"Đánh bằng báo chí" và "quấy phá đúng luật"

05/02/2013 08:47 AM |

(CafeBiz) Coca-Cola có thể “trốn thuế công khai”, ngành thuế cũng không thiếu cách “quấy phá đúng luật”. Điều kiện “đàm phán hòa bình” của hai bên sẽ là gì?

Kỳ trước: Đánh chuyển giá, nhiều phần là thua

Đừng hòng dùng “cái lý của người Mèo”

Như đã nói ở bài trước, nếu tấn công trực diện và công khai giải quyết vấn đề chuyển giá của các doanh nghiệp FDI bằng công cụ pháp lý, thì nhiều khả năng là … thua.

Nhưng nếu cứ cố phải “nặn” ra cho được một bản án thì cũng không ổn, chẳng khác nào “ném chuột vỡ bình quý”, vì ba lý do.

Thứ nhất, khi sự vụ được phản ánh với toàn bộ cộng đồng đầu tư quốc tế qua những hội doanh thương như Amcham hay Eurocham, “cuộc chiến chống chuyển giá” của Việt Nam sẽ bị nhìn nhận thành một vụ “quan chức địa phương hạch sách nhà đầu tư”. Khi ấy, đầu tư vào Việt Nam sẽ giảm, kéo theo đó là thu ngân sách và tạo việc làm đều giảm theo.

Thứ hai, cũng phải công nhận doanh nghiệp FDI đã góp phần rất lớn đào tạo nhân lực cho Việt Nam. Lãnh đạo Masan Consumer, Tân Hiệp Phát rất nhiều người xuất thân từ Coca-Cola, Unilever, P&G. Còn giới tinh hoa tài chính Việt thường hy sinh tuổi trẻ trong “lò luyện” của các công ty chuyên cung cấp dịch vụ tài chính nước ngoài như KPMG, HSBC, … Họ mà đi Việt Nam ta mất chỗ “luyện gà”.

"... doanh nghiệp FDI không chỉ đóng có mỗi thuế TNDN, họ còn đóng cả thuế nhập khẩu, thuế GTGT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế TNCN"

Cuối cùng, doanh nghiệp FDI không chỉ đóng có mỗi thuế TNDN, họ còn đóng cả thuế nhập khẩu, thuế GTGT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế TNCN cho nhân viên, và nhiều loại thuế nữa. Làm khó họ để thu vài đồng thuế TNDN có khi lại mất hàng chục đồng các loại thuế khác.

Bắt họ thua tâm phục khẩu phục không được, tận dụng lợi thế sân nhà để dùng “cái lý của người Mèo” cũng không xong, phải chăng cuộc chiến chống chuyển giá sẽ thất bại? Không có chuyện đó, vì mục tiêu không phải là thu lại số thuế doanh nghiệp FDI đã trốn (quá tham vọng và thiếu thực tế).

Mục tiêu thực sự chỉ là dần dần hạn chế hành vi “né thuế” qua chuyển giá trong tương lai và cố thu xếp một kết cục sao cho phía Tổng cục Thuế nở mày nở mặt, mà phía doanh nghiệp cũng không thiệt hại quá.

Nhưng đấy là mục tiêu phía trước, còn hiện tại, hai bên cứ phải gặp nhau trên chiến trường trước đã.

Du kích và “quấy phá đúng luật”

Từ phía ngành thuế, có không ít cách gây sức ép vô hình lên các doanh nghiệp FDI. Nếu như bên kia chiến tuyến dựa vào kẽ hở của luật để “trốn thuế công khai” thì ngành thuế cũng biết cách “quấy phá đúng luật”.

Thứ nhất, doanh nghiệp thể nào cũng có các sơ hở nhỏ. Chuyện nhầm, sót, nộp tờ khai trễ hạn rồi “xin cán bộ thuế thông cảm” là bình thường. Do sai sót này nhỏ, có khi chỉ thuần túy mang tính hành chính, nên ngành thuế vẫn bỏ qua, chẳng làm khó doanh nghiệp làm gì.

Giờ thì “không thông cảm, cứ đúng luật mà làm”.

Thứ hai, luật thuế có nhiều điểm phi thực tế mà trong thực tiễn áp dụng cơ quan thuế vẫn du di cho doanh nghiệp.

Ví dụ như theo luật, nhà xưởng tự xây dựng phải xin được giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất. Nếu không, chi phí khấu hao sẽ bị coi là không hợp lý hợp lệ (hiểu nôm na là phải nộp thuế thêm 25% số chi phí khấu hao ấy).

Thủ tục này trên thực tế không có mấy ý nghĩa, thậm chí có UBND tỉnh còn trả lời thẳng là không cần loại giấy này, doanh nghiệp yên tâm không bao giờ bị hỏi đến. Thế nên cái giấy ấy ít doanh nghiệp có, và rất hiếm khi cơ quan thuế “bắt” những lỗi kiểu như thế.

Giờ thì “sống và làm việc theo pháp luật”.

Thứ ba, có thể thu thuế theo đường khác. Ví dụ như tăng thuế nhập khẩu hương liệu của Coca-Cola. Tuy vậy, cách này chỉ hiệu quả với loại nguyên liệu ít ai nhập như trên, chứ dùng để đối phó với Adidas thì không được do sẽ ảnh hưởng tới nhiều doanh nghiệp khác trong ngành da giày. Bên cạnh đó, tăng thuế không được trái với cam kết gia nhập WTO.

Đánh bằng công luận

Khi chiến trường bất phân thắng bại, ắt hai bên phải gặp nhau trên bàn đàm phán. Vì Tổng cục Thuế “lực” yếu, nên phải khoa trương thanh thế, tận dụng sự ủng hộ tối đa của công chúng mới mong dành kết quả có lợi.

Đó chính là lý do cho chiến dịch chống chuyển giá rầm rộ trên mặt báo thời gian qua. Và như phân tích ở kỳ trước, ngòi bút khéo léo của các nhà báo đã che mờ cái yếu của Tổng cục Thuế và tạo dư luận cực tốt trên bàn đàm phán cho “quân ta”.

"Vì Tổng cục Thuế “lực” yếu, nên phải khoa trương thanh thế ..."

Coca-Cola hay Adidas không sợ Tổng cục Thuế, họ thừa sức thắng. Cái họ sợ là nếu để vụ việc này kéo dài thì uy tín thương hiệu không còn. Trên Facebook đếm sơ sơ đã có cả chục hội tẩy chay Coca-Cola vì “trốn thuế ở Việt Nam” với hàng ngàn thành viên.

Đây còn là cơ hội vàng cho đối thủ tấn công. Chuyên gì sẽ xảy ra nếu Tân Hiệp Phát hoặc Nike chạy chương trình quảng bá rầm rộ với nội dung chính là những đóng góp của hai doanh nghiệp này cho xã hội trong khi Coca-Cola và Adidas đang cò kè từng đồng với ”đại diện của nhân dân”?

Về phía Tổng cục Thuế, đây là lúc “xin kinh phí chống chuyển giá” dễ nhất. Mà họ thiếu thật, đến cơ sở dữ liệu từ nhà cung cấp nước ngoài còn không có tiền để mua thì biết lấy gì ra đấu tranh với hành vi chuyển giá.

Quan trọng hơn là chuyện cán bộ. Theo thông tin của người viết, cán bộ cấp Tổng cục và các cục thuế địa phương lớn tuy được cử đi học nhiều khóa đào tạo ở cả trong và ngoài nước nhưng cũng mới chỉ có vài năm kinh nghiệm. Còn cán bộ các cục thuế nhỏ thì coi như “vùng trắng”.

Hai bên ngừng bắn trong điều kiện nào?

Tổng cục Thuế cần một con số ấn tượng để đáp lại sự nhiệt tình của công luận. Còn phía doanh nghiệp, họ muốn câu chuyện này nhanh chóng biến mất khỏi mặt báo, và nếu có phải nộp thêm thuế, thì càng ít càng tốt.

Có thể lấy thỏa thuận “giảm lỗ” 951 tỷ đồng của Coca-Cola vào năm 2006 làm ví dụ. Theo quy định áp dụng cho năm tính thuế 2006, doanh nghiệp chỉ được chuyển lỗ trong vòng 5 năm. Thế nên nếu số lỗ năm 2006 của Coca-Cola lớn hơn 951 tỷ, thì vẫn chưa có thu nhập tính thuế trong năm 2006 và đằng nào cũng chẳng chuyển được nữa do tới nay đã quá 5 năm, nên Coca-Cola … không mất gì.

Ngược lại, nếu sau khi giảm lỗ mà có thu nhập tính thuế thì không bị phạt chậm nộp (0.05%/ngày), phạt trốn thuế (gấp nhiều lần số thuế đã trốn) do thời hiệu xử phạt về thuế chỉ có 5 năm (đến năm 2012 là … vừa đủ hết).

Chưa thấy ngành thuế thông báo đã bắt Coca-Cola “giảm lỗ” được bao nhiêu trong giai đoạn từ 2007 trở về sau.

"Doanh nghiệp càng sợ bị phát hiện thì càng “tự” nộp nhiều thuế ..."

Theo người viết, bước đầu được như vậy là tốt rồi vì ta có ưu thế trên mặt báo nhưng trên bàn đàm phán thì không. Đã yếu thì không nên đòi hỏi nhiều.

Cơ chế nộp thuế hiện nay là tự khai tự nộp. Doanh nghiệp càng sợ bị phát hiện thì càng “tự” nộp nhiều thuế chứ về cơ bản, ngành thuế không thể nào thanh tra kiểm tra cho hết được hàng trăm ngàn doanh nghiệp cả nước.

Trận đánh chống chuyển giá vừa qua, cái quan trọng nhất là đã gửi một thông điệp cứng rắn tới cộng đồng doanh nghiệp về quyết tâm sắt đá của ngành thuế trong cuộc trường chinh chống chuyển giá. Khi họ sợ một ngày nào đó bị sờ tới, tự khắc họ sẽ tình nguyện nộp thêm tiền vào ngân sách mỗi khi cánh én đưa mùa quyết toán thuế bay về.

Minh Tuấn

Bình luận nổi bật:

Luu Van Dung - Bắc Giang

Chào các bạn,

Mình có đọc được 1 bài báo vào tháng 3/2012 rằng mức thuế suất TNDN của Mỹ hiện đã cao nhất thế giới - 39.2%, cao hơn rất nhiều so với Việt Nam 25%. 

Vậy nếu các Công ty FDI như Coca - Cola chuyển giá, mang lợi nhuận về Cty mẹ thì phải chăng họ chấp nhận đóng thuế TNDN với số lãi "vừa chuyển từ VN về Mỹ" ở mức 39.2%??? Hay họ hoạt động với mục đích từ thiện cho đất nước USA???

Rất mong nhận được chia sẻ của các bạn.

n m tuan - Hà Nội

@Luu Van Dung: chào bạn, bạn thắc mắc rất chính xác. Trên thực tế, Coca-Cola ko chuyển tiền về Mỹ. Họ sẽ thành lập công ty con ở các "thiên đường thuế" có thuế suất thấp như Singapore, Cayman Islands rồi chuyển lợi nhuận vào các công ty đó. 

Do Coca-Cola mẹ sở hữu 100% các công ty "trung gian" này, nên khi làm BCTC lợi nhuận vẫn hợp nhất vào cho công ty mẹ. Nếu Coca-Cola mẹ cần đến tiền, có thể làm hợp đồng vay từ các công ty "trung gian". Họ chỉ thực sự phải nộp thuế cho Mỹ nếu tiền này chuyển về Mỹ dưới dạng cổ tức của công ty "trung gian" cho công ty mẹ.

Việc tồn tại các "thiên đường thuế" là kẽ hở mà các tập đoàn lớn tận dụng từ hàng chục năm nay rồi. Đừng nói cơ quan thuế Việt Nam bó tay, thuế vụ Mỹ và Châu Âu cũng chịu dù cách này không những cơ quan thuế biết thừa, mà báo chí cũng giới thiệu với bạn đọc nhiều lần.

Lý do là mỗi nước đều có độc lập, chủ quyền, các nước khác không được can thiệp vào công việc nội bộ, thế nên họ cố tình soạn thảo luật lỏng lẻo, đánh thuế thật thấp để thu hút các tập đoàn tới "xin nộp thuế" chẳng ai làm được gì. Thỉnh thoảng ta có thấy các chính trị gia lên án này nọ, nhưng cũng chỉ là lên án thôi, chứ hành động cụ thể thì không có, vì chẳng có công cụ pháp lý nào cả.

Chicken - Hải Phòng

@Luu Van Dung: các công ty lớn như Google, Apple chẳng hạn họ chỉ có mỗi trụ sở chính ở Mỹ thôi bạn ah còn các có các công ty con đóng tại các nơi có thuế thấp hơn hoặc có những nơi mà hầu như miễn thuế như tiểu bang Delaware-Mỹ, quần đảo Cayman... , và lợi nhuận sẽ chuyển về đấy là chính

Cường GE - TP HCM

Tác giả bài viết đưa câu này vào nghe rất tào lao... DN chỉ thực sự đóng thuế TNDN và môn bài cho nhà nước. Thuế GTGT,nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt đều do người tiêu dùng đóng. Thuế TNCN do người lao động đóng...

Việt đẹp trai - Đồng Tháp

Vậy nếu không có Coca Cola thì mấy người đó vẫn có cơ hội đóng Thuế àh? Hay vứt hết bọn FDI để nhân viên các cty Việt Nam đóng Thuế thôi nhỉ?

tuannm

Cùng chuyên mục
XEM