Kinh doanh mà chỉ có 1 nhà cung cấp, 1 khách hàng lớn, 1 kênh phân phối,… thì khi có biến động mạnh như dịch bệnh, khủng hoảng sẽ là dấu chấm hết cho doanh nghiệp!

27/03/2020 13:30 PM | Kinh doanh

“Luôn tập trung bắt đầu từ một khi khởi đầu, nhưng luôn luôn phải tiếp tục đa dạng hoá theo kế hoạch và thời gian”, chuyên gia Nguyễn Phi Vân bày tỏ.

"Đừng bỏ hết trứng vào cùng một giỏ", nguyên tắc đầu tư cơ bản mà giới đầu tư ai cũng nằm lòng.

Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 xuất phát từ sự kiện vỡ bong bóng bất động sản ở Mỹ, nhiều nhà đầu tư đã bắt đầu tìm đến những kênh rót vốn thận trọng hơn, áp dụng phương châm "không bỏ hết trứng vào cùng một giỏ" để đa dạng hóa các doanh mục đầu tư của mình, chia đều tài sản trên nhiều lĩnh vực chứ không chỉ dồn hết tiền vào mảng tài chính – chứng khoán như trước nữa.

Và nguyên tắc vàng này không chỉ dành cho giới đầu tư.

Kinh doanh mà chỉ có 1 nhà cung cấp, 1 khách hàng lớn, 1 kênh phân phối,… thì khi có biến động mạnh như dịch bệnh, khủng hoảng sẽ là dấu chấm hết cho doanh nghiệp! - Ảnh 1.

Ví dụ với câu chuyện của người bán hàng rong. Có bao giờ bạn nhận ra họ thường bán những sản phẩm không liên quan đến nhau, ví dụ ô và kính râm. Rất ít khi khách sẽ mua cùng lúc hai thứ và điểm mấu chốt cũng nằm ở đó.

Những người bán hàng rong biết rằng khi trời mưa, bán ô dù sẽ dễ hơn nhưng bán kính râm khó hơn. Lúc trời đổ nắng, điều ngược lại sẽ đúng. Bằng cách bán cả hai mặt hàng, dù trời mưa hay nắng, họ cũng không lo "đói khách".

Nói cách khác, bằng việc đa dạng hóa dòng sản phẩm - nhà cung cấp có thể giảm rủi ro mất tiền vào bất kỳ hoàn cảnh nào.

Những cú "ngã ngựa" thời khủng hoảng

Thời bình, ít sóng gió, tiền về đều đặn, ta bị cuốn vào dòng chảy công việc mà hiếm dành thời gian bình tâm nhìn lại, cũng chẳng có nhu cầu thay đổi.

Đến khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát ở Trung Quốc, cửa khẩu bị đóng, người nông dân khốn đốn vì mất kênh xuất khẩu chính cho thanh long, sầu riêng,... Theo báo Tuổi trẻ, từ tháng 1, gần như hoạt động xuất khẩu cá tra cũng bị gián đoạn hoặc ngưng trệ sang thị trường lớn nhất là Trung Quốc.

Rồi virus "xâm chiếm" đến Mỹ và EU, hàng loạt đối tác thông báo tạm dừng nhập khẩu hàng dệt may của Việt Nam. Đây cũng là 2 thị trường xuất khẩu chủ lực của ngành dệt may nước ta.

Thiệt hại ước tính với Ngành Dệt May VN lên tới trên 5.000 tỷ đồng nếu 30% công nhân thiếu việc làm trong tháng 4/2020 và 50% công nhân thiếu việc làm trong tháng 5/2020 (riêng Về Tập đoàn Dệt May VN ước tính thiệt hại 403 tỷ đồng); và nếu tình hình kéo dài thêm thì mỗi tháng Ngành sẽ thiệt hại tới 3.000 tỷ đồng.

Kinh doanh mà chỉ có 1 nhà cung cấp, 1 khách hàng lớn, 1 kênh phân phối,… thì khi có biến động mạnh như dịch bệnh, khủng hoảng sẽ là dấu chấm hết cho doanh nghiệp! - Ảnh 2.

Ngành du lịch, vốn phụ thuộc quá nhiều vào nguồn khách quốc tế, cũng rơi vào trạng thái tê liệt. Thiệt hại ước tính 7 tỷ USD chỉ trong 3 tháng.

Các nhà hàng, chuỗi F&B, khách sạn,… từ nhỏ đến lớn như Golden Gate, Otoke Chicken, Mr Bean,… cũng tạm đóng cửa và chưa hẹn ngày trở lại.

1 khách hàng lớn, 1 nhà cung cấp, 1 kênh phân phối,… sớm muộn cũng "ngã ngựa"

Bàn luận về vấn đề này, chuyên gia Nguyễn Phi Vân chia sẻ trong một bài viết của mình: "Luôn tập trung bắt đầu từ một khi khởi đầu, nhưng luôn luôn phải tiếp tục đa dạng hoá theo kế hoạch và thời gian.

Kinh doanh mà chỉ có 1 nhà cung cấp, 1 khách hàng lớn, 1 kênh phân phối,… thì khi có biến động mạnh như dịch bệnh, khủng hoảng sẽ là dấu chấm hết cho doanh nghiệp! - Ảnh 3.

Chuyên gia, doanh nhân Nguyễn Phi Vân

Nếu chỉ đang B2B, phải nghĩ khi nào và bằng cách nào sẽ B2C, F2C, F2C2C,... Nếu chỉ đang offline, phải nghĩ khi nào sẽ online, khi nào tự vận hành, khi nào qua third party (bên thứ 3 – PV), qua các nền tảng nào để trở thành O2O, omni-channel - đa kênh. Nếu chỉ đang manual - thủ công, phải nghĩ khi nào sẽ số hóa, sẽ tự động hoá để quản trị tối ưu và hiệu quả hơn. Nếu chỉ đang có một kênh phân phối truyền thống, phải nghĩ khi nào bắt đầu các kênh phi truyền thống. Nếu chỉ một mô hình kinh doanh gia công, hãy nghĩ tự xây dựng thương hiệu, tự xây dựng mô hình kinh doanh bán sỉ hay lẻ với thương hiệu đó,…"

Nói cách khác, nếu kinh doanh mà chỉ có 1 nhà cung cấp, 1 khách hàng lớn, 1 kênh bán hàng, 1 thị trường chính, 1 loại sản phẩm, 1 mô hinh kinh doanh,… thì những biến động như dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế cũng có thể là dấu chấm hết cho một doanh nghiệp.


Trong nguy có cơ, đừng ngại thay đổi

Trước khi có dịch Covid-19, Pizza 4P’s là chuỗi nhà hàng pizza duy nhất tại Việt Nam nói không với ship hàng tận nhà, chỉ phục vụ tại nhà hàng với không gian sang chảnh và dịch vụ chuyên nghiệp. Nhưng giờ đây, họ đã phải tạm dừng tuyên ngôn bấy lâu của mình, chấp nhận ship pizza hay các món ăn tươi đến tận cửa nhà cho khách.

Dù đóng cửa nhiều nhà hàng, Golden Gate cũng đã triển khai dịch vụ G-Delivery, phục vụ lẩu tại nhà, kể cả món nướng và khách hàng được mượn bếp miễn phí.

Trong khi đó, các địa điểm gym, tập thể hình bị coi là nơi có nguy cơ lây nhiễm vô cùng cao, cũng đã phải thay đổi. Mới đây, startup dạy nhảy Zumba từng gọi vốn thành công trên SharkTank mùa 3 – Lamita nhanh chóng triển khai hình thức phát sóng trực tiếp, tập luyện với huấn luyện viên trực tuyến.

Đại diện cho ngành dịch vụ làm đẹp, một chuỗi spa có tên Trâm Beauty bị ảnh hưởng nặng nề, doanh thu gần như về 0. "Cái khó ló cái khôn", thương hiệu này chuyển sang bán mỹ phẩm, các sản phẩm chăm sóc cơ thể qua kênh online. Kết quả tạm thời khả quan, đủ đề duy trì qua khủng hoảng.

Một số khách sạn đã tìm được "khe sáng" trong tâm bão Covid bằng cách đề xuất trở thành điểm cách ly có thu phí, giảm gánh nặng cho các bệnh viên và khu cách ly tập trung của nhà nước.

Với ngành du lịch, ông Nguyễn Văn Phong – Phó TGĐ VnTrip cho biết đã, đang và sẽ tiếp tục đẩy mạnh khai thác khách du lịch trong nước, thay vì phụ thuộc và nguồn khách quốc tế.

TransViet dù kích hoạt trạng thái "ngủ đông’ nhưng đồng nghĩa rằng không có việc để làm. Họ nghiên cứu phát triển sản phẩm, dịch vụ, chờ bật dậy sau dịch.

Hay như ông lớn thời trang xa xỉ LVMH, sở hữu những thương hiệu đắt giá như Louis Vuitton, Christian Dior,… nay lại đi sản xuất nước rửa tay, khẩu trang, đồ bảo hộ.

Kinh doanh mà chỉ có 1 nhà cung cấp, 1 khách hàng lớn, 1 kênh phân phối,… thì khi có biến động mạnh như dịch bệnh, khủng hoảng sẽ là dấu chấm hết cho doanh nghiệp! - Ảnh 5.

Trong nguy có cơ, cơ hội để chậm lại, để tái cơ cấu, thay đổi mô hình và phương thức kinh doanh. Những thay đổi tức thời, quyết liệt đó sẽ luôn nhận được thành quả xứng đáng.

Thùy Dương

Cùng chuyên mục
XEM