Làm thơ, chế nhạc phát loa rao bán ngô luộc, trà đá

26/10/2014 09:23 AM |

Từ bắp ngô luộc, trà mạn, bẫy đánh chuột đến hàng gia dụng, quần áo, chăn chiếu đệm... bán rong khắp đầu đường, cuối phố hay ngồi bán ở chợ giờ có chiêu mới: bán hàng bằng loa.

Công nghệ rao hàng thời hiện đại

“Đồ gia dụng hàng Việt Nam đại hạ giá đây. Hộp nhựa 20.000 đồng một chiếc, lô 5 hộp 100.000 đồng, khuyến mãi 1 hộp nhỏ".

Đang di chuyển trên đường Vũ Tông Phan (Thanh Xuân, Hà Nội), chị Nguyễn Thị Bưởi, nhân viên hành chính tại một trường trung cấp trên đường Nguyễn Ngọc Vũ giật mình quay lại bởi tiếng rao nhèn nhẹt nực cười át hết cả tiếng xe cộ buổi sáng. Tuy nhiên, chị cũng chợt nhớ ra, mấy hộp đựng đồ trong tủ lạnh của gia đình cũng đã quá cũ, cần phải thay mới.

Vào cửa hàng, anh thanh niên chừng 35 tuổi không ngơi tay tính tiền, anh chỉ hỏi mấy chiếc, tính giá tiền, còn chiếc loa bên cạnh vẫn đều đều rao hàng thay anh.

Làm thơ, chế nhạc phát loa rao bán ngô luộc, trà đá
Chiếc xe tải đỗ đâu, người bán nhanh chóng đeo mic mở loa bán hàng.

Không bán ở chợ, mà trên chiếc ôtô tải nhỏ, anh Trần Văn Thịnh (Văn Điển, Hà Nội) lại chạy xe vào nhiều ngõ lớn đông dân cư ở Thủ đô. Trên xe là hàng trăm chiếc mâm nhôm, thau chậu, siêu nước và nồi niêu. Chiếc xe hàng của anh không khác gì một đại lý bán đồ gia dụng lớn. Tới những ngã ba, ngã tư lớn, xe dừng lại. Anh Thịnh nhanh chóng mở cửa thùng xe, mắc chiếc micro lên cổ áo và nhanh chóng rao hàng. Chiếc loa gắn trên nóc ô tô phát đi những âm thanh lớn, những tiếng trả lời khách nhanh và đều răm rắp. Chỉ trong chốc lát, những người dân xung quanh đã xúm xít lại xem hàng, mua bán...

Chợ tạm cầu Lủ (đường Vũ Tông Phan, Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) trước đây nổi tiếng là chợ “khó đỡ”. Khó đỡ vì dù đã giải tỏa nhiều lần nhưng người bán cứ bám riết lấy vỉa hè, lòng đường mà buôn bán. Nhưng cái khó đỡ nhất lại là những kiểu bán hàng lạ lùng ở đất Thủ đô. Ở đây, rất nhiều các sạp bán hàng không mời chào bằng miệng mà bán bằng loa. Đặc biệt, nhiều lời rao như một bản nhạc chế, phim hài.

Chẳng phải các cửa hàng bình dân, các xe hàng di động dùng đến loa đài để “câu khách”. Thời gian gần đây, khi dừng đèn đỏ trước của hàng một DN lớn trên đường Hai Bà Trưng, nhiều người đi đường cũng được nghe bản nhạc rap với lượng âm thanh lớn về các sản phẩm tại cửa hàng: “Bạn đang cần mua máy tính, hãy đến với F. shop. Bạn đang cần mua điện thoại, hãy đến với F. shop”...

Vài chục nghìn để có trò mới hút khách

Không phải tiết kiệm lời chào hàng mà trong lúc kinh tế khó khăn, người bán càng phải nghĩ ra nhiều chiêu trò để hút khách. Việc bán hàng bằng loa, vì thế, đang được ứng dụng khác phổ biến, rộng rãi. Thay vì nghe chào mời bằng miệng, khách hàng giờ được nghe lời rao giùm từ máy móc. Những tiếng rao, với nhiều âm sắc khác nhau, giúp người bán quảng cáo hàng tới nhiều người nhanh hơn.

Chiếc cassette cũ giờ được  thay bằng chiếc điện thoại kèm bộ loa, nhờ đó, người bán hàng tha hồ quảng cáo mà không lo mỏi... miệng
Chiếc cassette cũ giờ được thay bằng chiếc điện thoại kèm bộ loa, nhờ đó, người bán hàng tha hồ quảng cáo mà không lo mỏi... miệng.

Từ chỗ dùng máy cassette với những cuốn băng dây, giờ anh Hoàng Văn Hùng (Hậu Lộc, Thanh Hóa) đã mua chiếc điện thoại di động về thu trực tiếp giọng rao hàng của mình để đưa vào máy phát.

Anh Hùng chia sẻ: “Tôi bán keo dính chuột, thắt lưng, băng đài cả chục năm nay rồi. Cái máy cassette cũng mòn hỏng. Giờ sinh ra cái điện thoại, vừa tiện lợi, đỡ tốn diện tích lại có thể thay lời rao thường xuyên. Chỉ cần đầu tư cái loa cũ hơn 20.000 đồng nữa là thoải mái. Không sợ bằng rè, băng sứt nữa”.

“Mặt hàng đang bán là áo quần nên thường có nhiều mẫu mới, nghe một giọng hoài cũng chán, mà lại tiếng của người khác nên không thích. Từ khi có điện thoại, tôi lấy cái chăn trùm thật kín, sau đó bật máy lên ghi âm lại. Đi bán thì lấy thẻ nhớ ra gắn vào chiếc máy mini để phát. Làm như vậy thỏa sức sáng tạo nhiều cách rao hàng, nay kiểu này, mai kiểu khác, khách hàng nghe ai cũng thích, còn mình thì không mất công đi thâu băng như trước kia” anh Ngọc Hưng, bán quần áo ở chợ Ngã Tư Sở, cho hay.

“Người dùng giờ chỉ cần chiếc điện thoại cá nhân, đầu tư bộ loa cũ từ 20.000 đến 100.000 đồng là thoải mái. Với những người mặt hàng lớn, một chiếc loa chuyên nghiệp cũng chỉ trên dưới 200.000 đồng - anh Đỗ Văn Toàn, một người chuyên cung cấp loa để bán hàng rong ở chợ trời, tiết lộ.

>> Cửa hàng bánh mì bán 2.000 chiếc/ngày ở phố cổ Hà Nội

Theo Yên Ba

Cùng chuyên mục
XEM