[Khởi nghiệp] 4 vườn ươm triệu phú IT hàng đầu Việt Nam

09/01/2015 10:18 AM |

Các mô hình vườn ươm tạo doanh nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) có những đóng góp tích cực trong việc đào tạo và phát triển những tài năng công nghệ trẻ của Việt Nam.

FYT: Cái nôi đầu tiên của nhiều triệu phú Internet

Được thành lập từ năm 1999 với mục đích hỗ trợ cho các sinh viên công nghệ phát triển, Trung tâm Tài năng trẻ FPT (FYT) được coi là một trong những vườn ươm lâu đời nhất tại Việt Nam do doanh nghiệp tư nhân xây dựng và phát triển.

Đến nay, FYT đã quy tụ được gần 400 sinh viên tài năng, trong đó có 250 bạn được giải quốc gia, 170  giải quốc tế... đáp ứng được phần nào mục đích đào tạo, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.

Đặc biệt, trong số những thành  viên được FYT đào tạo có nhiều tên tuổi đã góp phần tạo nên sự thành công của làn sóng khởi nghiệp thứ nhất (bắt đầu những năm đầu thế kỷ 21) như Nguyễn Hòa Bình (TGĐ Công ty PeaceSoft), Vương Vũ Thắng (TGĐ VCCorp), Vương Quang Khải (Phó TGĐ VNG).... Không chỉ cung cấp học bổng, FPT còn hỗ trợ các bạn sinh viên kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm về khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, được huấn luyện bởi những người cố vấn giàu kinh nghiệm.

Topica Founder Institute: Ngôi nhà của những ý tưởng

Đây là chương trình tăng tốc khởi nghiệp dưới sự kết hợp của Tổ hợp giáo dục Topica và Founder Institute (chương trình huấn luyện khởi nghiệp tại Thung lũng Silicon). Hiện chương trình đã tổ chức đến năm thứ 3 và trợ lực cho nhiều startup thành công hiện nay. Topica cung cấp kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng về khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, từ những vấn đề về việc quản lý chi phí, phát triển sản phẩm, định hướng doanh nghiệp, tìm co-founder đến những vấn đề chuyên sâu như làm SEO, Marketing, Head Hunt.

Những cái tên như Đỗ Tuấn Anh (cha đẻ của Appota.com), Mai Duy Quang (biaki.com, giaytot.com)... đều trưởng thành từ vườn ươm này và hiện đang là những tên tuổi sáng giá trong làng công nghệ Việt.

mLab: Cầu nối giữa nhà đầu tư và doanh nghiệp

Đây là một không gian mở, nơi các doanh nhân công nghệ, nhà phát triển ứng dụng có thể tương tác, làm việc, được truy cập vào các công cụ chuyên môn, triển khai các giải pháp để khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp của họ. mLab còn đóng vai trò là cầu nối giữa các nhà đầu tư và doanh nghiệp để thương mại hóa các sản phẩm từ phòng thí nghiệm ra thị trường.

Hơn nữa, phát triển các ứng dụng di động này sẽ giúp cho sự kết nối của người dân, doanh nghiệp với các dịch vụ công của chính phủ trở nên dễ dàng hơn. Các phòng mLab hỗ trợ cộng đồng doanh nhân khu vực, tạo việc làm và nâng cao sức cạnh tranh bằng cách cung cấp các không gian mở nơi các nhà phát triển sẽ được đào tạo, tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật và giúp tiếp cận nguồn vốn, kết nối nhà đầu tư và thị trường.

Trung tâm Sáng tạo công nghệ (Becamex TIC)

Được thành lập từ năm 2012, Becamex TIC hỗ trợ hoàn toàn miễn phí cho các doanh nghiệp khởi nghiệp từ chi phí thuê mặt bằng, hạ tầng CNTT, vốn để khởi động doanh nghiệp và tư vấn cho doanh nghiệp về pháp lý, kế toán và các phương thức thương mại hóa sản phẩm.

Ban cố vấn của Becamex TIC là những bậc thầy trong lĩnh vực IT thế giới gồm ông Ed Fries, nguyên phó chủ tịch Microsoft và là cha đẻ dự án Xbox và Microsoft Excel; bà Anne-Marie Roussel, giám đốc đối tác và sáp nhập của Sharp; ông Đỗ Hoài Nam, nhà đồng sáng lập và là giám đốc điều hành Emotiv Systems…để làm cầu nối cho các nhóm khởi nghiệp nhanh chóng tiếp cận với thị trường công nghệ thông tin thế giới.

>> Ông Nguyễn Thành Nam: Start-up đừng nhìn vào tỷ USD, phải nhìn ra thị trường tỷ người

Bảo Bảo

Thanh Thủy

Cùng chuyên mục
XEM