Bán hoa Tết, phập phồng như đánh bạc

11/02/2015 16:05 PM |

Năm nay hoa về nhiều, cạnh tranh cao, người bán chưa biết tình hình sẽ như thế nào. Bán hoa Tết mà ai ai cũng phập phồng như đánh bạc.

Nội dung nổi bật:

- Anh Mạnh - một người buôn hoa tại Sài Gòn chia sẻ: “Làm nghề này như đánh bạc vậy, may mắn thì được chút đỉnh, còn không thì thua lỗ te tua".

- Bên cạnh đó, những người nông dân bán hoa những ngày giáp Tết cũng luôn phập phồng, không biết năm nay thị trường hoa Tết có thu hút hay không.


Bỏ lại sau lưng nỗi ám ảnh về mùa vụ hoa Tết ế ẩm phải đổ bỏ của những năm trước, năm nay thương lái buôn hoa khắp cả nước đổ về TP HCM đều có chung sự kỳ vọng vào một mùa hoa đắt hàng.

Sáng sớm ngày 10/2 (22 tháng chạp), vừa thức trắng đêm vận chuyển 3.500 chậu hoa cúc, hoa mào gà từ Tiền Giang lên trưng bày tại công viên 23/9 (quận 1, TP HCM ), anh Nguyễn Tiến Hoàng (36 tuổi, quê Tiền Giang) lại phải tất tả chạy qua chạy lại như con thoi để sắp xếp, bán hoa cho khách - điều mà không phải năm nào cũng có được.

Lúi húi bốc những giỏ hoa cúc vàng rực rỡ lên xe, anh Hoàng cười nói: “Năm nay hoa nở đều và đẹp, lại được bán ở mặt tiền đường nên chưa kịp sắp xếp đã có khách vào hỏi mua, chỉ tiếc một số hoa khách có nhu cầu nhưng chưa kịp mang lên”.

Nỗi niềm người bán hoa

Chỉ khoảng 10 phút vào sáng 10/2, đứng quan sát tại điểm bán hoa của anh Hoàng, chúng tôi thấy khá nhiều người đi đường tấp xe vào hỏi mua hoa.

Theo anh Hoàng, công việc bán hoa dịp Tết anh đã làm hơn 10 năm nay. Dù có năm được, năm mất nhưng hoa của anh lúc nào cũng bán hết, do chủ yếu là khách mối ở một số cơ quan nhà nước và nắm bắt được nhu cầu tiêu thụ hoa hằng năm để đưa lượng vừa đủ.

“Thường ngày tui làm ở công ty, thu nhập cũng ba cọc ba đồng nên tận dụng mấy ngày Tết mua hoa bán lại kiếm chút đỉnh để gia đình xài Tết. Năm ngoái tui mang lên 2.500 chậu hoa cúc và may mắn bán hết sạch trước tết”, anh Hoàng chia sẻ.

Tại một góc khác ở công viên 23/9, anh Nguyễn Đức Mạnh (29 tuổi, quê Khánh Hòa) đang tranh thủ chợp mắt trên chiếc võng xếp sau một đêm thức trắng canh 300 bình hoa cúc mới chuyển từ Khánh Hòa vào. Nói về mùa hoa Tết năm nay, anh Mạnh hi vọng: “Năm nay hoa của tui nở đều và đẹp, nên hi vọng sẽ bán đắt hàng”.

Tuy nhiên, anh Mạnh lại không khỏi băn khoăn: “Làm nghề này như đánh bạc vậy, may mắn thì được chút đỉnh, còn không thì thua lỗ te tua. Năm nay hoa về nhiều, cạnh tranh cao trong khi người mua vẫn từng đó nên chưa biết tình hình bán buôn sẽ như thế nào”.

Theo anh Mạnh, năm ngoái anh cũng bán số lượng hoa tương tự, lúc đầu bán 700.000-800.000 đồng/chậu nhưng càng cận Tết càng ế ẩm, nên buộc phải bán đổ bán tháo với giá chỉ 400.000-500.000 đồng/chậu.

Tại công viên Lê Văn Tám (quận 1, TP HCM ) sáng 10/2, các thương lái đã bắt đầu mang các loại hoa, trái đến để bán Tết. Ngồi canh vựa hoa gồm cúc mâm xôi, cát tường, cúc tím... mới chuyển từ Sa Đéc (Đồng Tháp) lên TP tối 9/2, bà Tuyết (53 tuổi) tỏ ra lo lắng vì năm nay số lô bán hoa trong công viên tăng đột biến.

“Năm nay lô nhiều hơn mọi năm, mọi năm khu này chỉ có bốn lô nhưng năm nay số lô tăng gần gấp đôi. Lô nhiều thì hoa nhiều nên sợ bán không được", bà Tuyết nói. Theo bà Tuyết, toàn bộ hoa mang bán là do gia đình bà tự trồng từ giữa năm, chỉ trông chờ bán dịp Tết.

Hơn 10 năm xuôi ngược mang hoa từ Đồng Tháp lên TP HCM bán Tết, bà Tuyết bảo: “Cứ vài ba năm thì có một năm bán ế. Mỗi lần như vậy người trồng hoa như tui lại đau từng khúc ruột, vì đó là công sức cả năm trời bỏ vốn đầu tư, chăm bón”.

Cùng nỗi lo lắng như bà Tuyết, ông Hiếu (ngụ quận Bình Thạnh) - người nhiều năm bán hoa tết tại công viên Gia Định và công viên Lê Văn Tám, cho biết do năm nay một số công viên không tổ chức bán hoa Tết nên thương lái đổ dồn về công viên Gia Định, dự báo sẽ khó bán.

Vừa trắng đêm vận chuyển hoa từ Tiền Giang lên công viên 23/9 (quận 1, TP HCM ), sáng sớm anh Nguyễn Tiến Hoàng đã có khách đến “mở hàng” mua 30 cặp hoa cúc và một cặp hoa mào gà.

Vừa trắng đêm vận chuyển hoa từ Tiền Giang lên công viên 23/9 (quận 1, TP HCM ), sáng sớm anh Nguyễn Tiến Hoàng đã có khách đến “mở hàng” mua 30 cặp hoa cúc và một cặp hoa mào gà.

Ông Hiếu cho biết, đến nay vẫn còn ám ảnh mùa hoa Tết vừa qua, khi hàng loạt hoa cúc đại đóa bán ế ẩm và cuối cùng ông quyết định không bán đổ bán tháo, mà mang hơn 100 chậu vào chưng quanh các chùa làm công quả.

Phập phồng chờ khách

Tại khu vực chợ hoa công viên Gia Định, nhiều người dân ở các tỉnh như Bến Tre, Khánh Hòa... từ sáng sớm đã kịp chuyển hàng từ quê vào khu vực công viên để bán. Tại một góc công viên, ông Bảy Dự (quê ở Chợ Lách, Bến Tre) cho biết, những ngày này người dân tới mua lai rai, còn sức mua nhiều nhất là vào các ngày 27, 28, 29 tháng chạp.

Tại gian hàng hoa Tết của anh Nguyễn Văn Nghĩa (quê ở Nha Trang) lác đác vài người tới xem. Anh Nghĩa cho biết người nông dân bán hoa những ngày giáp Tết cũng phập phồng, không biết năm nay thị trường hoa Tết có thu hút hay không.

Cứ đến tháng 7, gia đình anh bắt đầu trồng rồi cuối năm phải sắp xếp vào TP sớm để tìm chỗ bày hoa Tết. Mỗi chuyến xe chở hoa vào TP mất khoảng chục triệu đồng, cộng thêm tiền công đưa hoa lên xuống xe mất vài triệu nữa. Mùa hoa Tết năm trước tính ra lãi chẳng được bao nhiêu, nhưng anh cũng phải lấy công làm lời. 

Còn anh Cường, chủ gian hàng tại chợ hoa công viên Gia Định, nói: “Sống theo cái nghiệp bán hoa Tết quen rồi, năm nào may mắn thì bán hết, năm nào xui thì bán ế. Nhưng cũng có chuyện trái khoáy là có những năm mình nghĩ bán sẽ được thì kết quả lại thất bại, còn có những năm có khả năng sẽ ế ẩm cao nhưng rồi lại thắng to”.

Tại khu vực chợ hoa đường vành đai trong (quận Bình Tân), nhiều loại hoa cúc, cây cảnh... đã được người dân các tỉnh thành đưa về đây bán.

Ngồi bên chậu hoa để vừa ăn trưa vừa trông hoa Tết, chị Hạnh (quê Bến Tre) cho biết những ngày này khách tới mua lai rai, nhưng đa số họ tới xem trước. Còn phải đợi vài ba ngày trước Tết khách tới mới đông. Đã nhiều năm nay, cứ mỗi dịp cuối năm hai vợ chồng chị Hạnh lại thuê xe chở hoa lên TP HCM bán.

Có những năm cả chục chậu mai đưa lên TP rồi nhưng vẫn không chịu nở, vợ chồng chị lại phải thuê xe chở về quê... đợi Tết năm sau. “Giờ mình lên đây bán cũng không dám nghĩ gì. Mà nghĩ bán không được lại lo nên thôi cứ vui vẻ mà cố gắng bán để về quê ăn Tết sớm”.

>> Chợ Dounan mùa Valentine: Dân buôn ăn dày vì giá hoa tăng gấp đôi

Theo Hoàng Lộc - Đức Phú

Cùng chuyên mục
XEM