Bánh homemade hút khách

13/11/2012 14:59 PM |

Loại bánh thủ công, thiết kế theo yêu cầu riêng của từng người đang là chủ đề nóng trên các diễn đàn, nhiều chủ shop online chuyên về sản phẩm này làm không kịp phục vụ khách.


Hunnie Cake là một cửa hàng bánh mới mở vào tháng 4, có trụ sở giao dịch tại đường Cù Chính Lan, Hà Nội. Chị Mai Thu Trang, chủ shop, đang làm marketing online cho một website thương mại và với chị, làm bánh chỉ là một sở thích riêng. Nhưng sau vài lần giới thiệu bánh tự làm trên mạng, chị được nhiều người hỏi mua và quyết định mở shop. Mỗi ngày, cửa hàng nhận từ 4-5 đơn đặt hàng với doanh thu khoảng 25 triệu đồng mỗi tháng. Vào những dịp lễ đặc biệt, mỗi ngày chị nhận 8-10 đơn hàng.

Cửa hàng Berrycake ra đời từ năm 2009. Chị Thanh Thủy, một trong 2 người thành lập Berrycake cho biết, mỗi ngày, chị nhận làm 4-5 bánh sinh nhật thông thường. Với những bánh phức tạp, đòi hỏi nhiều công sức trang trí thì chị chỉ nhận một đơn hàng mỗi ngày.

Cả chị Trang và chị Thủy đều chưa qua bất kì trường lớp đào tạo làm bánh chuyên nghiệp nào, chủ yếu tự tìm hiểu qua Internet và sách báo nước ngoài. Đơn hàng khá đều đặn và có thể tăng gấp đôi, gấp ba nếu vào những dịp Giáng Sinh, Valentine, 20/10…, song các chị vẫn chỉ coi làm bánh như nghề tay trái. Họ không đặt nặng vấn đề lợi nhuận, cũng không có chiến lược quảng bá thương hiệu rầm rộ hay mở chuỗi cửa hàng, mà chỉ làm vừa phải để thỏa sức sáng tạo, chia sẻ sở thích làm bánh.

Chị Thủy làm bánh tại nhà. Ảnh: Thanh Thủy
Chị Thủy làm bánh tại nhà.

Xu hướng kinh doanh bánh homemade bắt đầu từ năm 2009, đến nay ở Hà Nội cũng chỉ có hơn 10 cửa hàng, hầu hết đều là kinh doanh nhỏ lẻ. Giá của những chiếc bánh homemade, custom-made (bánh trang trí bằng tay) đắt gấp 2-3 lần so với những chiếc bánh được sản xuất hàng loạt. Với chiếc bánh sinh nhật homemade được phủ kem tươi, đường kính 20cm, giá tiền vào khoảng 250.000 -300.000 đồng. Sản phẩm nào được trang trí bằng fondant (kem đường), đòi hỏi ít nhất 2 thợ làm bánh cùng tham gia thiết kế và làm bánh trong vài tiếng đồng hồ, luôn có giá từ một triệu đồng trở lên.

"Giá tiền của những chiếc bánh homemade cao vì những người làm bánh phải mất rất nhiều thời gian và công sức để hoàn thành. Cũng vì thế mà kinh doanh loại bánh này khó phát triển thành trao lưu rộng" - Chị Trang, chủ cửa hàng Hunnie cake chia sẻ.

Là một trong những người khởi đầu cho xu hướng đặt bánh homemade, chị Đặng Ngọc Linh, chủ tiệm bánh Amici (tiền thân là tiệm bánh Kokotaru) cho rằng lợi thế lớn nhất của bánh homemade là người làm bánh có thể đáp ứng yêu cầu và ý tưởng của khách hàng, từ điên rồ, kì cục cho đến hoành tráng. Chính vì vậy, cảm giác của khách đặt mua một chiếc bánh có một không hai rất khác biệt so với những người mua bánh đại trà có thể xuất hiện ở bất kì cửa hàng nào và nơi nào cũng làm được.

"Vào những ngày Giáng Sinh, Valentine, một ngày phải xử lí 50-60 đơn hàng là điều rất bình thường. Vào dịp này thì cửa hàng buộc phải làm thêm giờ, tuyển thêm cộng tác viên làm bán thời gian mà vẫn phải từ chối order nếu khách không đặt trước" – chị Linh nói. Chị cho biết thêm trong tuần, số lượng đơn đặt hàng cao nhất rơi vào thời gian từ thứ 5 đến chủ nhật. Và các tiệm bánh bắt đầu rất bận từ khoảng tháng 8 cho đến hết tháng 3 năm sau.

Khó khăn lớn nhất của Amici cũng như các tiệm quy mô lớn khác là nhân lực. Amici có 10 nhân viên thực hiện tất cả các công đoạn làm bánh (chưa kể sinh viên làm thêm). Tuy nhiên, cửa hàng vẫn phải từ chối những đơn đặt hàng nếu trong một ngày phải xử lý quá nhiều bánh “khủng” (bánh cưới hoặc bánh được trang trí bằng fondant có kích thước lớn và chi tiết cầu kì, phức tạp).

Chính vì những chiếc bánh homemade được làm thủ công, người làm phải chịu áp lực thời gian và chưa từng học qua lớp đào tạo chuyên nghiệp, nên bánh có khi bị “lỗi”. Bánh đặt theo yêu cầu riêng nên khách thường khó tính hơn khi mua đại trà. Chị Ngọc Thúy, một người mua bánh homemade kể lại, chị kì vọng chất lượng ở bánh homemade cao hơn so với các loại bánh thông thường vì vẻ ngoài rất hấp dẫn của nó. Chính vì vậy, trong một lần đặt bánh cho cháu trai, chị thấy hơi thất vọng khi ăn vẫn thấy hạt đường trong bánh.

Chị Linh chia sẻ, các trường dạy nghề ở Việt Nam chỉ đào tạo những người thợ làm bánh để làm việc được ở các bếp bánh trong nhà hàng, khách sạn, hoặc tiệm bánh làm các dạng bánh đại trà. Trong khi, bánh homemade được làm rất khác đòi hỏi người thợ phải có độ khéo tay và sáng tạo cao.

Theo Hảo Linh 
vnexpress

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM