Chuyện ít biết về ông vua đồ nội thất IKEA

05/03/2011 22:37 PM |

Sản xuất thật tiết kiệm, thông tin kiểm soát chặt và một chút “sáng tạo” khi nộp thuế.

Đồ thị phía dưới được sắp xếp ngẫu nhiên, bạn sẽ phải tự nghĩ xem nên đặt nó vào đâu trong bài viết.

Đùa chút thôi. Nhưng nếu có đến mua đồ nội thất tại IKEA, ắt bạn sẽ chẳng lạ với những rắc rối và bực mình khi lắp ghép những đồ đạc được đóng thành tấm.

Có hai lý do để hàng triệu người tiêu dùng chịu đựng điều đó: sản phẩm của IKEA phong cách mà lại rẻ, rất rẻ.

“Chúng tôi ghét lãng phí,” Mikael Ohlsson, người lên nắm chức CEO của IKEA Group hồi tháng 9/2009 nói.

Đầy tự hào, ông giới thiệu với khách về chiếc ghế sofa “Ektorp” màu đỏ nhạt. Năm ngoái các nhà thiết kế của ông đã nghĩ ra cách đóng chiếc ghế ba chỗ ngồi này nhỏ gọn hơn nữa, giúp tăng gấp đôi số ghế sofa có thể đóng được trong một không gian nhất định.

Nhờ thế mà giá giảm được tới 100 euro (135 đôla) còn khí thải từ việc vận chuyển chúng cũng giảm đáng kể.

Tiết kiệm là nền tảng văn hóa của IKEA. Ông Ohlsson cho rằng nó bắt nguồn từ quê hương của công ty tại Smaland, một vùng nghèo ở nam Thụy Điển.

Cư dân nơi đây “bướng bỉnh, chú ý nhiều đến giá cả và rất biết giật gấu vá vai mà sống”. Kể từ khi Ingvar Kamprad sáng lập IKEA năm 1943, công ty đã cố gắng giúp “những người có điều kiện han chế có thể trang trí tổ ấm chẳng khác nhà giàu”.

IKEA tự coi mình là một công ty “xanh” với trách nhiệm xã hội trên vai. Ông Ohlsson tự hào về hoạt động từ thiện và mục tiêu chỉ sử dụng năng lượng tái tạo của công ty.

Ông nói mình muốn các “đồng nghiệp” hạnh phúc, trung thực và biết nghĩ cho chính mình. Ông tự hào khi có tới 40% trong số 200 quản lý hàng đầu của công ty là nữ.
 
Liên tục tăng trưởng

Việc kinh doanh khá phát đạt (xem đồ thị). Trong năm tài chính 2010, doanh số của IKEA tăng 7,7% lên 23,1 tỷ euro và lợi nhuận ròng tăng 6,1% lên 2,7 tỷ euro. Conforama, Habitat và các đối thủ khác bị bỏ xa.

Thương hiệu mạnh và giá thấp giúp IKEA chống chọi được với suy thoái cho dù 80% doanh số của hãng là từ khu vực Châu Âu vốn chịu thiệt hại nặng nề của khủng hoảng.

Năm 2010, doanh số của IKEA tăng 8,2% ở Tây Ban Nha và 11,3% ở Italy. Công ty đang kinh doanh tốt ở Bulgaria, Romania và dự định mở rộng kinh doanh ở Trung và Đông Âu.

Dân Đức cần kiệm là khách hàng số một của IKEA, chiếm 15% doanh số. IKEA còn trở thành một phần của văn hóa Đức: năm 2009, một nhà hát tại Hamburg trình diễn một vở opera về IKEA với cái tên “Wunder von Schweden” (“Điều thần kỳ từ Thụy Điển”).

Dù vậy, đằng sau hình ảnh “sạch sẽ” của IKEA là một công ty “rất Thụy Điển”, bí mật từ bản năng và như một số người nói, cực kỳ “có trên có dưới”.

Tất cả sáu thành viên trong ban kiểm soát đều là người Thụy Điển. Ông chủ 84 tuổi Ingvar Kamprad là cố vấn cao cấp.

Trong nhiều năm công ty bị buộc tội sử dụng lao động trẻ em ở Châu Á và mua lông ngỗng nhổ từ những con ngỗng còn sống.

Báo chí còn phát hiện thời trẻ, ông Kamprad đã ủng hộ một nhóm phát xít Thụy Điển, sau đó, ông Kamprad đã phải công khai gửi thư xin lỗi.

Gần đây, IKEA gặp rắc rối tại Nga, nơi công ty có 12 cửa hàng. Sau khi chiến đấu chống lại tham nhũng và thậm chí còn đóng băng các khoản đầu tư của mình trong một thời gian để phản đối, năm ngoái chính IKEA lại vướng vào một vụ scandal.

IKEA phải cho thôi việc hai quản lý cao cấp tại Nga với cáo buộc nhắm mắt làm ngơ khi nhà thầu phụ hối lộ để được cung cấp điện cho các cửa hàng tại St Petersburg.

IKEA có tiếng là kinh doanh trong sạch. Nhưng cơ cấu sở hữu của công ty lại mù mờ.

Nhiều lời chỉ trích cho rằng cơ cấu này khiến công ty không phải công bố thông tin và giảm thiểu số thuế phải nộp, trong khi lại giúp nhà Kamprad thu lời lớn và khiến IKEA không thể bị thôn tính.

Công ty mẹ của IKEA Group (có 284 cửa hàng tại 26 nước) là Ingka Holding, một công ty tư nhân đăng ký tại Hà Lan.

Về phần mình, toàn bộ Ingka Holding lại thuộc về Stichting Ingka Foundation, một tổ chức phi lợi nhuận và được miễn thuế đã nhận được cổ phần của ông Kamprad tại IKEA năm 1982.

Quỹ này do hội đồng giám đốc gồm 5 người, đứng đầu là ông Kamprad, điều hành.

Nhãn hiệu IKEA thuộc sở hữu của Inter IKEA Systems, một công ty tư nhân khác tại Hà Lan.

Công ty mẹ của nó là Inter IKEA Holding, đăng ký tại Luxembourg. Trong nhiều năm, chủ sở hữu của Inter IKEA Holding vẫn được giấu kín còn IKEA từ chối công khai điều này.

Tháng 1 năm nay, một bộ phim tài liệu của Thụy Điển hé lộ quỹ Intergogo ở Liechtenstein do nhà Kamprad kiểm soát là chủ sở hữu của IKEA Holding.

IKEA Holding kiếm tiền nhờ các hợp đồng nhượng quyền kinh doanh của IKEA Systems với mỗi cửa hàng IKEA. IKEA tuyên bố tất cả các cửa hàng đều phải trả 3% doanh số làm tiền bản quyền nên các hợp đồng trên cực kỳ béo bở.

IKEA Group là tổ chức nhận nhượng quyền kinh doanh lớn nhất; các tổ chức khác điều hành 35 cửa hàng còn lại, chủ yếu ở Trung Đông và Châu Á. Một cửa hàng ở Hà Lan nằm dưới sự điều hành trực tiếp của Inter IKEA Systems.

Sau khi bộ phim tài liệu lên sóng. Ông Kamprad vặn lại rằng “nộp thuế hiệu quả” là một phần tự nhiên trong văn hóa chi phí thấp của công ty.

Dù vậy chừng ấy nỗ lực “giảm bớt gánh nặng thuế” của công ty chẳng mấy ăn nhập với hình ảnh đầy trách nhiệm xã hội của IKEA.

Ông Ohlsson đang cố gắng xoa dịu những lời chỉ trích về sự thiếu minh bạch tại IKEA nhờ cung cấp thêm thông tin về tình hình tài chính của công ty. Năm ngoái, công ty lần đầu tiên công bố số liệu chi tiết về doanh số, lợi nhuận, tài sản, nguồn vốn.

Ông Ohlsson cho rằng là công ty thuộc sở hữu tư nhân giúp IKEA tăng tính cạnh tranh. Thay vì vã mồ hôi chạy theo mục tiêu hàng quý mà thị trường chứng khoán yêu cầu, công ty có thể tập trung vào tăng trưởng dài hạn.

Ông Ohlsson dự định tăng gấp đôi tốc độ khai trương cửa hàng tại Trung Quốc. Hiện IKEA đã có 11 cửa hàng ở đây.

Không nản lòng trước những rắc rối tại Nga, ông cũng có kế hoạch mở thêm khoảng 3 cửa hàng nữa tại vùng Moscow trong vài năm tới.

Ông Ohlsson hy vọng sẽ tiến vào được Ấn Độ khi thị trường bán lẻ ở đây mở cửa.

Ông thậm chí còn tính tới chuyện mở rộng kinh doanh sang Anh. Nhà của người Anh là lâu đài của anh ta, mà lâu đài nào chẳng cần có nội thất.
 
Minh Tuấn

duchai

Cùng chuyên mục
XEM