Giàu nhờ rắn

27/02/2013 15:35 PM |

Là con vật đáng sợ nhưng với những người am hiểu kỹ thuật chăm sóc, rắn mang lại khoản thu nhập không nhỏ cho người nuôi.

Khi rảnh rỗi, chủ trang trại rắn Minh Hải, ở Biên Hòa, Đồng Nai có thể cho rắn quấn vào cổ hay tay rồi cõng rắn cùng đi chơi với trẻ con.

Gia đình vốn có truyền thống nuôi rắn, Hải đã mê con rắn từ thuở bé. Lớn lên, thấy con vật này mang lại cho gia đình khoản thu nhập kha khá hằng năm nên anh quyết tìm hiểu kỹ thuật và nuôi rắn theo mô hình trang trại.

Hiện nay, lợi nhuận trên mỗi con rắn của anh khoảng 400.000-700.000 đồng/năm. “Nếu 1 năm bán chừng 1.000 con rắn thì lời đâu hề nhỏ”, anh Hải cho biết.

Nuôi rắn không khó và ít tốn thời gian. Theo anh Hải, người nuôi hoàn toàn có thể làm thêm những công việc khác và tranh thủ thời gian rảnh để nuôi rắn. Đặc biệt với người nông dân, bên cạnh vài công đất làm lúa thì vẫn có thể nuôi rắn kiếm thêm thu nhập, như trường hợp của chị Trần Thị Nói, ấp Phước Hòa, xã Phước Hưng, huyện An Phú, tỉnh An Giang. Nhờ nuôi rắn ráo trâu (còn gọi là rắn hổ hèo), mỗi năm chị có thêm gần 100 triệu đồng.

Hiện trại rắn của chị Nói có trên 200 rắn con và trên 75 con rắn bố mẹ. Mỗi năm chị Nói bán trên 600 con rắn giống sang các tỉnh Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long... Giá rắn giống 1 tháng tuổi là 300.000 đồng/con. Riêng cặp rắn bố mẹ mỗi con nặng trên 2 kg có giá 8 triệu đồng/cặp.

Tại trang trại Minh Hải, loài rắn được nuôi là rắn ráo trâu. Đây là loài rắn không độc và khá hiền lành. Nhiều trại nuôi rắn độc, việc cho ăn phải khá thận trọng vì khi đói rắn rất hung dữ và tiết nhiều nọc độc. Người nuôi dễ bị rắn từ trong hang phóng ra tấn công.

Một kỹ thuật viên của trại rắn Đồng Tâm cho biết có lần anh bị rắn phun nọc độc ướt mắt kính khi mở cửa chuồng cho rắn ăn. Không ít trường hợp, người nuôi bị rắn cắn khiến ngón tay bị hoại tử, phải tháo khớp. Chính vì vậy, trước khi cho rắn ăn, người nuôi rắn thường phải uống thuốc kháng độc trước.

Thức ăn cho rắn cũng là một vấn đề nan giải với người nuôi. Để rắn siêng ăn và nhanh lớn, nguồn thức ăn cho rắn phải phù hợp với lứa tuổi, sở thích của rắn và phải luôn ổn định.

Khi còn nhỏ, rắn con chỉ ăn được những mồi nhỏ như nhái. Lớn hơn, có thể cho rắn ăn chim cút con. Khi trưởng thành, rắn có thể ăn ếch, cóc, chuột hay gà nhiếp... Trung bình để nuôi được 1 kg thịt rắn cần 4,5 kg mồi. Sau 1 năm nuôi, mỗi con rắn ráo trâu có thể nặng từ 1,7-3 kg. Giá bán rắn thịt dao động trong khoảng 600.000 - 1 triệu đồng/kg.

Nọc rắn Taipan được các nhà khoa học nghiên cứu và dùng để điều chế thuốc.

Để có nguồn thức ăn ổn định cho rắn, anh Hải phải đặt mua chim cút hay gà mới nở tại những trang trại chăn nuôi. Hiện trang trại rắn của anh nuôi khoảng 12.000 con rắn. Chi phí thức ăn trung bình hằng ngày cho rắn cũng khoảng 10 triệu đồng. Những trang trại lớn như trại rắn Đồng Tâm còn phải đầu tư hệ thống tủ lạnh để cấp đông cóc, ếch, chuột... cho rắn ăn dần và phải tập cho rắn biết ăn thức ăn đông lạnh.

Rắn cũng cần được chăm sóc, vệ sinh sạch sẽ để tránh các bệnh nấm da hay viêm phế quản, viêm phổi... Khi rắn bệnh phải có thuốc điều trị để tiêm cho rắn. “Chăm sóc rắn không hề đơn giản nên nếu không am hiểu kỹ thuật mà đầu tư ồ ạt thì rất dễ bị lỗ do giá rắn giống không hề rẻ. Nếu người nuôi không tự cho rắn giao phối, sinh sản mà phải mua rắn giống với giá cao thì chỉ lời ít hoặc lỗ”, anh Hải cho biết.

Theo NCĐT

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM