Hàng hiệu ế ẩm, 'siêu thị vỉa hè' lên ngôi

20/08/2012 06:58 AM |

Kinh tế khó khăn, các shop hàng hiệu “thường trực” trạng thái đìu hiu, vắng khách. Đối lập với các shop sang trọng, nhiều mặt hàng bán trên vỉa hè lại nhộn nhịp và đắt hàng hơn hẳn.

Đủ chiêu vẫn ế

Tại một số tuyến phố nổi tiếng của Hà Nội, các “tín đồ shopping” đất Hà Thành như Cầu Giấy, Xuân Thủy, Chùa Bộc, Hàng Bông, Grand Plaza (đường Trần Duy Hưng)...tập trung những gian hàng thương hiệu được nhiều người biết đến như  Le’vis, Giovanni, Shiseido, Zara, Esprit, túi Borse Morgan, Scorpion...
 
Dù các gian hàng này đều treo biển giảm giá “khủng” từ 20%-75%, song lượng khách mua thì ít mà ngắm và thử rồi đi thì nhiều.

Bức tranh đối lập hàng hiệu khuyến mãi “khủng” vẫn ế, hàng vỉa hè “đắt như tôm tươi”.

  
Theo anh Nguyễn Công Sơn, phụ trách PR-Marketing, Shop Hao Anh Collection trên phố Tôn Đức Thắng (Đống Đa, Hà Nội), thực tế thị trường kinh doanh hàng hiệu mấy tháng trở lại đây có phần khó khăn hơn.
 
Lượng khách hàng tìm đến hàng hiệu giảm hẳn so với trước, điều này cũng dễ hiểu bởi tình hình kinh tế khó khăn chung. Nếu trước kia họ sãn sàng bỏ mấy chục triệu đồng để mua một cái túi xách mà không cần đắn đo thì nay họ tìm đến sản phẩm thay thế khác hợp với túi tiền của mình.
 
Vắng khách nên các cửa hàng thực hiện chiêu khuyến mãi một cách quá đà, bất kể mùa nào, dịp nào cũng treo biển giảm giá câu khách. Hơn nữa, nhiều cửa hàng còn “treo đầu dê, bán thịt chó” bên ngoài treo biển khuyến mãi lớn đến khi khách hàng vào mua thì chỉ có một số mặt hàng lỗi mốt, tồn kho được giảm giá.
 
Thậm chí nhiều cửa hàng còn nâng giá niêm yết trên sản phẩm rồi tung ra các chiêu giảm giá sốc để bịp khách hàng. Không những thế nhiều cửa hàng còn treo biển “Thanh lý toàn bộ cửa hàng” để đánh lừa người mua, đánh vào tâm lý thanh lý cửa hàng sẽ “bán như cho”, nhưng thực tế những cửa hàng này treo hàng năm mà không dỡ xuống.
 
Chủ một cửa hàng trên đường Cầu Giấy, Hà Nội thừa nhận: “Khách hàng bây giờ không còn mặn mà, thậm chí phát ngán, thờ ơ với những kiểu quảng cáo sale off (giảm giá). Nhưng cũng không thể thiếu những biển quảng cáo như vậy bởi “trăm người bán, vạn người mua”, có ai giống ai đâu, bắt được “con gà” nào thì bắt.
 
Tình hình khó khăn chung rồi, đến thiên đường mua sắm cao cấp Grand Plaza (Trần Duy Hưng, Hà Nội) nhiều gian hàng cao cấp cũng không ngoại trừ, mấy đứa bạn mình chung vốn thuê trong đấy được mấy tháng đã phải “chuồi ra” vì không chịu được nhiệt".

Siêu thị” vỉa hè đắt khách

Đối lập hoàn toàn với cảnh tượng “vắng tanh như chùa bà đanh” tại các shop thời trang hàng hiệu trên các con phố lớn, tại các con phố Hà Nội được mệnh danh “đại siêu thị vỉa hè” mọc lên “như nấm sau mưa” lại tấp nập và nhộn nhịp hơn hẳn.
 
Một số tuyến phố như Thái Hà, Khương Trung, Nguyễn Khánh Toàn, Xuân Thủy (đoạn chợ Nhà Xanh, ĐH Sư phạm HN), đoạn đường khu đô thị Nam Trung Yên,.. từ 5h chiều đến khuya ở những đoạn đường này cảnh mua bán khá nhộn nhịp hẳn lên bởi người bán thi nhau chào hàng, còn người mua tấp vào lề đường chọn và thử đồ.
 
Không cần biển quảng cáo khuyến mãi cầu ky,â bắt mắt, hầu hết các cửa hàng vỉa hè chỉ trưng một tấm bìa cát-ton ghi rõ ràng tên sản phẩm đồng giá bao nhiều tiền “áo đẹp, chất 50k/cái”, “Thắt lưng đẹp 25k/cái”...
 
Chị Thanh bán quần áo trên vỉa hè gần ĐH Sư phạm HN cho biết: “Người mua quen rồi, nhìn vào tấm biển quảng cáo là biết hàng gì và giá bao nhiêu không cần phải mặc cả. Hơn nữa hàng đồng giá nên người mua thoải mái chọn cái ưng ý nhất, không mua thì thôi.
 
Giá cả cũng rẻ hơn nhiều so với các cửa hàng trong chợ (chợ Nhà Xanh gần đó - PV). Bây giờ là thời điểm giao mùa nên xả hàng hè khuyến mãi giá gốc để chuẩn bị nhập lô mới cho kịp. Ngày càng nhiều người bán, có đoạn đường ngắn tý mà có đến hàng trăm người bán nên lãi lờ cũng chẳng được bao nhiêu, được cái không phải trả tiền mặt bằng nên cũng tạm được”.
 
Tưởng chừng chỉ có những cửa hàng mới dùng Ma-nơ-canh để giới thiệu những sản phẩm mới, nhiều người bán hàng vỉa hè cũng đầu tư để vừa mắt các “thượng đế”.
 
Trên đường Khương Trung mới dọc sông Tô Lịch (Thanh Xuân, Hà Nội) nhiều người qua đường không khỏi trầm trồ ngạc nhiên đối với thị trường quần áo vỉa hè có Ma-nơ-canh diện hàng ở đây.
 
Theo bà chủ một sạp bán quần áo, đoạn này đèn chiếu sáng yếu nên để người mua không cần phải thử nhiều và quần áo bắt mắt hơn nên mang theo Ma-nơ-canh (Ma-nơ-canh không có tay, không có chân-PV). Thời gian nhộn nhịp nhất là lúc mọi người đi làm về và lúc mọi người đi dạo phố khoảng 9-10 giờ tối.
 
Anh Phạm Công Hội, làm ở hiệu nội thất ô tô gần đó cũng tranh thủ giờ nghỉ trưa đang loay hoay chọn giày cho biết: “Hôm trước tôi đến một số hiệu trên Lê Duẩn tìm mua một đôi giày để về quê nhưng gần triệu bạc nên thôi, thấy mọi người bảo mua giày ở vỉa hè vừa “chất” lại rẻ nên tranh thủ nghỉ trưa ra xem thử.
 
Không biết thật hay giả, nhưng anh bán giày bảo “nhiều đôi “chôm” được vẫn còn ngon lắm, đi vào “chất” hơn hẳn, nhiều người đi ô tô xịn còn mua”. 
 

Lập chốt bám vỉa hè

Không chỉ những mặt hàng quần áo hút khách mà giày, dép cũng nhộn nhịp đắt hàng không kém. Trên đoạn đường gần 1km khu đô thị Nam Trung Yên (Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) tấp nập hơn hẳn so với các con đường khác bởi hàng vỉa hè bày bán gần như 24/24.
 
Hàng hóa chủ yếu trên đoạn đường này vẫn là hoa quả, giày dép, để phục vụ người mua nhiều người bán còn “lập chốt”, ăn ngủ luôn tại trận.

Theo Người đưa tin

duchai

Cùng chuyên mục
XEM