7 câu hỏi của Financial Times về vụ giao dịch nội gián chờ Warren Buffet trả lời

02/05/2011 14:00 PM |

Buffett có ưu ái một số quản lý của mình quá mức? Buffett giải trình như thế đã thuyết phục? Ai sẽ là người kế nhiệm Buffett sau khi ông về hưu?

Ngày thứ tư tuần trước, Berkshire Hathaway đã công bố một báo cáo dài 18 trang của Ban kiểm soát về hành vi giao dịch cổ phiếu tập đoàn hóa chất Lubrizol của vị cựu giám đốc sáng giá của tập đoàn, ông David Sokol. Báo cáo còn tuyên bố Warren Buffett sẽ sẵn sàng trả lời tất cả những câu hỏi có liên quan.

Dưới đây là 7 câu hỏi Finacial Times dành cho Warren Buffett

1. Vụ David Sokol nghiêm trọng đến đâu?

Buffett là nhà đầu tư dài hạn nổi tiếng nhất thế giới. Gần đây cổ phiếu Berkshire tăng giá không mạnh như chỉ số S&P 500 nhưng thành tích hơn bốn thập kỷ liền vượt xa chỉ số chứng khoán chung của Buffett tự nó đã nói lên tất cả.

Ngay cả những vụ đầu tư lớn đậm phong cách cổ điển như công ty đường sắt Burlington Northern Santa Fe cũng đã được tính toán rất kỹ về mặt thời gian.

Nhưng Sokol là ứng cử viên hàng đầu cho vị trí Tổng giám đốc một khi Buffett nghỉ hưu. Buffett thường ca ngợi Sokol trong các bức thư bửi cổ đông hàng năm. Việc Sokol đột ngột từ chức cùng tất cả những lùm xùm xung quanh đó cho thấy chuyện này chẳng hề nhỏ chút nào.

2. Buffett có ưu ái cho một số nhà quản lý của mình quá mức?

Buffett nổi tiếng là ngại va chạm. Ngay cả trong thông cáo báo chí về việc Sokol từ chức vào ngày 30/03, Buffett vẫn ca ngợi những cống hiến của Sokol là “phi thường.”

Dù vậy, sau khi tiếp tục điều tra nay Bản kiểm soát lại cho rằng Sokol “đã định lừa gạt” Buffett trong vụ mua cổ phiếu Lubrizol. Luật sư của David Sokol phủ nhận thân chủ của mình vi phạm nội quy của Berkshire.

Nhưng nếu hành vi của vị giám đốc này có tồi tệ như những gì ban kiểm soát tuyên bố thì việc Buffett quyết định ra một thông cáo báo chí nhằm dẹp yên những lùm xùm quanh vụ việc này (và ban cho Sokol một ân huệ cuối cùng?) ít nhất cũng là quá vội vã.

3. Liệu xung đột lợi ích có hoàn toàn là lỗi của Sokol?

Buffett tự hào rằng mình biết chọn các công ty có những nhà quản lý đồng thời cũng là chủ sở hữu giàu tham vọng, luôn tôn trọng triệt để các quy tắc đạo đức nghiêm ngặt nhất và có thể để họ tự do điều hành công việc kinh doanh.

Nhưng Buffett không để họ tự do như những gì người ta tưởng. Nếu ông lo lắng, ông thường dành sẵn hàng đống câu hỏi cho các cấp phó của mình.

Sokol đã nói với ông là có sở hữu cổ phiếu Lubrizol. Nhưng Ban kiểm soát nói Sokol không tiết lộ liệu ông ta có nghĩ tới chuyện để Berkshire mua cả công ty này khi ông ta mua cổ phiếu Lubrizol hay không. Đáng lẽ ra Buffett nên hỏi thêm nhiều điều về thời gian cũng như số lượng cổ phiếu mà Sokol nắm giữ.

4. Trách nhiệm giải trình của Buffett như vậy đã đủ?

Cơ cấu và phong cách quản lý riêng của Berkshire khiến việc ép Buffett hay Phó Chủ tịch Charlie Munger từ chức là điều gần như không thể, dù cho mọi người có muốn làm điều đó.

Nhưng những tranh cãi kiểu như thế này khiến người ta càng thêm lo ngại rằng hệ thống hiện nay ở Berkshire được dựng lên để bảo vệ danh tiếng của ông và Munger.

5. Hiện ai có thể kế vị Buffett?

Buffett có thể cho rằng vì một trong những ứng cử viên giàu tiềm năng nhất cho chiếc ghế Chủ tịch đột nhiên rời cuộc đua nên việc công khai quá trình chuyển giao quyền lực sẽ phản tác dụng.

Nhưng khi mà xung quanh ông đã chẳng còn ai thì những đồn đoán về người sẽ kế vị ghế Chủ tịch thậm chí còn có hại hơn.

Ông phải thừa nhận rằng các nhà đầu tư của một công ty do hai ông lão ngoài bát thập điều hành đang gánh trên vai một nguy cơ lớn hơn nhiều so với cổ đông tại các công ty bình thường khác. Buffett nên tiết lộ thêm về những điều sắp xảy ra.

6. Đã đến lúc thay đổi?

Vụ Sokol là minh chứng cho những lo ngại về công tác quản trị ở Hathaway, nơi ông làm mưa làm gió trong một ban quản trị gồm toàn bạn bè và thành viên gia đình.

Một số cổ đông có thể hưởng lợi nhờ kỹ năng đầu tư của ông trong hàng thập kỷ qua, nhưng một ngày nào đó điều đó có thể không còn. Dường như hiện nay Buffet và Munger vẫn sắc sảo như ngày nào. Nhưng sự sắc sảo ấy không tồn tại mãi mãi.

Mỗi sai lầm trong công tác quản trị lại khiến phong cách quản lý kiểu “hãy tin vào tôi” của ông thêm phần sứt mẻ và đòi hỏi phải có sự giám sát chặt chẽ hơn. Ai cũng đồng ý rằng sau khi Buffet và Munger về hưu, Berkshire sẽ khác, vì thế Financial Times xin phép được đặt một câu hỏi cuối cùng.

7. . . .Vì sao Buffet không công nhận thực tế này và bắt đầu áp dụng một cơ cấu bình thường hơn để chuẩn bị cho quá trình chuyển giao sang một thời đại hậu Buffett? Ít nhất, Buffett vẫn nợ cổ đông một câu trả lời.
 
Minh Tuấn
Theo FT

duchai

Cùng chuyên mục
XEM