Hiệu sách cũ phố Bà Triệu: Đã hết thời của “Dư máy chém”? (P.1)

01/07/2015 10:24 AM |

Dân mê sách Hà Thành xưa nay chắc hẳn không ai là không biết đến cái “thư viện già” ngự tại số nhà 180 trên Phố Bà Triệu. Người ta bảo ở đây sách gì cũng có. Người ta cũng bảo ở đây có “gã Dư ngông” bán hàng rất khó.

Vốn là một kỹ sư xây dựng, từ cái thời năm 1980 còn rất khó khăn, làm 4 năm vẫn không được vào biên chế đồng nghĩa với việc không có thu nhập, ông Lương Ngọc Dư đành chọn nghề đi buôn.

“Thời sinh viên cũng vừa đi học, vừa đi buôn, lại liên quan đến buôn sách nên tôi rất biết cách làm kinh tế với sách. Sau này khi quyết định theo nghề, tình cờ tôi lại phát huy kinh nghiệm rất nhanh. Khách cũ tìm đến, khách Tây cũng tìm về. Họ hỏi tôi cái gì về sách tôi cũng biết nên họ rất khoái”, ông kể.

Phong cách bán sách… không giống ai

Nếu ai đã có dịp một lần ghé chân vào hiệu sách cũ 180 Bà Triệu mới thấy hết được sự đồ sộ không ngờ của nó, khác hẳn với cái dáng vẻ nhu mì khi nhìn từ ngoài. Sách được xếp chồng lên nhau tầng tầng lớp lớp cao đến sát tận trần nhà. Các lối đi nhỏ hẹp, san sát chỉ đủ lách thân người. Đầu sách đa dạng, phong phú, nhiều cuốn thậm chí trông còn rất lạ lẫm khó hiểu vì là sách cổ xưa quý hiếm. Nhưng tựu trung, có một cái gì đó như ngạo ngễ, như huyền bí bao trùm lên tất cả những “con cưng” đượm màu thời gian của “gã ngông”.

Sách ở đây đều là sách cũ, không bán sách mới, “đều là hàng chất lượng chứ không có hàng giải trí. Khách hàng xưa nay mua sách cũng là để phục vụ mục đích nghiên cứu, tìm hiểu hoặc viết bài chứ không có kiểu khách mua để đọc cho đỡ buồn”, ông Dư cho biết.

Ước tính phải có đến hàng nghìn, hàng chục nghìn cuốn sách quí trong không gian không mấy rộng rãi của cửa hàng nằm trên mặt phố đắt đỏ này nhưng có một điều vô cùng đáng ngạc nhiên, nhắc đến quyển nào ông cũng biết. Không những biết tên, biết tác giả mà ông còn “nằm lòng” nội dung bên trong. Có lẽ vì thế mà phong cách bán hàng của ông Dư cũng chẳng giống ai.

Khách đến đây không được tự do sờ vào sách, tuyệt nhiên không có chuyện “xem có gì hay hay thì mua” mà cần quyển gì thì hỏi cụ thể, không nhớ chính xác tên sách thì phải nói được lĩnh vực quan tâm, ông sẽ gợi ý vanh vách từng cuốn của tác giả nào, viết năm bao nhiêu, giá trị nội dung ra sao. Khách ưng thì chờ ông lấy cho xem vì có cho tìm cũng không biết chỗ nào mà lấy.

Sau mỗi lần khách xem sách xong, ông lại đóng gói cẩn thận và để trở lại chỗ cũ, nơi mà chỉ có mình ông mới biết.

Sau mỗi lần khách xem sách xong, ông lại đóng gói cẩn thận và để trở lại chỗ cũ, nơi mà chỉ có mình ông mới biết.

Khách lạ có thể chưa quen, nhưng khách quen thì không những thấy rất tiện lợi mà họ còn kính nể, thán phục trí nhớ và sự sắp xếp tài tình của ông. Đây cũng là một trong những cách ông giữ gìn “kho báu” của mình vì ông hiểu giá trị của chúng nên “có bán cũng phải bán cho người thực sự cần và hiểu được giá trị sách mình mua”, ông nói.

Tài sản… không tính bằng con số

Hẳn có là người sành về sách lắm cũng chưa chắc ước tính được “khối gia tài” mà ông Dư đang nắm giữ.

Con số không nói lên điều gì, số lượng không nói lên điều gì, cái mà tôi rất quan tâm chính là giá trị nội dung bên trong những cuốn sách. Cái đấy mới là thực chất, là chất lượng. Dù tôi có cả tỷ cuốn sách mà không biết giá trị của nó thì cũng chỉ là đống giấy lộn”, ông cho hay.

Để biết được cuốn sách có giá trị hay không là do kinh nghiệm, trình độ hiểu biết được tích lũy theo thời gian. Ông may mắn hơn người là có vốn đọc từ rất sớm, lại trí nhớ tốt nên “tất cả sách của tôi ở đây đều là sách quý hết, chỉ là quý nhiều hay quý ít, nhiều tiền hay ít tiền”.

Nếu một cuốn sách vừa được phát hiện là có giá trị, lại tiếp tục được phát hiện là quyển sách siêu hiếm thì đương nhiên nó phải rất nhiều tiền”, vừa phân tích, ông vừa tiện tay với ngay một cuốn sách trông có vẻ không cũ:

“ Ví dụ như đây là một quyển sách siêu hiếm do người Pháp viết về du lịch Việt Nam, được in ở Việt Nam từ hơn 1 thế kỷ nay. Trong đó còn có cả bản đồ. Và tất nhiên, vì nó quá hiếm như này nên tôi cũng chẳng dại gì bán ngay quyển gốc lấy mấy triệu bạc.”

Bản Foto của cuốn sách được ông Dư giới thiệu là siêu hiếm. Sách được in vào năm 1914.

Cuốn sách (bản photo) được ông Dư giới thiệu là siêu hiếm. Sách được in vào năm 1914.

Nhìn chung, giá trị kinh tế của cuốn sách phụ thuộc vào mức độ cung cầu: mua vào rẻ thì bán rẻ, mua vào đắt thì bán đắt, mà cực hiếm nữa thì bán đắt nữa, ông cho biết.

Tuy nhiên, với riêng ông, việc định giá bán thường rơi vào ứng xử văn hóa với khách hàng. Ông kể, với những khách hàng hiểu biết, nay họ có thể chưa mua, ngày mai quay lại ông vẫn bán cho giá cũ. Nhưng có những khách vãng lai không hiểu chuyện, ngày mai quay lại chưa chắc ông đã bán và nếu có, thì giá bán cũng cao hơn rất nhiều. Ông cho rằng, những người đã không biết giá trị thực của cuốn sách thì không nên mua. Vì vậy, việc ông tăng giá sách mục đích là để sách quý không rơi vào tay những người không biết quý trọng.

Ông còn quan niệm “Có những người bay nửa vòng trái đất sang đây mua sách thì không bao giờ tôi bán giá quá rẻ. Bán giá rẻ quá người ta lại khinh tôi”. “Hay như nhìn sách khách hàng cầm trên tay là tôi biết ngay quyển đấy là quyển rất nhiều người tìm. Những sách từ năm chín mấy, tuy giá bìa chỉ có mấy đồng bạc nhưng tôi phải bán theo giá kinh doanh bây giờ. Nó phải có tỉ lệ của xã hội chứ.”

Bởi thế nên dù từng bị mang tai tiếng là “máy chém”, ông không những không thanh minh mà còn hãnh diện, vì ông tin sách quý thì vô giá.

( Còn tiếp)

G. Hiền

Cùng chuyên mục
XEM