗi năm cung ứng hàng chục triệu cành hoa, chiếm khoảng 11 - 12% sản lượng hoa xuất khẩu của Cty. 159 hộ là thành viên của THT chăn nuôi bò sữa Hiệp Thạnh đã LMSX với Dalat Milk để phát triển đàn bò sữa. Ăn nên làm ra từ liên minh này, nhiều nông hộ phát triển theo mô hình trang trại với quy mô hàng chục con, thu tiền tỷ từ việc bán sữa bò.

Các LMSX nói trên có sức lan tỏa lớn, khơi mào cho sự hình thành hàng chục LMSX giữa các doanh nghiệp với THT của nông dân tại Lâm Đồng, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản, hạn chế rủi ro qua mỗi vụ mùa cho hàng ngàn nông hộ.

Tiêu biểu, LMSX giữa Cty Hoa Mặt Trời với hàng chục nông hộ thuộc THT Hương Sắc để xuất khẩu lan vũ nữ đi Nhật Bản, LMSX giữa HTX Anh Đào với nông dân để mở rộng diện tích đất trồng rau từ 12ha rau lên hàng trăm hecta theo tiêu chuẩn VietGAP để xuất rau đi Hàn Quốc và tiêu thụ tại hệ thống siêu thị nội địa.

Cần nhạc trưởng điều phối chuỗi liên kết

Hơn 31% trong số 13 LMSX thuộc Dự án ACP không có khả năng phát triển do năng lực của doanh nghiệp hoặc THT nông dân còn yếu. Hiện một số LMSX chè Ô long có nguy cơ tan rã do bế tắc đầu ra.

Thực tế đó cảnh báo nông dân phải lựa chọn doanh nghiệp có uy tín, đủ năng lực về tài chính và tiềm lực tiêu thụ sản phẩm để liên kết. Về phía doanh nghiệp cũng phải nắm rõ khả năng điều hành của các tổ trưởng THT và hiệu quả sản xuất cũng như kỹ năng liên kết nhóm của các nông hộ.

Theo các chuyên gia nông nghiệp, diện tích đất của đa số các nông hộ còn ít, việc sản xuất còn khá manh mún, nếu không liên kết thì không có đủ số lượng cũng như độ đồng đều về chất lượng sản phẩm để ký kết hợp đồng tiêu thụ lớn. Tuy nhiên, LMSX phải dựa trên nguyên tắc bình đẳng - tự nguyện - cùng có lợi; mặt khác cần có sự giám sát, hỗ trợ và xúc tác của chính quyền, nhất là thông tin liên kết thị trường vùng, miền, quốc gia.

Phải có “nhạc trưởng” điều phối chuỗi liên kết nhưng ai sẽ tham gia điều phối (để buộc các bên tham gia phải thực thi những cam kết của mình) thì Nhà nước phải có câu trả lời; đồng thời sớm hoàn chỉnh các cơ chế, chính sách trong việc tổ chức liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản cho nông dân.

Theo Kim Anh

Cùng chuyên mục
XEM