Hiệu sách cũ phố Bà Triệu: Đã hết thời của “Dư máy chém”? (P.2)

02/07/2015 09:06 AM |

Khi mà cái thời hoàng kim của sách cũ đã lùi xa về quá khứ, rất nhiều nhà buôn sách cũ phải đóng cửa, bỏ nghề, thì “gã Dư ngông" vẫn ung dung tự tại, ngạo nghễ với nghề suốt gần bốn chục năm qua.

Ngoài núi sách quí chất chồng tại số nhà 180 Bà Triệu này thì ông Lương Ngọc Dư vẫn còn cất giữ cho mình nhiều “kho báu sách quý” khác nữa, bởi những cuốn sách cực quý, cực hiếm, hay còn lưu lại bút tích các bậc vĩ nhân thì ông chỉ để sưu tầm chứ ông không bán.

Sách quý… từ đâu mà có

Ông kể, thời kỳ bao cấp, nhiều trí thức, kể cả chức sắc, tướng lĩnh gặp khó khăn về kinh tế, nhà cửa chật hẹp đành phải thanh lý tủ sách quý của gia đình. Họ gọi ông đến vì biết ông là người buôn sách “biết chữ”. Tuy nhiên, hầu hết chủ nhân của những tủ sách quí gia đình đều yêu cầu ông phải xóa dấu tích, thủ bút của họ trên sách vì nhiều lí do.

Với ông Dư, “sách quý mà có thêm chữ ký tay, con dấu hay hình ảnh của tên tuổi được xã hội kính trọng thì giá trị của sách sẽ tăng lên gấp nhiều lần. Nhưng tôi tôn trọng nguyện vọng của những người đã ngậm ngùi mà bán nó cho tôi”.

Ngoài ra ông còn cho biết, sách quý nhiều khi cũng trôi dạt đâu đó trên thị trường, ở các hàng sách cũ khác chứ không đến thẳng tay ông. “Nhưng không phải sách vào tay ai cũng thành sách quý. Phải là người có trình độ, hiểu biết mới đánh giá hết được giá trị cũng như mức độ quý hiếm của những quyển sách này”.

Sách quý còn là khi đến được với đúng người cần nó. Đó là lí do vì sao dù ông có khó tính nhưng khách hàng quen vẫn tìm đến rất đông. Vì đơn giản, ông biết cung cấp cho họ những cái họ cần. Sách nào không có ông cũng nói luôn, khách hàng có thể để lại thông tin để ông tìm giúp. “Không như nhiều nhà sách khác, để khách hàng tìm kiếm tự do nên nhiều khi sách có ở đấy nhưng lại không tìm thấy. Thậm chí chủ hàng cũng chẳng biết để ở đâu, sách còn hay hết”.

Vì sao kinh doanh sách cũ sớm hết thời?

Lịch sử nghề buôn sách cũ: xuất phát điểm chính là phố sách cũ Đường Láng. (Xem thêm: Phố sách cũ đường Láng bây giờ ra sao?)

Ông kể, nghề sách cũ xưa nay người ta vẫn thường gọi là nghề “mua cân bán quyển”, nghĩa là mua vào thì rất rẻ nhưng bán ra theo quyển, bán rất đắt, lãi rất nhiều.

Thời đấy, do chuyển đổi cơ chế, rất nhiều thư viện bán thanh lí sách. Đã gọi là bán thanh lí thì rất rẻ, chỉ như giá đồng nát. Người ta mua về rồi bán ra, thấy càng nhiều khách mua thì hét giá càng cao, lãi rất nhiều, rồi thi nhau đổ xô đi buôn. Nhiều người cũng làm giàu lên nhờ buôn sách.

Đến khi thư viện hết nguồn để bán thanh lí, sách cũ trở nên bão hòa. Khách mua cũng ngày một giảm dần do sách thì chỉ cần mua một lần có thể dùng cả đời.

Hết thời buôn lời bán lãi thì người ta chuyển nghề. Về cơ bản, đa phần những người buôn sách như vậy đều là những người không biết chữ.

Buôn tri thức, cần phải có tri thức

Thừa nhận bản thân may mắn vì có trí nhớ tốt, lại có vốn đọc từ khi còn trẻ nên cái nghề mới chọn theo ông đến tận ngày hôm nay. Chính sự hiểu biết phong phú tích lũy từ nhiều năm đọc sách là cầu nối giữa ông với khách hàng.

Tôi còn kinh doanh được đến ngày hôm nay đa số là do khách quen, chứ khách lạ rất ít. Khách quen đa phần đều là những người yêu sách, thích đàm đạo về sách nên họ rất thích tôi vì nói về vấn đề gì tôi cũng biết”, ông nói.

“Người đọc sách, mua sách bao giờ cũng chỉ có mức độ, có số lượng nhất định trong xã hội”. Vậy nên, phải là những người yêu nghề, thích nghề, đam mê với sách mới đứng vững được trong lĩnh vực này.

Kinh doanh sách cũ, nếu chỉ vì cái lợi trước mắt thì không bao giờ vững. “Đầu tư văn hóa đâu phải có lãi ngay ngày mai, mà phải 10 năm sau, 100 năm sau. Phải là người có học thức, có trình độ mới nhìn ra được điều đó”, ông Dư khẳng định.

Được biết, nổi danh và đứng vững ở đất Hà Thành hiện vẫn còn 3 “cây Đại Thụ” của nghề buôn sách cũ từ trước những năm 1980 đến nay: ông Điền, ông Cảnh và ông Dư đều là những người có bề dày tri thức, vốn đọc rộng, hiểu sâu.

G.Hiền

Cùng chuyên mục
XEM