Bán cơm tấm, bánh mì... phải có thẻ kinh doanh

27/08/2012 18:37 PM |

Quy định này áp dụng cho tất cả điểm bán thức ăn, thức uống đường phố. Người kinh doanh phải khám sức khỏe, tập huấn kiến thức VSATTP.


Ngày 24-8, tỉnh Bình Dương có chỉ thị để siết chặt quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đối với các loại thức ăn đường phố. Theo đó, hàng loạt dịch vụ cung cấp thực phẩm chế biến sẵn để ăn ngay, uống ngay được bày bán trên đường phố, nơi công cộng phải có thẻ kinh doanh, chịu sự quản lý của UBND phường, xã, thị trấn.

Kinh doanh phải có thẻ

Theo ông Nguyễn Văn Đạt, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP, tỉnh Bình Dương có gần 8.200 điểm kinh doanh thức ăn đường phố và Chi cục đang xây dựng quy chế cấp thẻ đăng ký kinh doanh cho họ.

Chi cục ATVSTP tỉnh đang xây dựng quy chế cấp thẻ đăng ký kinh doanh thức ăn đường phố và sẽ triển khai đến UBND phường, xã, thị trấn. Sau đó, UBND phường, xã, thị trấn tiến hành thẩm định các điểm kinh doanh thức ăn đường phố để cấp thẻ. Tiêu chí thẩm định gồm: Phương tiện kinh doanh, dụng cụ và bao gói thức ăn đảm bảo vệ sinh; nguyên liệu chế biến thức ăn có nguồn gốc, không mốc, không ô nhiễm; không sử dụng phụ gia cấm, chất bảo quản độc hại; người kinh doanh phải khám sức khỏe, tập huấn kiến thức VSATTP; không dùng tay trực tiếp bốc, cầm thức ăn; không bán thức ăn có dấu hiệu hư hỏng, ôi thiu…

Thẻ đăng ký kinh doanh có giá trị trong một năm và do UBND xã, phường, thị trấn cấp. Sau đó đoàn liên ngành VSATTP địa phương sẽ kiểm tra định kỳ các điểm kinh doanh thức ăn đường phố hoặc đột xuất. “Trong trường hợp cơ sở kinh doanh chưa có thẻ thì yêu cầu tạm ngưng hoạt động. Nếu có thẻ, vi phạm lần đầu sẽ nhắc nhở. Vi phạm lần hai buộc tạm ngưng kinh doanh, đồng thời công bố tên cơ sở trên phương tiện truyền thông, tại công sở, tại cuộc họp khu phố… Khi cơ sở khắc phục sai phạm mới được phép kinh doanh tiếp” - ông Đạt cho biết.

Các điểm bán thức ăn đường phố như thế này ở Bình Dương phải có thẻ đăng ký kinh doanh.

Các quán ăn đồng tình

Bà H., bán cơm bình dân trên đường Yersin (phường Phú Cường, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương), đồng tình với chủ trương của tỉnh. “Nếu việc bán thức ăn đường phố mà đi vào nề nếp, tôi sẽ tuân thủ. Khách đến ăn mình xin thêm một, hai ngàn đồng. Thấy người bán sạch sẽ, thức ăn lại tươi hơn, chắc họ không nỡ từ chối” - bà H. nói.

Còn bà M., bán hủ tiếu bò kho gần chợ Lái Thiêu (phường Lái Thiêu, thị xã Thuận An, Bình Dương), cho biết có nghe ngành y tế tỉnh sẽ siết chặt quản lý vệ sinh thức ăn đường phố, đề phòng ngộ độc thực phẩm và ủng hộ việc này. “Nên nêu đích danh điểm kinh doanh thức ăn vi phạm. Buôn bán kiếm tiền cũng phải nghĩ tới sức khỏe người khác. Tôi sẽ chấp hành và… tăng vài ngàn đồng/tô chắc khách cũng không càm ràm” - bà M. nói.

Cũng theo bà M., buôn bán bằng tay trần quen rồi, sau này buộc đeo găng tay, đội nón… chắc vướng víu nhưng cũng sẽ quen, quan trọng là mình có muốn thực hiện hay không.

Bà Huỳnh Thị Thanh Phương, Phó Chủ tịch UBND thị xã Thuận An (Bình Dương), cho biết có 1.300 điểm kinh doanh thức ăn đường phố trên địa bàn thị xã và tất cả đã ký cam kết thực hiện các quy định về VSATTP. “Tuy nhiên, số người khám sức khỏe định kỳ và tập huấn kiến thức VSATTP chưa cao. Do vậy UBND xã, phường đang tiếp tục triển khai tập huấn đến các đối tượng này. Nếu mọi ngành, mọi cấp quyết tâm thực hiện thì thực trạng thức ăn đường phố trên địa bàn sẽ thay đổi” - bà Phương cho biết.

Theo PL TP.HCM

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM