Hà Nội: Quán lẩu đón hơn 1.000 lượt khách, tiêu thụ 2 tạ ếch thịt mỗi ngày

21/10/2015 16:33 PM |

Nhờ có mặt bằng rộng rãi, quán lẩu ếch, đồ nướng của chị Thu gần như lập kỷ lục ở Hà Nội khi mỗi đêm đón hơn 1.000 lượt khách, tiêu thụ hết khoảng 2 tạ ếch thịt.

Phố Phó Đức Chính (Tây Hồ - Hà Nội) lâu nay được biết đến như là một địa chỉ quen thuộc dành cho những người nghiền các món lẩu, nướng. Con phố dài chừng chưa đến 1km ấy có tới vài quán lẩu, nướng cùng mọc lên. Những dịp thời tiết mát mẻ hoặc se lạnh về đêm, khắp khu phố này như nhộn nhịp hơn hẳn bởi hầu hết hàng quán đều đông khách ra vào.

Một trong những địa chỉ được nhiều người lui tới là quán lẩu ếch, bò nướng của gia đình chị Hoàng Minh Thu. Gọi là bán kèm thêm đồ nướng nhưng quán ăn này hầu như chỉ chuyên về ếch. Chủ quán cho biết, thực khách ở đây có tới hơn 90% là gọi các món liên quan tới ếch như lẩu, ếch xào xả ớt, chua ngọt...

Trung bình mỗi ngày, quán chi Thu đón khoảng 1.000 lượt khách, vào dịp cuối tuần hoặc lễ tết, con số này có thể cao hơn. Tương ứng với lượng khách, mỗi ngày, chị Thu phải chuẩn bị khoảng hơn 200kg ếch thịt, chưa kể là các nguyên liệu khác kèm theo.

Tất cả các bàn đều chật cứng khách.
Tất cả các bàn đều chật cứng khách.

Họ thường gọi lẩu ếch cùng một số món phụ kèm theo như khoai lang, ngô chiên, các loại đồ uống hoặc món nướng, thức nhắm như ếch xào chua ngọt, sả ớt... Nhiều khách chịu chơi, chỉ với số lượng 4 người ăn cũng có thể tiêu tốn tiền triệu.

"Mình kinh doanh nghề bán lẩu, đồ nướng cũng được 8 năm rồi. Ngày trước quán hơi chật nên bây giờ mình thuê thêm mặt bằng với 2 số nhà sát nhau, kê thêm ghế ra vỉa hè và đoạn trong ngõ gần nhà, thuê tới 20 nhân viên phục vụ nhưng nhiều khi vẫn không có chỗ cho khách ngồi. Vào giờ cao điểm, mình luôn phải sát sao và nói khéo với khách cố gắng đợi thêm 2-3 phút để nhân viên xếp chỗ ngồi", chị Thu nói.

Một suất lẩu ếch tối thiểu cũng khoảng 250.000 và đồ nướng là 200.000 đồng. Giá trung bình 1 nồi lẩu ếch cho 4-6 người ăn dao động từ 400.000 đến 500.000 đồng. Ngoài ra, khách đến ăn hầu hết đều gọi thêm đồ. Vì thế, chi phí cho một bàn lẩu 4 người, nếu khách chịu chi, có khi bị đội lên tới gần 1 triệu đồng.

Quán ăn bài trí bình thường, phong cách phục vụ dân dã, vỉa hè nhưng lại có mức giá khá cao. Đó là chưa kể đến việc nhiều khi khách phải chờ đợi xếp chỗ ngồi, chen nhau trong một không gian nhỏ, ồn ào. Bất chấp những lý do đó, quán ăn này vẫn đông khách suốt 8 năm nay nhờ những bí kíp kinh doanh riêng khác biệt.

Thịt ếch được xem là món "gà đồng" hấp dẫn. Ếch có thể chế biến thành nhiều món song ngon nhất có lẽ là món lẩu om măng cay xè, nóng bỏng. Món ăn này đặc biệt thích hợp cho những ngày lạnh. Khi những cơn gió mùa khô khốc, lạnh lẽo tràn về, cảm giác được ngồi bên nồi lẩu bốc khói nghi ngút, hít hà cái hơi nóng từ sa tế, ớt bốc lên quyện thêm chút mùi chua dịu của măng xào chua ngọt, tận hưởng những miếng đùi ếch bùi bùi, thơm ngọt... thật không còn gì tuyệt bằng.

Một nồi lẩu ếch ngon là khi có sự phối hợp nhịp nhàng giữa vị cay của ớt, vị chua của măng, vị ngọt của thịt ếch và nước dùng. Quán lẩu ếch ở Hà Nội tuy nhiều nhưng để tìm cho ra một quán "chuẩn vị" như thế thật chẳng hề dễ dàng.


Đĩa thịt ếch.

Đĩa thịt ếch.

Đối với quán lẩu ếch của chị Thu, nhiều khách cho rằng sự thơm ngon của món lẩu ếch cũng chưa đạt đến mức độ tinh xảo nhưng cũng tạm coi là hạng ngon so với nhiều quán ăn bình dân khác.

"Thịt ếch ở đây khá ngon, ngoài ra có thể gọi thêm nhiều món phụ như da ếch chiên giòn, ếch xào măng, sả ớt... nên mình thấy khá thích tuy nhiên về phần lẩu và nước dùng, mình không đánh giá cao lắm", anh Nguyễn Hoàng Minh (Tây Hồ - Hà Nội) cho biết.

Trong khi đó, chị Hoa (một thực khách thường ghé đến quán này) cho rằng: "Giá ở đây không rẻ lắm, đồ ăn thuộc dạng tương đối thôi nhưng được cái mỗi đĩa thức ăn bao giờ bưng ra nhìn cũng đầy đặn, gọn gàng nên mùa lạnh, mình hay rủ bạn bè lui tới".

Nói về việc nấu ăn, chị Thu thừa nhận, trước giờ chưa từng học nghề nấu lẩu ếch từ bất cứ ai cũng như chưa tham gia một khóa đào tạo nào. Mọi cách chế biến, bài trí đều là do chị tự mày mò, học hỏi, đi ăn ở những hàng quán khác để đúc rút kinh nghiệm.

"Ban đầu có thể không ngon như bây giờ nhưng trải qua 8 năm, mình cứ dựa vào phản hồi của khách mà thay đổi độ gia giảm, công thức chế biến để mỗi ngày một tốt lên. Mới đầu quán cũng chưa đông nhưng bây giờ, trời chỉ vừa nhá nhem tối là đã nhộn nhịp, khách khứa ngồi tràn ra cả vỉa hè. Nhìn thấy cảnh ấy mình rất vui".

Theo chị Thu, bán hàng ăn là một nghề khá vất vả. Mỗi ngày, chị phải thức đến 2-3h sáng mới dọn xong hàng quán và sáng hôm sau lại phải dậy sớm để lo chuẩn bị nguyên liệu. "Quán mở cửa từ 10h30 sáng đến 12h đêm nên gần như là mình làm việc quay cuồng suốt cả ngày. Nhiều người nhìn thấy quán ăn đông thì lãi nhiều song kỳ thực, khi trừ đi chi phí thuê 20 nhân công, 2 gian hàng cùng các khoản khác thì cũng không phải là con số quá lớn", chị Thu than thở.

Cũng vì công việc vất vả, bộn bề nên chị Thu thậm chí chẳng hề có ý định truyền nghề lại cho các con: "Vất vả nhiều lắm nên mình cố gắng để các con sau này được làm nghề khác. Còn đối với bản thân mình thì không thể bỏ nghề được vì cứ lâu lâu không ngửi thấy mùi ếch rộn ràng, tiếng khách hàng cười nói ở quán thì nhớ lắm".

Theo Thu Hường

Cùng chuyên mục
XEM