Kỷ nguyên sách điện tử đã bắt đầu!

30/03/2011 22:41 PM |

Toàn ngành suy giảm, năm 2010, doanh số sách điện tử vẫn tăng 164%.

Hai năm? Ba năm? Năm năm? Giới xuất bản đang suy đoán xem đến bao giờ doanh số bán sách điện tử (e-book) sẽ chiếm đa số trong tổng doanh số ngành xuất bản Mỹ.

Nhưng thời điểm ấy có cách nay bao xa thì rồi nó cũng sẽ đến và chẳng ai nghi ngờ gì hướng đi sắp tới của thị trường phục vụ người đọc này.

Amazon, công ty đang dẫn đầu ngành, bán số sách điện tử đọc trên Kindle nhiều gấp ba lần số sách bìa cứng. Tình hình tại các nhà phân phối sách khác cũng không khác mấy.

Tuần trước, Hiệp hội các nhà xuất bản Mỹ tuyên bố vào tháng 1 năm nay, lần đầu tiên, doanh số sách điện tử trong tháng đã vượt qua sách bìa cứng. Đến giờ thì đứng đầu vẫn là sách bìa mềm.

Sách điện tử cho đến nay vẫn là phân khúc tăng trưởng nhanh nhất của ngành xuất bản vốn trì trệ và chịu ảnh hưởng nặng nề của suy thoái này. Năm 2010, doanh số sách điện tử tăng 164% lên 441 triệu đôla.

“Tốc độ này thật nhanh và ấn tượng, và có thể nó sẽ còn nhanh hơn nếu các cửa hàng sách truyền thống như chuỗi cửa hàng của Borders biến mất nhanh hơn dự tính,” Michael Cader, nhà sáng lập và biên tập viên của trang tin điện tử thương mại Publishers Lunch, nói.

Sau khi Borders, chuỗi cửa hàng sách lớn thứ hai nước Mỹ, tuyên bố phá sản hồi tháng trước, có một câu hỏi đặt ra rằng có phải sự phổ biến của sách điện tử đã dẫn tới sự sụp đổ của Borders.

Dù các chuyên gia trong ngành nói đó chỉ là một phần nguyên nhân dẫn tới sự ra đi của chuỗi cửa hàng đóng trụ sở tại Ann Arbor, Michigan này, nhưng chắc chắn kết quả kinh doanh nghèo nàn ở mảng sách điện tử đã góp phần đẩy người khổng lồ trong ngành bán lẻ trước kia xuống vực thẳm.

“Họ không hiểu gì cả,” biên tập viên mảng kinh doanh Jim Milliot của Publishers Weekly’s viết. “Họ gia nhập thị trường quá muộn. Tới năm ngoái họ mới chỉ bắt đầu phát triển chiến lược số hóa."

Theo Michael Norris, nhà phân tích cao cấp về thương mại tại Simba, một trong những vấn đề chính của Borders là chuỗi cửa hàng này bán tới bảy loại thiết bị đọc sách điện tử khác nhau khiến khách hàng gặp nhiều khó khăn.

Một vấn đề khác là trong nhiều năm Borders không duy trì website của riêng mình mà thay vào đó quyết định bán trực tuyến thông qua Amazon.

Ngược lại, đối thủ Barnes & Noble bán thiết bị đọc sách điện tử rất được ưa chuộng của chính mình, Nook, và từ lâu đã sở hữu B&N.com, một cửa hàng trực tuyến sôi động gần đây có doanh số bán sách điện tử tăng mạnh.

Tuy vậy, cả hai chuỗi cửa hàng trên vẫn còn kém xa Amazon, công ty của Kindle, thiết bị đọc sách điện tử bán chạy nhất trên thị trường.

Bất chấp sách điện tử ngày càng được ưa chuộng, chúng vẫn không gây thách thức nào đối với các nhà xuất bản. 90% doanh thu toàn ngành vẫn đến từ sách in.

Điều đó có nghĩa là các nhà xuất bản lớn như Random House vừa phải duy trì bộ phận sách in, vừa phải phát triển bộ phận sách điện tử.

“Vấn đề không phải là sách điện tử không đem lại lợi nhuận,” Cader nói. “Số hóa ở mức độ hiện nay không tiết kiệm được hoặc chỉ tiết kiệm được rất in chi phí hoạt động của bộ phận sách in.”

Thế nên vừa phải có kho chứa lớn, vừa phải có đội ngũ bán hàng đông đảo mà toàn hệ thống chẳng hề gọn nhẹ đi chút nào.

Đường nhiên vẫn có hy vọng đến một lúc nào đó sản xuất sách điện tử sẽ rẻ đi nhưng hiện giờ các nhà xuất bản vẫn phải mất chi phí chuyển sách in thành sách điện tử.

Thêm nữa, xuất bản luôn dựa vào tính kinh tế trên quy mô, và với số lượng sách in giảm xuống, việc in ấn sẽ ngày càng trở nên đắt đỏ hơn.

“Một khi người ta đã quen với đọc sách điện tử, họ sẽ chuyển phần lớn số sách mình đọc sang dạng số,” nhà phân tích công nghệ truyền thông James McQuivey tại Forrester viết trong một báo cáo hồi tháng 11.

Vậy liệu sách in có hoàn toàn biến mất? Các chuyên gia cho rằng không, hay ít nhất là chưa, có khả năng này. “Sẽ mất rất nhiều thời gian để định dạng mọi người vẫn quen sử dụng biến mất,” Cader nói.

Ông so sánh ngành xuất bản với ngành âm nhạc. Doanh số đĩa CD đã giảm rất mạnh nhưng không hề biến mất. Và sách đã tồn tại lâu hơn đĩa CD nhiều.

“Sách dạy nấu ăn, sách hướng dẫn du lịch, sách thông tin và sách giáo khoa vẫn chưa chuyển sang dạng số được,” McQuivey nói.

Milliot đồng tình rằng sách in sẽ vẫn tồn tại, bất chấp việc những thứ gì đã được số hóa ngày càng được ưa chuộng hơn. Việc bạn có thể đặt mua và tải xuống một cuốn sách ngay lập tức là không đủ để khiến sách in biến mất.

“Một số người thích để sách ở trong nhà,” ông nói. “Về cơ bản, nếu bạn chỉ muốn đọc một cuốn sách thì một cuốn sách in cũng chẳng có gì bất tiện."
 
Minh Tuấn
TheoTime

duchai

Cùng chuyên mục
XEM